Vỡ mộng 'ca sĩ xu hướng'

(ĐTTCO) - Không chỉ nhiều lần tiếp tay 'nhạc rác', hay tạo cơn sốt nhạc dưới 30 giây, làm ảnh hưởng thông điệp ca khúc, các nền tảng chia sẻ video còn tạo môi trường cho nhiều người 'dấn thân' làm ca sĩ.
Phần trình diễn trên sân khấu tại Đà Lạt của Phạm Lịch nhận về ý kiến trái chiều của khán giả. Ảnh: FBNV

Phần trình diễn trên sân khấu tại Đà Lạt của Phạm Lịch nhận về ý kiến trái chiều của khán giả. Ảnh: FBNV

Hát live thều thào

“Thiệt, tui bị nghiện bản cover (bản hát lại - PV) Là anh từ ca khúc gốc It’s you (Mộng Nhiên) cả tuần nay. Mấy bữa đầu vô TikTok, thấy ngay trên xu hướng, sau lướt Facebook cũng thấy bài này, nghe ngọt ngào, sâu lắng, lôi cuốn. Nghe đi nghe lại vẫn muốn nghe. Bài này đúng là dành cho chị Phạm Lịch. Tui đã nghĩ như vậy cho tới lúc xem bản hát live (trực tiếp - PV) chị ấy hát trong một chương trình ca nhạc tại Đà Lạt. Dùng từ “vỡ mộng” không biết phù hợp chưa, nhưng thiệt là tui ngỡ ngàng, bật ngửa”, khán giả Nguyễn Thị Ngọc Sương (31 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM) kể.

Mới đây, vũ công Phạm Lịch nhận về nhiều ý kiến trái chiều khi video ghi lại màn trình diễn của cô tại Đà Lạt được chia sẻ. Giọng hát hoàn hảo, âm sắc lạ trong bản cover Là anh gây sốt TikTok, có hơn 15 triệu lượt người xem trên YouTube trong 1 tháng qua, gần như biến mất khi cô cất giọng trên sân khấu live. Dù hát không quá tệ nhưng khi đứng trên sân khấu, phần thể hiện của Phạm Lịch chưa ổn, còn chông chênh, khác bản gốc. Màn trình diễn nhận nhiều ý kiến cho rằng, giọng hát chưa thực sự chất lượng như những gì thể hiện ở bản audio đang viral (phổ biến, nổi bật) khắp cõi TikTok, Facebook.

“Ca sĩ TikTok” trở thành hiện tượng thời gian qua khi nhiều người tung các ca khúc, đoạn nhạc lên các nền tảng chia sẻ video, thu hút sự chú ý rất lớn từ khán giả. Nhờ kỹ thuật phòng thu hiện đại, một giọng ca bình thường hoặc nhỉnh hơn bình thường một chút vẫn có thể được “biến hóa” trở thành giọng ca nội lực, phủ sóng khắp các nền tảng. Mọi thứ đều không góc chết, không chỗ chê… từ âm nhạc đến hình ảnh, cho đến khi các ca sĩ bước ra sân khấu đời thực.

Trước Phạm Lịch, khán giả cũng vài lần bất ngờ trước giọng ca thật của các ca sĩ “xu hướng” như Đ.L.V., Đ.D., C.T.Q., X.M…, dù họ vô tình hay cố ý xuất hiện cùng danh xưng ca sĩ. Bước ra khỏi phòng thu, không ít “ca sĩ TikTok” hát live thều thào, bản lĩnh sân khấu kém… Từ tư duy làm nhạc “mì ăn liền” đến lùm xùm bản quyền các ca khúc, đã có nhiều vấn đề nảy sinh.

Làm hỏng thông điệp

Việc các TikToker bước vào showbiz Việt quá dễ dàng, khiến chốn này đã ồn ào, nay càng bát nháo, đảo lộn các giá trị thực - ảo. Hệ lụy sâu xa hơn, nhiều nội dung được sản xuất trên nền tảng này được xem là đang làm hỏng thông điệp âm nhạc, “tiếp tay” lan tỏa “nhạc rác”.

Cần phải nói rằng, nền tảng này đã đẩy những See tình (Hoàng Thùy Linh), Hai phút hơn (Pháo), Bước qua nhau (Thái Vũ)… đến gần khán giả trong nước và cả quốc tế. Nhiều nghệ sĩ, nhà sản xuất âm nhạc còn lên chiến lược lan tỏa ca khúc trên TikTok. Tuy nhiên, có một thực tế mà không ít người trong lĩnh vực giải trí lên tiếng khi TikTok đang “làm hỏng” thông điệp âm nhạc của họ bởi sự gấp gáp, ồn ào. “Nhạc 15 giây”, “nhạc 30 giây”… ngắt ra từ một ca khúc vài phút có giá trị gì, lan tỏa điều gì và làm sao chinh phục khán giả là điều nhiều nghệ sĩ chuyên nghiệp trăn trở.

Mới đây, nam rapper Mikelodic (giới underground - các thể loại âm nhạc không chính thống) bức xúc đăng đoạn clip chỉ trích các bản clip ngắn trên TikTok (bản speed-up) “phá hỏng thông điệp âm nhạc” anh muốn truyền tải thông qua ca khúc Đủ trải sẽ thấm. Anh cho rằng, những bản chỉnh sửa remix (phối lại) vô tội vạ trên TikTok khiến bài hát của anh tăng nhịp độ, gấp gáp không đúng tinh thần. Vấn đề này không chỉ của riêng rapper Mikelodic mà một số nghệ sĩ khác cũng vấp phải.

Sự “viral” (nội dung truyền tải dưới dạng video, được lan truyền nhanh) của các video TikTok không thể làm méo mó bản chất âm nhạc, bởi một ca sĩ thực lực được khán giả đón nhận phải đi cùng ca khúc, không chỉ gây sốt mà phải có sức sống. Những hiện tượng ca sĩ tạo sản phẩm “mì ăn liền” nổi nhanh thì cũng sớm bị đào thải bởi đó là thực lực… ảo. Chất lượng ca khúc cùng sự sáng tạo không ngừng nghỉ vẫn là cốt lõi quyết định sự phát triển của nghệ sĩ chuyên nghiệp.

“Ca sĩ TikTok mà, họ có quyền hát hò, nhưng nếu không thực lực thì chỗ đứng của họ chỉ là ảo, chứ không phải chỗ đứng của ca sĩ đích thực. Giá trị nào thật, giá trị nào ảo thời gian sẽ chứng minh liền. Để được gọi là ca sĩ, tôi nghĩ cần nhiều yếu tố. Ngoài tài năng, ngoại hình phù hợp, bản thân các bạn ấy phải học hỏi, trau dồi nhiều hơn. Sân khấu đời thực mới là nơi thể hiện tài năng, bản lĩnh trình diễn chinh phục khán giả”, khán giả Phạm Quỳnh Anh (38 tuổi, ngụ quận 10, TPHCM) chia sẻ.

Các tin khác