VPCP họp báo thường kỳ tháng 4

Trong buổi họp báo thường kỳ tháng 4-2014 do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều 29-4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên đã khái quát một số nội dung của phiên họp thường kỳ Chính phủ diễn ra cùng ngày và tập trung giải đáp, làm rõ thêm nhiều vấn đề đang được dư luận xã hội và báo chí quan tâm.

Trong buổi họp báo thường kỳ tháng 4-2014 do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều 29-4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên đã khái quát một số nội dung của phiên họp thường kỳ Chính phủ diễn ra cùng ngày và tập trung giải đáp, làm rõ thêm nhiều vấn đề đang được dư luận xã hội và báo chí quan tâm.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên, đến giờ này, có thể đánh giá tình hình kinh tế tháng 4 khá sáng sủa. Nhìn chung 4 tháng tình hình có chuyển biến tích cực so với cùng kỳ, tuy rằng không nhiều, còn chậm, một số chỉ tiêu đạt chưa cao.

Cụ thể kinh tế vĩ mô ổn định, thị trường bình ổn, tăng trưởng có nhích lên, giá cả được giữ đúng mức. Chỉ số CPI tháng này là 0,08%, thấp nhất so với nhiều năm. Theo các chuyên gia, chỉ số này là thấp nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây, còn báo cáo của Chính phủ đánh giá là trong khoảng 4 năm.

Tình hình tài chính, ngân hàng khá ổn định, đủ để chúng ta yên tâm. Lãi suất giảm và đang trên đà giảm. Tới giờ này còn khoảng 16% số người vay phải chịu lãi suất cao nhưng chủ yếu vay tiêu dùng. Thu ngân sách đạt 30,6% kế hoạch.

Nhìn tổng quan của năm 2013 và 4 tháng đầu năm 2014 thì tình hình tích cực hơn, có chuyển biến tốt hơn.
Các mặt văn hóa, an sinh xã hội và đời sống của nhân dân nói chung được chăm lo, giải quyết khá tốt, trừ dịch bệnh thời gian qua chưa được xử lý tốt lắm. An ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông được kéo giảm, ổn định; tai nạn giao thông giảm cả hai tiêu chí.

Tuy nhiên, nhìn chung Chính phủ nhận thấy nhiều mặt chuyển biến chưa cao. Nhiều chuyên gia nói là chưa có gì đột phá, tạo tín hiệu mừng để thấy rằng chúng ta có thể tăng tốc, nhưng dù sao cũng đáng khích lệ, tạo sự yên tâm cho những người tham gia thị trường...

Còn lĩnh vực DN, hôm qua Thủ tướng đã trực tiếp gặp DN. DN đánh giá chung là khởi sắc mặc dù số DN phải ngừng hoạt động vẫn còn nhưng DN thành lập mới và khôi phục trở lại rất đáng mừng.

Từ nhận định tình hình tháng 4 và 4 tháng đầu năm, Thủ tướng Chính phủ kết luận tại Hội nghị chúng ta tập trung nỗ lực làm tốt những vấn đề sau: Thứ nhất, cần tập trung bám sát các kế hoạch, nghị quyết, chương trình, mục tiêu đã đề ra. Các bộ, ngành, các thành viên Chính phủ, các cấp chính quyền, dưới sự lãnh đạo của Đảng,  tập trung cao độ, tổ chức thực hiện quyết liệt hơn, đem lại kết quả cao hơn.

Thứ hai, phải tập trung giải ngân các nguồn vốn. Hiện nay chúng ta thu ngân sách đạt, cân đối được. Ngân hàng, các tổ chức tín dụng đã cung cấp tiền nhưng giải ngân chậm. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tập trung giải ngân nguồn vốn đầu tư công, ODA, FDI để nhanh chóng tăng tổng cầu.

Hiện nay CPI thấp thì có nhiều bình luận, đánh giá nhưng Chính phủ nhận thấy một phần tổng cầu chưa có chuyển biến, tăng chậm. Trong quản lý điều hành, thiếu tiền đã khổ, nhưng có tiền, sử dụng không kịp, giải ngân không tốt cũng là đáng tiếc. Cho nên Thủ tướng chỉ đạo rất quyết liệt. Bộ Tài chính, Bộ KHĐT, các ngành chức năng tăng cường mọi biện pháp để triển khai cho tốt, tất nhiên không phải bằng bất cứ giá nào, phải làm chặt chẽ, đảm bảo hiệu quả.

