VNZ, mã của Công ty cổ phần VNG, hiện là cổ phiếu đắt đỏ nhất trên thị trường chứng khoán. Nhà đầu tư phải bỏ ra 1,3 triệu đồng để mua 1 cổ phiếu. Tuy nhiên điều đáng nói, nhà đầu tư có tiền cũng khó có thể mua được vì không có người bán ra. Chính việc không có thanh khoản khiến cổ phiếu này tăng gấp nhiều lần chỉ trong thời gian ngắn, bất chấp việc đang thua lỗ cả nghìn tỷ đồng.
11 ngày liên tiếp tăng trần đã giúp cổ phiếu VNZ của Công ty cổ phần VNG tăng gấp hơn 5 lần, lên mức 1,3 triệu đồng 1 cổ phiếu.
Theo các chuyên gia, cơ cấu cổ đông quá cô đặc đã khiến cổ phiếu này không có thanh khoản, không có tính thị trường.
"Cổ phiếu được nắm giữ bởi tổ chức, cổ đông sáng lập, cán bộ công nhân viên…, đâu đó chỉ có khoảng 1 - 2% tỷ lệ cổ phiếu thực sự từ chuyển nhượng nên thanh khoản cổ phiếu sẽ cực kỳ thấp. Việc mua bán trên sàn chỉ là giao dịch nhỏ giọt liên quan đến việc đưa đẩy giá cổ phiếu", ông Trần Đức Anh, Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam, cho biết.
Đáng nói, doanh nghiệp đã có 5 quý liên tiếp làm ăn thua lỗ và hiện tại đang lỗ hơn 1.300 tỷ đồng. So sánh với các công ty cùng ngành khác trên thế giới như Tencent, KingSoft, Nintendo thua kém về mọi chỉ số. Theo các chuyên gia, việc có đối tác ngoại mua gần 1% cổ phiếu với giá cao không phản ánh định giá thật của công ty.
Đến nay, với vốn điều lệ hơn 350 tỷ đồng, vốn hoá của VNZ đã lên đến 37.000 tỷ đồng, tức gấp hơn 100 lần vốn điều lệ. Theo các chuyên gia, việc tăng vốn hóa trong thời gian ngắn có thể đem lại nhiều giá trị khác cho công ty này.
Trước đây cũng đã có từng có các trường hợp chào sàn UPCoM, tăng trần nhiều phiên nhờ mua bán nhỏ giọt để hưởng lợi từ biên độ 15%/ngày.
Ngày 16/2, cổ phiếu VNZ ngay sau khi tiến sát ngưỡng được cho là định giá mục tiêu với đối tác ngoại, đã có phiên điều chỉnh giảm hơn 4%. Trong khi nhà đầu tư có thể chịu thua lỗ trong ngắn hạn vì đua lệnh mua đuổi, công ty vẫn đang hưởng lợi vì vốn hóa đã tăng gấp hơn 5 lần chỉ trong hơn 11 ngày giao dịch.