Vốn nhà nước đắt hàng

(ĐTTCO) - Đấu giá cổ phần  nhà nước cũng như các đợt bán đấu giá lần đầu ra công chúng (IPO) tại những doanh nghiệp (DN) có quy mô vừa và nhỏ, hiệu quả ở lĩnh vực kinh doanh đang thu hút sự tham gia của nhiều NĐT. Nhiều thương vụ khối lượng đặt mua gấp nhiều lần và giá chào mua cũng cao vượt trội. Điều này cho thấy vốn cổ phần của Nhà nước đang bắt đầu đắt hàng.

(ĐTTCO) - Đấu giá cổ phần  nhà nước cũng như các đợt bán đấu giá lần đầu ra công chúng (IPO) tại những doanh nghiệp (DN) có quy mô vừa và nhỏ, hiệu quả ở lĩnh vực kinh doanh đang thu hút sự tham gia của nhiều NĐT. Nhiều thương vụ khối lượng đặt mua gấp nhiều lần và giá chào mua cũng cao vượt trội. Điều này cho thấy vốn cổ phần của Nhà nước đang bắt đầu đắt hàng.

Tranh mua cổ phần nhà nước

Tuần qua, Tổng công ty (TCT) Thương mại Sài Gòn (Satra) đã tổ chức bán đấu giá cổ phần nhằm thoái vốn tại Công ty Dịch vụ Dầu khí Sài Gòn (SPSC). Satra đăng ký bán 1,53 triệu CP, tương đương 51% tổng số CP đang lưu hành, với giá khởi điểm 30.000 đồng/CP. Đây cũng là mức giá khởi điểm cao so với các đợt bán đấu giá của các DN trước đó. Mục đích thoái vốn của Satra đợt này, theo lãnh đạo doanh nghiệp, là nhằm cơ cấu lại tỷ lệ sở hữu của Nhà nước do Satra quản lý để nâng cao tính tự chủ và tạo điều kiện để Satra tập trung đầu tư vào các dự án trọng điểm khác.

Rất nhiều DN nhà nước hoặc Nhà nước giữ phần lớn CP rất có tiềm năng nhờ thương hiệu lâu đời hoặc quỹ đất dồi dào. Do đó một khi nền kinh tế phục hồi hoặc môi trường cởi mở hơn, chắc chắn nhiều NĐT muốn sở hữu những DN này. Dưới bàn tay của những NĐT mới, những DN đó có thể trở nên hiệu quả hơn rất nhiều.

Các NĐT đã đặt mua 9,3 triệu CP SPSC trong phiên đấu giá, cao gấp 6 lần số lượng chào bán. Kết phiên, giá trúng cao nhất đạt 150.000 đồng/CP và giá trúng thấp nhấp 40.000 đồng/CP, mức giá trung bình lên đến 74.314 đồng/CP, giúp Satra thu về 114 tỷ đồng. Đây được xem là một đợt thoái vốn thu hút sự chú ý của NĐT. Được biết, SPSC hiện có vốn điều lệ 30 tỷ đồng, với hoạt động chủ lực là dịch vụ địa ốc, du lịch, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động… Trong đó, SPSC được đánh giá tiềm năng ở mảng cung ứng lao động, đặc biệt hoạt động cung ứng nhân viên tiếp thị cho Công ty TNHH Nhà máy Bia Việt Nam (có hãng Heneken) là hoạt động chiếm tỷ trọng và doanh thu lớn nhất trong cơ cấu doanh thu của công ty. Chẳng hạn, việc cung ứng người mẫu đã mang về hơn 167 tỷ đồng, chiếm tới hơn 88% doanh thu toàn công ty trong năm 2015. Tuy nhiên tới đây, hoạt động béo bở này có dấu hiệu giảm sút do các hãng bia sẽ trực tiếp chọn người mẫu.