Báo chí chúng ta nên theo sát, đồng hành, nhất là trong lĩnh vực giải tỏa các hộ dân trong phạm vi các công trình đang thi công. Có những công trình chúng ta làm thời gian rất dài, vốn đầu tư là tiền đi vay, nhưng vì một vài hộ dân chưa được giải tỏa mà chậm tiến độ, hiệu quả chưa đáp ứng được yêu cầu. Chúng ta tập trung tuyên truyền, kết hợp vận động, giải thích, đồng thời phê phán những người cố tình không vì lợi ích chung của đất nước. Bên cạnh đó, các BQL, chính quyền địa phương phải giải quyết thỏa đáng những  yêu cầu của người dân.

Thứ ba, Thủ tướng chỉ đạo cố gắng tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng. Trong cuộc gặp gỡ DN ngày hôm qua (28/4) Thủ tướng đã trực tiếp nghe phản ánh tình trạng hiện nay có nhiều thủ tục còn lòng vòng đối với DN, gây phiền hà, cải cách TTHC nhiều nơi còn chưa tốt. Mặc dù chúng ta đã có bước tiến dài trong cải cách, rút ngắn thời gian, có những cái từ 15 ngày còn 3 ngày, có những nơi tập trung giải quyết 1 cửa, 1 dấu có hiệu quả nhưng vẫn còn những vướng mắc. Đây là lĩnh vực chúng ta phải tháo gỡ.

Còn chỉ đạo sản xuất thì chúng ta lưu ý sản xuất nông nghiệp. Cái được của nông nghiệp là phát triển tương đối đồng đều, góp phần vào bức tranh chung, kể cả xuất khẩu. Nhưng chính người nông dân còn đang khó khăn. Cần lưu ý mối quan hệ giữa người sản xuất với DN chưa được đảm bảo, chưa có chuỗi kết nối để chia sẻ, đồng cảm, hỗ trợ lẫn nhau. Thời gian qua, chúng ta nghe dư luận có những phát biểu rằng người nông dân nai lưng ra làm nhưng rồi cuối cùng vẫn phải chấp nhận rủi ro. Chỗ này báo chí nên đi sâu để làm thế nào gắn kết các tổ chức chính trị-xã hội, các tổ chức nghề nghiệp tham gia chia sẻ với các hộ nông dân, hợp tác xã, từ đó chủ động sản xuất, tiêu thụ, tạo sự yên tâm.

Về triển khai các dự án luật, năm nay là năm đặc biệt triển khai Hiến pháp 2013. Chính phủ giao trách nhiệm các bộ, ngành phối hợp nhanh hơn nữa trong lĩnh vực này.

Trong một số vấn đề, sự kiện trong 4 tháng qua, Thủ tướng Chính phủ có biểu dương sự đóng góp của công tác truyền thông. Báo chí thời gian gần đây đã thể hiện rõ tinh thần, trách nhiệm, sự đồng hành với Chính phủ, các bộ, ban, ngành. Các bạn đã kịp thời nắm bắt thông tin, phản ánh tình hình, tạo những diễn đàn để người dân tham gia góp ý với Chính phủ, có những ý kiến phản biện sắc sảo. Những cơ sở đó đã giúp Chính phủ điều hành tốt hơn, có nhiều thông tin để quyết định những vấn đề chính xác, hợp lòng dân. Chúng tôi cảm ơn các đồng chí về những gì chúng ta đã làm tốt trong suốt thời gian qua.

Tuy nhiên, trong sự đồng hành giữa Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, các bộ, ban, ngành với báo chí ít nhiều còn có những cự ly, khoảng cách, cần tiếp tục khắc phục, gắn bó hơn nữa, tạo sự thấu cảm, chia sẻ kịp thời, không để những vướng mắc, thiếu thông tin thiếu, tạo sự hoài nghi không cần thiết. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhắc nhở, phê bình những ngành, những bộ làm chưa tốt, hoặc còn thiếu sót, sơ hở... trong một số vấn đề. Và Chính phủ cũng nhận thấy trách nhiệm của mình trong đó. Nhưng chúng tôi cũng cần sự thông cảm, chia sẻ, trao đổi của các bạn.

Tại cuộc họp báo hôm nay, chúng tôi có mời Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận và một số lãnh đạo bộ, ngành được Chính phủ giao những vụ việc mà thời gian qua xã hội, báo chí quan tâm. Trên tinh thần xây dựng, chúng ta đặt vấn đề, hỏi cho rõ, không để vướng mắc. Tinh thần chúng tôi tiếp nhận từ Thủ tướng là nói hết sự thật, vì sự thật có sức mạnh của nó. Cái gì thấy còn chưa rõ, còn vướng mắc trong công tác tuyên truyền, chưa được thông suốt, chúng ta cứ mạnh dạn trao đổi.

