Vô tư niêm yết bằng USD

(ĐTTCO)-Không chỉ ở Hạ Long và một số điểm đến du lịch trên cả nước, ngay tại trung tâm TP.HCM, dù quy định cấm niêm yết, giao dịch bằng ngoại tệ nhưng nhiều cửa hiệu mua bán hàng hóa dịch vụ vẫn sử dụng USD tràn lan.

(ĐTTCO)-Không chỉ ở Hạ Long và một số điểm đến du lịch trên cả nước, ngay tại trung tâm TP.HCM, dù quy định cấm niêm yết, giao dịch bằng ngoại tệ nhưng nhiều cửa hiệu mua bán hàng hóa dịch vụ vẫn sử dụng USD tràn lan.

Trả bằng tiền gì cũng được

Trước tiệm massage (trong một con hẻm đường Bùi Viện, Q.1, TP.HCM), tấm bảng giảm giá 30% ghi bằng USD khá to ghi giá 1 giờ foot massage (xoa bóp chân) 8 $ (ký hiệu của USD), body massage (xoa bóp cơ thể) giá 13 $, full body oil (dầu toàn thân) giá 18 $, face massage (xoa bóp mặt) 10$.

Hàng loạt các tiệm xoa bóp trong con hẻm này và ngay cả những tiệm bên ngoài mặt tiền đường Bùi Viện cũng đều ghi bảng giá bằng USD với nhiều mức giá cùng mức giảm từ 10 - 30%. Cách đó không xa, ngay ngã tư Bùi Viện - Đề Thám, một cửa hàng bán đồ ăn treo tấm bảng “Airport taxi” (taxi sân bay) niêm yết 2 giá là 160.000 đồng và 8 $.

 

Tham khảo trên trang web của một số khách sạn, nhà nghỉ gần khu vực phố Tây (Q.1, TP.HCM), giá phòng được niêm yết bằng VND. Tuy nhiên khi liên hệ trực tiếp đặt phòng, hầu hết các khách sạn này đều cho phép thanh toán bằng ngoại tệ, cụ thể là USD.

Thậm chí, khách sạn T. (đường Lê Thánh Tôn, P.Bến Thành, Q.1) nhân viên còn báo giá phòng bằng USD. Khu vực giới thiệu tour du lịch cho khách nước ngoài tại Bưu điện Thành phố cũng để bảng giới thiệu 1 khách sạn 5 sao hoàn toàn bằng tiếng Anh, niêm yết giá 119 USD.

Quán cà phê tại tầng 3 của một căn nhà trên đường Ngô Đức Kế, Q.1 có vị trí khá đẹp, không chỉ thu hút các bạn trẻ VN mà còn là điểm đến của rất nhiều du khách nước ngoài muốn có một không gian lý tưởng để ngắm đường phố từ trên cao. Đây cũng là nơi bày bán tranh và giá của tất cả tranh ở đây đều niêm yết bằng USD với giá từ 800 USD trở lên.

Tình trạng trên cũng xảy ra tại một số công ty du lịch cung cấp tour cho khách nước ngoài mua tour trực tiếp tại VN. Đơn cử, Vietnam By Scooters, một đơn vị du lịch chuyên cung cấp các tour du lịch địa phương di chuyển bằng Scooters (một loại xe 2 bánh tay ga).

Giá các tour được giới thiệu trên trang web của đơn vị này cũng như giá in trên tờ rơi quảng cáo hoàn toàn để bằng USD: tour Saigon’s Hidden Coners - 58 $, Saigon City Tour - 52 $, Saigon on the plates - 64 $…

Tư vấn viên của đơn vị cũng tỏ ra rất sẵn lòng khi khách đề nghị thanh toán bằng USD và theo anh này, hầu hết khách nước ngoài có nhu cầu đều được quyền thanh toán bằng ngoại tệ. Hai công ty du lịch trên đường Đề Thám chạy bảng điện tử với dòng chữ tiếng Anh khá ấn tượng giới thiệu các chuyến du lịch ngắn ngày trong nước được tính bằng giá USD, chẳng hạn giá du lịch khu vực đồng bằng sông Cửu Long 4 ngày 3 đêm giá 73 USD, còn đi 2 ngày giá 56 USD.

Phạt nặng

Trước tình trạng này, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM khẳng định những doanh nghiệp, cá nhân niêm yết hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ như trên là hoàn toàn sai quy định. Ngay cả niêm yết VND nhưng tương đương giá ngoại tệ cũng không được phép.

Theo quy định hiện nay, trên lãnh thổ VN chỉ được phép sử dụng VND. Ngoài các tổ chức tín dụng được phép niêm yết, thu đổi ngoại tệ, các tổ chức kinh tế được NHNN cấp giấy phép thu đổi ngoại tệ tính đến hết quý 1 trên địa bàn TP hiện chỉ khoảng 94 đại lý. Các đại lý này tập trung ở các điểm khách sạn từ 3 sao trở lên, sân bay quốc tế, trò chơi điện tử dành cho người nước ngoài, khu du lịch, trung tâm thương mại.

Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Minh, trong 3 năm 2014, 2015 và 2016, NHNN chi nhánh TP.HCM đã phối hợp với cơ quan công an, quản lý thị trường... kiểm tra xử phạt 22 vụ với số tiền hơn 3,9 tỉ đồng, trong đó một vụ bị xử phạt nặng nhất là 450 triệu đồng khi ghi giá trong hợp đồng bằng ngoại tệ. Trước thực trạng nhiều điểm ngay giữa trung tâm TP.HCM vẫn còn niêm yết, mua bán hàng hóa dịch vụ bằng ngoại tệ, ông Nguyễn Hoàng Minh cho hay sẽ đề xuất thành lập tổ kiểm tra liên ngành để chấn chỉnh lại trật tự.

Theo Nghị định 96 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, những hành vi sau bị xử phạt từ 200 - 250 triệu đồng như thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ không đúng quy định pháp luật; giao dịch, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận, niêm yết, quảng cáo giá hàng hóa, dịch vụ không đúng quy định...

Các tin khác