Đa số thành công

Bên cạnh SPSC, khá nhiều DN gần đây cũng có kết quả IPO tích cực với lượng đặt mua gấp nhiều lần chào bán. Chẳng hạn Công ty TNHH MTV Nước giải khát cao cấp Yến sào Diên Khánh chào bán 5 triệu CP với giá khởi điểm 23.000 đồng/CP, nhưng các NĐT đăng ký mua gần 11 triệu CP, gấp đôi số lượng đấu giá. Công ty thu về tổng cộng 118 tỷ đồng từ đợt IPO này. Trường hợp khác là Công ty mẹ-TCT Dược Việt Nam (Vinapharm) IPO 42,55 triệu CP, chiếm 18% vốn điều lệ với giá khởi điểm 10.000 đồng/CP với 175 NĐT tham gia đấu gia và số lượng đặt mua lên đến 61 triệu CP. Đợt IPO giúp Vinapharm thu về gần 444 tỷ đồng. Hay trường hợp đáng chú ý khác là TCT Công nghiệp In-Bao bì Liksin bán CP tại CTCP Tico với mức giá bình quân 63.802 đồng/CP, cao gấp đôi giá khởi điểm (34.300 đồng/CP), giúp thu về 341 tỷ đồng. Phiên đấu giá thu hút 43 NĐT đăng ký mua với tổng số CP đội lên đến 42 triệu CP.

Dù vậy, vẫn còn một số DN chỉ chào bán được khá ít ỏi dù quy mô vốn lớn. Chẳng hạn Công ty mẹ - TCT Cơ khí Xây dựng (COMA) chỉ bán được 80.000 CP trong số 5,34 triệu CP đăng ký bán và số tiền thu về cũng chỉ hơn 800 triệu đồng. Nhiều đơn vị khác cũng bị “ế” với tỷ lệ cao như CTCP Nhà và Thương mại Dầu khí (PV Building), TCT Phát triển Khu công nghiệp-Sonadezi, TCT Lắp máy Việt Nam-Lilama, Công ty TNHH MTV Cảng Cam Ranh… Nhưng nhìn chung, các vụ IPO gần đây tỷ lệ thành công vẫn chiếm ưu thế. Báo cáo của HNX cho biết đã thực hiện đấu giá CP cho 36 DN trong nửa đầu năm, với số lượng CP trúng giá 290 triệu CP (chiếm 83,6% số CP bán đấu giá), tương ứng với giá trị bán được 3.703 tỷ đồng. Còn tại HOSE, 2 quý đầu năm có 43 đợt đấu giá thành công và 7 đợt đấu giá không thành công với tổng giá trị CP bán được 2.935 tỷ đồng.

Kiểm tra thùng phiếu phiên đấu giá SPSC.

Kiểm tra thùng phiếu phiên đấu giá SPSC.

Kỳ vọng đổi mới

Theo báo cáo của CTCK Maritime (MSI), dự kiến sẽ có khoảng 500 DN nhà nước IPO trong giai đoạn 2016-2020 với tổng số vốn huy động cho ngân sách nhà nước ước tính 40.000 tỷ đồng. Thời gian gần đây, các NĐT đặc biệt là các NĐTNN đã lựa chọn đầu tư theo một xu hướng mới, đặt chất lượng của DN lên hàng đầu. Theo đó, những DN có tiềm lực tài chính vững chắc, có khả năng sản xuất, cung cấp giá trị, dịch vụ, hàng hóa thực, đủ năng lực để có thể cạnh tranh với các DN nước ngoài... thường đấu giá thành công. Theo đó yếu tố được chú trọng đầu tiên là các công ty có giá trị nội tại cao như thương hiệu, bề dày phát triển, kinh nghiệm quản trị, vị thế đầu ngành, thị phần nội địa, hệ thống phân phối lớn… sau đó mới đến các yếu tố khác như quỹ đất, hay lợi thế ưu đãi từ chính sách.

MSI cũng cho rằng, nếu như trước đây các NĐT thường tập trung vào các công ty niêm yết, thì nay họ bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến các DN IPO hoặc thoái vốn nhà nước. Nguyên nhân có thể do các chính sách pháp lý được điều chỉnh với phương hướng gắn liền CPH với niêm yết, cùng với sự tham gia mạnh mẽ của NĐT tổ chức (Masan, Vingroup…) hay từ nước ngoài, phần lớn từ Hàn Quốc (Lotte, CJ Group, Samsung), Nhật Bản (Aeon, Honda, Kirin Holding, Sumitomo), Thái Lan (Berli Jucker BJC, Central Group, Saha Group), Singapore (Dairy Farm)… Như vậy sau vài năm chững lại, việc bán vốn nhà nước đang trở nên tích cực hơn rất nhiều.

Các tin khác