- Chúng tôi rất vui khi một trong những vấn đề chính trong họp Chính phủ sáng nay là vấn đề kiểm soát và bình ổn giá sữa. Xin Bộ trưởng cho biết chính xác quan điểm của Chính phủ về phương án áp giá trần có thời hạn đối với sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi là thế nào? Quan điểm của Chính phủ đối với phương án mà Bộ Tài chính đã trình lên như thế nào? Tới giờ phút này, chúng ta đã có kết quả thanh tra 5 doanh nghiệp chiếm thị phần chi phối trên thị trường sữa hay chưa?

- Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Tôi rất cảm ơn câu hỏi của phóng viên Đài truyền hình Việt Nam. Những lần họp báo trước, các bạn đã từng hỏi câu này. Thủ tướng Chính phủ khi kết luận phần này, có hoan nghênh, có thể nói là biểu dương sự vào cuộc kịp thời của báo chí. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhắc nhở bộ, ngành chức năng có liên quan trong lĩnh vực kiểm tra thị trường, quản lý giá, có trách nhiệm liên quan tới sữa phải tự xem xét lại để rút kinh nghiệm.

Còn quan điểm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là chúng ta thống nhất quản lý sữa chặt chẽ hơn bằng cách quy định giá trần và bán sữa phải niêm yết thời giá. Khi làm việc này, Chính phủ cũng cân nhắc xem có hợp pháp không? Đánh giá là thứ nhất, việc này là hợp pháp và hợp lý. Thứ 2 là đúng quan điểm, có người nói là mang tính nhân văn. Thứ 3 là hài hòa. Cho nên chúng ta hãy cố gắng tuyên truyền mạnh, tiếp tục theo dõi, giám sát quản lý lĩnh vực này. Chúng ta tuyên truyền gì? Tuyên truyền để doanh nghiệp, người buôn bán cũng phải biết chia sẻ việc này, thu lợi nhuận với mức vừa phải.

Đây là lĩnh vực, một mặt hàng mà Nhà nước phải quan tâm, bao bọc. Nhiều nước, kể cả Mỹ, Malaysia, Thái Lan, cũng đã có cách quản lý của họ và nói chung là không thả lỏng… Quan điểm và cách xử lý như thế. Lát nữa, đại diện Bộ Tài chính sẽ làm rõ thêm các nội dung liên quan.

-  Thực hiện chủ trương di dời các bộ, ngành ra khỏi Hà Nội, hiện tại bây giờ có một số bộ như Bộ TNMT, Bộ Nội Vụ đã có trụ sở mới nhưng vẫn chưa trả lại trụ sở cũ. Vậy Chính phủ sẽ có phương án giải quyết như thế nào và kế hoạch bao giờ thì các bộ này phải trao trả lại tài sản?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên:  Hiện nay trên địa bàn Hà Nội có một số cơ quan có kế hoạch di dời. Trước khi di dời thì phải xây trụ sở mới và hoàn chỉnh xong rồi sẽ di dời. Trong khi xây trụ sở mới, một số cơ quan vẫn còn phải giải quyết công việc, các mối quan hệ… thuộc trọng trách của cơ quan quản lý Nhà nước nên chưa cách ly được. Điều này là chúng tôi được biết như thế. Xin cảm ơn bạn.

- Thời gian qua, Chính phủ mà trực tiếp là Bộ Giao thông vận tải đã triển khai kế hoạch rất lớn là kiểm soát xe trọng tải trên toàn quốc. Đây là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn của Chính phủ cũng như Bộ GTVT để xiết lại tình hình vận tải và để giao thông đường bộ an toàn hơn, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, có một hệ quả, hệ lụy xảy ra là hàng hóa nông sản bị ùn ứ và nông dân rất lao đao trong thời gian qua vì thiếu xe và giá cước vận tải tăng lên rất nhiều. Ngoài ra, một số hệ lụy xã hội như lái xe vận tải không chịu qua những trạm cân, thường tìm cách để né tránh hoặc là dừng lại, gây ùn tắc giao thông trên các tuyến quốc lộ. Với tình trạng như hiện nay, chủ trương rất đúng đắn nhưng có vẻ như Bộ GTVT cũng như Chính phủ dường như chưa tính đến các phương án để giải quyết những hệ quả. Với quan điểm Người phát ngôn của Chính phủ, Bộ trưởng có thể cho biết sắp tới có giải pháp nào để giúp người nông dân giải quyết được tốt hơn?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Đây là câu hỏi mà tôi nghĩ rằng rất là đúng, bởi vì vấn đề an toàn giao thông, rồi chấp hành pháp luật trên lĩnh lực giao thông là vấn đề lớn, xã hội quan tâm. Đảng và Nhà nước đã có nhiều chỉ đạo, điều hành lĩnh vực này. Gần đây nhất, Bộ Giao thông vận tải đã quyết liệt thực hiện, xử lí nghiêm các xe chở quá tải. Tôi nhớ không lầm thì Chỉ thị số 18 hồi tháng 9 năm 2012 của Ban Bí thư Trung ương chỉ đạo lập lại trật tự an toàn giao thông trên lĩnh vực đường bộ, đường thủy, đường sắt và chống ùn tắc giao thông. Sau Chỉ thị này có nghị quyết của Chính phủ, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và một số chỉ đạo khác của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, chỉ đạo rất quyết liệt.

