Ngày 8-4, MSCI quyết định nâng TTCK Kuwait từ thị trường cận biên (Frontier Market) lên thị trường mới nổi (Emerging Market) trong đợt tái cơ cấu (review) chỉ số tháng 11 sắp tới. Với việc Kuwait được nâng hạng lên thị trường mới nổi, Việt Nam có thể tăng thêm 13% tỷ trọng trong rổ Frontier Markets, qua đó trở thành thị trường lớn nhất trong rổ chỉ số này.
Cụ thể, theo ước tính mô phỏng của MSCI, tỷ trọng của Việt Nam trong chỉ số MSCI Frontier 100 Index có thể được nâng lên 28,76% khi Kuwait bị loại trừ hoàn toàn khỏi rổ chỉ số. Từ đó mang lại xung lực cho thị trường Việt Nam bằng một dòng vốn cận biên mới. Điều này sẽ phần nào hỗ trợ và củng cố đà tăng của VN Index trong thời gian sắp tới.
Tại ngày 21-10, giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ iShares MSCI Frontier 100 ETF, quỹ bám sát theo chỉ số MSCI Frontier 100, ở mức hơn 387 triệu USD. Theo tính toán của CTCK Rồng Việt (VDSC), giả định giá trị tài sản ròng của quỹ không đổi tại các giai đoạn thì Việt Nam có thể thu hút khoảng 63 triệu USD.
Nếu tính theo giai đoạn thì dòng vốn này sẽ đổ vào trong 5 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 hút ròng được 12,6 triệu USD, giai đoạn 2 là 3,1 triệu USD, giai đoạn 3 là 5 triệu USD, giai đoạn 4 là 10,7 triệu USD, giai đoạn 5 là 31,4 triệu USD.
Theo nhận định của VDSC, dòng vốn tích cực này sẽ chảy vào các CP trong nhóm VN30, đặc biệt là các CP đang chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục đầu tư của MSCI. Theo đó, các mã được hút ròng nhiều nhất gồm: VNM (Vinamilk) 9,5 triệu USD, VIC (Vingroup) 9,3 triệu USD, VHM (Vinhomes) 8,7 triệu USD, HPG (Hòa Phát) 5,7 triệu USD và VCB (Vietcombank) 4,5 triệu USD.
Con số này chưa phản ánh hết giá trị mà các CP Việt Nam nhận được khi vẫn còn dòng tiền từ các quỹ chủ động và các quỹ khác đang bám sát theo chỉ số thị trường cận biên của MSCI.