Tôi nói điều này có nghĩa rằng vấn đề này không phải là không có sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo và cơ quan quản lý. Nhưng tại sao thời gian qua chúng ta làm chưa tốt? Khi chỉ đạo thì các bộ, ngành chức năng và hầu hết các địa phương đều tổ chức thực hiện, nhưng chưa thể hiện sự kiên quyết, còn thiếu kiên trì, phối hợp cũng chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ nên hiệu quả không cao. Gần đây nhất, Bộ Giao thông vận tải thực hiện chỉ đạo của Ủy ban An toàn giao thông và bắt đầu lập lại trật tự trên lĩnh vực này.

Lúc đầu có những phản ứng tương đối gay gắt, thậm chí thái quá, nhưng trong cuộc họp Chính phủ ngày hôm nay, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải có báo cáo rằng sự đồng thuận ngày càng đáng khích lệ, đồng thuận giữa doanh nghiệp, lái xe và được nhân dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, để làm được vấn đề này đem lại kết quả như chúng ta đặt ra đòi hỏi phải có biện pháp đồng bộ và phải làm một cách quyết liệt hơn, có sự phối hợp chặt chẽ hơn.

Điều đó có nghĩa là tất cả ai vi phạm đều phải bị xử lí nghiêm minh, gắn với đó là tổ chức các tuyến vận tải để chia sẻ, bằng đường sắt kết hợp với đường thủy để vận chuyển hàng hóa, không để ách tắc đường bộ. Đã có nhiều tín hiệu rất tốt từ các doanh nghiệp vận tải, họ rất ủng hộ nhưng phải làm công bằng, phải làm quyết liệt, làm đến nơi đến chốn. Tôi nghĩ đây là lĩnh vực mà báo chí nên tập trung đi sát và ủng hộ. Việc làm này không chỉ xử lí ùn tắc mà còn nâng cao ý thức chấp hành người tham gia giao thông, bảo vệ đường xá cho tốt. Đây là chủ trương đúng, được đồng tình ủng hộ nên báo chí hãy góp sức để làm thế nào chúng ta thực hiện ngày càng hiệu quả hơn, tốt hơn nữa, đem lại trật tự giao thông và ý thức chấp hành pháp luật.

Cũng tại buổi họp báo, lãnh đạo các Bộ Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính đã chia sẻ, làm rõ thêm nhiều vấn đề được dư luận xã hội và báo giới quan tâm.

- Xin được hỏi Bộ trưởng Y tế, dịch sởi đến hôm nay, có thể tin là đã qua giai đoạn đỉnh, đã trong tầm kiểm soát. Trong cuộc họp mà Bộ trưởng báo cáo với Thủ tướng hôm vừa rồi, Thủ tướng có thẳng thắn về việc cần rút kinh nghiệm và bản thân Thủ tướng cũng thấy rằng, chúng ta có trách nhiệm trong việc dịch xảy ra và gây chết nhiều người như thế. Đến nay đã có độ lùi tương đối rồi, xin Bộ trưởng cho biết đã có rút kinh nghiệm gì và trong đợt vừa rồi ngành Y tế có những khiếm khuyết gì có thể rút kinh nghiệm để không vấp lại nếu có bùng phát các dịch bệnh khác chẳng hạn?

- Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Dịch sởi vừa rồi xảy ra, có những điều đặc biệt mà chúng ta có thể rút kinh nghiệm.

Thứ nhất, hầu hết các trường hợp mắc sởi xảy ra trên trẻ không tiêm chủng hoặc tiêm chưa đủ. Tỷ lệ tiêm chủng thấp so với trước do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong thế giới hiện nay, dịch cũng xảy nghiêm trọng, phức tạp, kể cả các nước đã phát triển, cũng do vấn đề không đạt tỷ lệ tiêm chủng.

Thứ hai, tử vong tương đối cao, tập trung ở bệnh viện nhi đầu ngành, trong đó 50% là sống ở Hà Nội, 30% số bệnh nhân trong cả nước. Từ tháng 7/2013, Bộ Y tế cũng như Chính phủ đã có chỉ đạo tuyên truyền vấn đề tiêm phòng sởi và chúng tôi kết hợp với các phương tiện truyền thông đại chúng, truyền hình, đài phát thanh và cả chính quyền địa phương đã làm quyết liệt.

Tuy nhiên, đã xảy ra chuyện đó thì bài học thứ nhất chúng tôi rút ra được và nhận khuyết điểm và Thủ tướng cũng có đánh giá là cần rút kinh nghiệm, đó là công tác truyền thông chưa hiệu quả. Nếu hiệu quả thì người dân phải đi tiêm chủng với tỷ lệ cao hơn và như vậy dịch không xảy ra.

Thứ ba, vấn đề tử vong cao, tập trung, đến 97% là nằm ở Viện Nhi, một bệnh viện đầu ngành. Tại sao tử vong cao như vậy? Nguyên nhân khách quan, thứ nhất, bệnh viện hàng đầu nhận bệnh nhân nặng nhất của cả nước, những bệnh tử vong cao như tim bẩm sinh, suy giảm miễn dịch, bại não…

Thứ hai là phân tuyến, đã có thông tư phân tuyến và chuyển tuyến, nhưng người dân tập trung vào đó rất đông và một khi bệnh nhân đến là họ không chịu về, tuyến dưới giữ lại cũng không được. Yếu tố đó cùng với yếu tố khách quan là khí hậu miền Bắc đợt vừa rồi ẩm, lạnh đã tạo nên nhiễm trùng. Bệnh sởi thông thường tử vong không cao, nhưng do có bội nhiễm, lây nhiễm chéo khiến tử vong cao.

Nếu chúng ta tuyên truyền tốt, một cách mạnh mẽ thì bệnh nhẹ có thể điều trị ở cơ sở tuyến dưới mà không cần lên Viện Nhi Trung ương, không để dồn cục tại đây. Chúng tôi cũng đã làm việc với WHO nhiều lần để tìm nguyên nhân. Họ nói, cũng tương tự các nước, kể cả đã phát triển, khi mà dồn cục thì chắc chắn sẽ lây nhiễm chéo, dẫn đến tử vong.

Nhân dịp này, chúng tôi cảm ơn các phương tiện truyền thông, khi đưa các hình ảnh làm cho người dân, ngay tại TP. Hà Nội, đi tiêm rất đông. Thứ hai, chỉ ngày hôm trước hôm sau, bệnh nhân đã không tới Viện Nhi nữa, giúp Viện Nhi có thời gian cứu chữa bệnh nhân nặng và không còn tình trạng nằm ghép. Bình thường phải từ 30-50 bệnh nhân nhập mới, sau hôm đó, chỉ còn 5 bệnh nhân, hôm sau nữa chỉ còn 3 bệnh nhân. Như vậy, nếu chúng ta truyền thông tốt, mạnh mẽ, quyết liệt, với đầu mối đưa ra thông điệp phải là Bộ Y tế, thì người dân đi tiêm cao hơn. Đó là vai trò của truyền thông.

Bài học lớn nhất đối với chúng tôi là công tác truyền thông. Một trong những nhiệm vụ mà ngành Y tế đặt ra đầu nhiệm kỳ là tăng cường công tác truyền thông. Thêm nữa, chúng tôi cũng thành lập Vụ Truyền thông, đặt truyền thông đi trước một trước rồi mới tới dự phòng và điều trị. Đương nhiên truyền thông để thay đổi hành vi cũng rất khó, nhưng chúng tôi nghĩ rằng, nếu các đồng chí phối hợp với chúng tôi và nếu ngành Y tế có những người làm truyền thông chuyên nghiệp hơn thì sẽ tốt hơn.

Ngành Y tế chúng tôi truyền thông nhiều chưa hẳn đã hay vì người dân có thể nghĩ rằng Y tế chỉ khuyên thôi, nhưng khi báo chí vào cuộc mạnh mẽ là có thay đổi hành vi rất rõ.

- Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Xung quanh câu này thì có lẽ chúng ta rút kinh nghiệm chung như thế này: Người ta nói, khi thành công thì mình cảm ơn những người đã giúp mình, nhưng khi chưa thành công thì phải “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”.

Ngành Y tế cũng đã nhận thấy trách nhiệm của mình. Nhưng chúng tôi muốn nói thế này, công tác tuyên truyền không chỉ là ngành Y tế. Chúng ta từng tuyên truyền thành công ở những vấn đề khác như đội nón bảo hiểm. Ban đầu cũng bị phản ứng rằng không hợp lý, nhưng rồi khi tất cả vào cuộc thì đã thành công. Tiêm chủng của chúng ta thời gian qua làm khá tốt, có thể nói là có những chỉ số đáng biểu dương, hoan nghênh nhưng thật đáng buồn khi kiểm tra các cháu tử vong thì trên 90% là do không tiêm chủng. Đây là bài học xương máu của chúng ta. Cần có sự phối hợp trong công tác tuyên truyền. Có lẽ từng bạn phóng viên cũng nghiên cứu rút kinh nghiệm xem tới đây mình làm gì. Tôi xin nhắc lại ý như thế để chúng ta cùng nhau chia sẻ trách nhiệm.

- Vừa rồi Bộ trưởng Y tế rất thẳng thắn nhận trách nhiệm, rút kinh nghiệm trong dịch sởi. Tuy nhiên, ngoài việc nhận trách nhiệm, rút kinh nghiệm của cá nhân Bộ trưởng thì Bộ có quy trách nhiệm, rút kinh nghiệm các bộ phận có liên quan không? Ví dụ, có ý kiến cho rằng việc để lây chéo, nhiễm trùng chéo như Bộ trưởng nói là gây tử vong rất lớn, có phần trách nhiệm của BV Nhi Trung ương đã không có biện pháp kịp thời dẫn đến việc lây chéo. Bộ có làm rõ trách nhiệm này không?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Như tôi đã nói ở trên, trong giai đoạn này chúng tôi tập trung toàn bộ lực lượng BV cũng như phòng bệnh để làm sao dập tắt dịch càng sớm càng tốt như Thủ tướng đã chỉ đạo. Còn hiện nay anh em khối điều trị có lẽ cũng chịu áp lực rất lớn, làm việc ngày đêm và nếu như tình trạng vừa rồi không giảm bớt tải thì có nhiều điều dưỡng, bác sỹ không chịu nổi. Họ dành hết tâm trí, năng lực chuyên môn để cứu chữa các cháu. Giai đoạn hiện nay chúng tôi phải động viên họ để làm sao cứu người bệnh còn những việc đó thì chúng tôi sẽ làm sau này.

-  Không thể phủ nhận rằng thời gian vừa qua, Bộ Y tế đã có nhiều biện pháp tích cực khống chế dịch sởi vào thời điểm dịch bệnh hoành hành tại Việt Nam và gây ra cái chết cho bệnh nhi. Tuy nhiên, về trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu ngành, xin được hỏi Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Với tư cách cũng là một người mẹ khi đến thăm bệnh viện, gặp gỡ bệnh nhi và nhìn những phụ huynh đang rất đau đớn về cái chết của con mình như vậy thì. Bộ trưởng có cảm nhận như thế nào và liệu rằng trách nhiệm cá nhân của Bộ trưởng sẽ ra sao?

- Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Cũng là người phụ nữ đã có con, cũng là người mẹ, trước tiên tôi gửi lời chia buồn sâu sắc đối với các bà mẹ đã có con qua đời trong thời gian vừa qua.

Về trách nhiệm, dù nguyên nhân khách quan hay chủ quan, trực tiếp hay gián tiếp và ở cấp quản lý nào gây ra, thì người đứng đầu ngành cũng có ít nhiều liên quan. Qua việc này tôi đã rút kinh nghiệm trong công tác truyền thông và trách nhiệm giảm tải, chống lây chéo trong bệnh viện.

Toàn ngành chúng tôi hiện đang tập trung tối đa giành giật mạng sống cho các cháu và mỗi ngày chúng tôi đều mong không có thêm cháu nào ra đi. Hiện nay đang có gần 20 cháu nằm thở máy thở ở BV Nhi, 7 cháu ở BV Bạch Mai. Thế nên lúc này, kể cả trong dịp lễ tới, toàn ngành vẫn phải làm việc. Tất cả dồn lực để tiêm chủng 95% sởi. Thứ hai là phải chỉ đạo kiểm tra. Ngày mai chúng tôi sẽ đi kiểm tra tiếp về vấn đề tuân thủ các nguyên tắc để giảm tử vong tối đa cho các cháu. Cái nữa là tiếp tục tuyên truyền.

Dịch tay chân miệng đang có nguy cơ bùng phát cao ở phía Nam. Tay chân miệng tử vong còn cao hơn nữa, có thể chỉ trong vòng 24 giờ vì độc lực của virus rất lớn. Trong 2 năm qua chúng ta đã khống chế rất tốt, tử vong rất thấp. Nhưng bệnh dịch thì có chu kì, chúng tôi sợ chu kì đó quay lại.

Ngoài ra cũng còn nhiều việc khác ngành Y phải làm, trong đó có phòng chống dịch và y tế dự phòng, rồi giảm tải bệnh viện, nhân lực y tế, tài chính y tế, đột phá thể chế ngành Y tế... Chúng tôi đang theo đuổi quyết liệt các kế hoạch liên quan đến phát triển hệ thống bệnh viện vệ tinh, bác sĩ gia đình và chuyển giao công nghệ. Về vấn đề bảo hiểm y tế toàn dân, trong thời gian qua chúng tôi cũng tham mưu, đối với hộ nghèo và cận nghèo chỉ được hỗ trợ 50% giờ là 70%, có những địa phương 100%.

Kết thúc phần trả lời của mình, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh, khi được lựa chọn làm Bộ trưởng, phải đặt quyền lợi của người dân lên trên hết, phải làm hết trách nhiệm, lương tâm, làm sao cống hiến được nhiều nhất…

- Vừa qua Bộ trưởng đã xin hoãn trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về đổi mới sách giáo khoa (SGK) để hoàn thiện thêm, trong đó có tính toán cả phương án kinh phí thực hiện. Tuy nhiên, vẫn có câu hỏi đặt ra là có cần thiết phải đổi mới chương trình, SGK hay không? Thậm chí có ý kiến cho rằng Bộ GDĐT nên dừng thực hiện đề án này. Trước yêu cầu bức thiết về đổi mới và cải cách giáo dục hiện nay thì triết lý thực hiện cải cách giáo dục của Bộ GDĐT là gì và trong đó việc đổi mới chương trình, SGK có thỏa đáng không? Liên quan đến vấn đề kinh phí thì vừa qua có một vài ước tính kinh phí thực hiện đổi mới chương trình, SGK phải tốn đến hơn 34.000 tỷ đồng và dư luận không đồng tình. Xin Bộ trưởng cho biết việc tính toán, hoàn thiện dự án trong thời gian tới là như thế nào?

- Bộ trưởng GDĐT Phạm Vũ Luận: Liên quan đến đề án đổi mới chương trình, SGK chúng tôi xin báo cáo thế này: Đề án này được Bộ GDĐT chuẩn bị, theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, tương tự như lần chuẩn bị để Quốc hội ra Nghị quyết 40 về chủ trương đổi mới chương trình, SGK vào năm 2000. Theo cách làm đó, lần này chúng tôi cũng chuẩn bị đề án như vậy.

Tại kỳ họp của UBTVQH, căn cứ vào ý kiến phát biểu của các ủy viên, của lãnh đạo Quốc hội thì yêu cầu phải làm cụ thể, chi tiết hơn, có cả kinh phí, tiến độ thời gian. Chúng tôi chấp hành ý kiến đó và cần có thời gian để bổ sung, làm tiếp các nội dung của dự án.

Thứ hai là có cần thiết phải đổi mới chương trình, SGK không thì đây là việc cần thiết. Vì sao cần thiết thì các bạn nghiên cứu Nghị quyết 29 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo sẽ thấy chúng ta phải chuyển nền giáo dục hiện nay đang chú trọng truyền thụ kiến thức một chiều sang một nền giáo dục chú trọng hình thành, phát triển kỹ năng, năng lực, phẩm chất của người học. Để làm được việc đó thì phải thay đổi. Thầy thay đổi, trò thay đổi, cán bộ quản lý thay đổi, chương trình thay đổi, SGK thay đổi, cách dạy, cách học và cách thi cử đều phải thay đổi.

Thay đổi thế nào thì trong Nghị quyết 29 đã khẳng định chúng ta sẽ thay việc thiết kế các môn học theo các vòng tròn đồng tâm nhau như bây giờ (Toán, Lý, Hóa, Văn, Sử, Địa), các lĩnh vực khoa học ngoài cuộc sống như thế nào thì kiến thức trong nhà trường như vậy. Kiến thức nhân loại bùng nổ, tăng lên làm cho chương trình quá tải. Phải thay đổi cách đó bằng một cách khác là thiết kế khối lượng kiến thức nhằm vào việc hình thành các năng lực, phẩm chất của học sinh và theo hướng các môn học và chương trình học ở cấp dưới, lớp dưới sẽ tích hợp cao, còn phân hóa, tự chọn mạnh và sâu ở bậc học, lớp học trên. Muốn làm được việc đó không có cách nào khác là phải thay đổi chương trình, SGK.

Triết lý giáo dục của chúng ta là thế nào? Có nhiều ý kiến nói là chưa có. Tôi xin khẳng định triết lý trực tiếp của giáo dục chúng ta là Nghị quyết 29 của Trung ương. Các quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển giáo dục, đào tạo thì nhiều nhưng gần đây nhất là Nghị quyết 29. Ở đây thể hiện cả truyền thống tinh hoa, kinh nghiệm của cha ông ta trong quá trình phát triển và làm giáo dục và cả những vấn đề cập nhật, hội nhập theo quan điểm của chúng ta.

Con số 34.000 tỷ thì tôi đã phát biểu trên truyền hình, xin nói lại cho đến thời điểm này Bộ GDĐT chưa xây dựng phương án thay đổi chương trình, SGK, chưa có con số nào về tiền nong cả. Con số 34.000 tỷ là anh em tổng hợp lại từ những nghiên cứu khác nhau. Trong quá trình nghiên cứu đề án đổi mới giáo dục, đào tạo để trình Trung ương thì mỗi nội dung chúng tôi đều phải khái toán tiền nong. Làm vậy là để mà cân đối. Giải pháp hay nhưng đòi hỏi nhiều quá, chúng ta không có tiền để thực hiện thì là không tưởng. Những con số ấy là những con số khái toán của những nhà nghiên cứu khi đề xuất những nội dung khác nhau của vấn đề đổi mới giáo dục. Tôi xin khẳng định cho đến thời điểm này chưa một con số nào cả về kinh phí.

Mỗi đề án mà đã thông qua Chính phủ rồi, sau đó lại đến Thường vụ Quốc hội, nhưng bị rút thì thông thường dư luận đánh giá là Chính phủ chuẩn bị không kỹ. Theo như trình bày của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thì đây là cách làm cũ theo đề án năm 2000. Và bây giờ tiếp tục làm như thế nhưng cuối cùng Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã không chấp nhận cách làm đó. Chúng ta cùng một hệ thống chính trị vậy tại sao chúng ta không có trao đổi trước với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hay Ủy ban Văn hóa-Giáo dục chẳng hạn, để thống nhất cách làm, tránh việc rút đi rút lại như thế? Bộ trưởng có thể giải thích vừa rồi tại sao lại xảy ra như thế không?

Bộ trưởng GDĐT Phạm Vũ Luận: Quá trình làm vừa rồi cũng được tiến hành theo đúng quy trình. Bộ chúng tôi chủ trì, xây dựng, đã có trao đổi với Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội. Ủy ban Văn hóa-Giáo dục cũng đã thẩm định, có ý kiến, chúng tôi đã tiếp thu, hoàn thiện. Cả chúng tôi và Ủy ban Văn hóa-Giáo dục đều theo cách tiếp cận đó, Ủy ban Văn hóa-Giáo dục thống nhất với chúng tôi, đồng ý để chúng tôi trình nội dung đó. Lúc ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận thì vấn đề có thể là 10 năm trước như vậy nhưng bây giờ tình hình mới, nên Thường vụ Quốc hội có yêu cầu như thế và chúng tôi chấp hành để chuẩn bị tiếp. Tức là cách tiếp cận cũ nhưng nay theo cách tiếp cận mới nên tôi nghĩ cũng là điều bình thường.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Trong công việc, nếu chuẩn bị tốt, phối hợp kỹ thì tốt. Khi giao trách nhiệm cho Bộ GDĐT trình, ý của Chính phủ là trình xin chủ trương, khi đồng ý chủ trương thì làm đề án cụ thể. Nhưng khi trình bày báo cáo phần chủ trương thì Thường vụ Quốc hội muốn tìm hiểu sâu thêm xem thực hiện chủ trương đó phải làm được vấn đề gì. Thực ra Chính phủ chưa bàn về vấn đề cụ thể nên cuối cùng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đồng ý để Bộ GDĐT tạm lùi lại thời gian lần thứ nhất.

- Tại Diễn đàn kinh tế mùa xuân năm nay, vấn đề nợ công được đặt ra. Trước đây tỷ lệ nợ công được các chuyên gia nói là có thể lên đến 98% và đợt này nâng lên mức cảnh báo có thể tới 100%.  Bộ Tài chính có thể đưa ra đánh giá về tình hình nợ công hiện nay và lý giải vì sao tỷ lệ này lại có sự chênh lệch như vậy? Bộ Tài chính đã có những tư vấn, khuyến nghị nào đối với Chính phủ trong việc quản lý nợ công hay chưa?

- Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai: Thứ nhất, ước đến ngày 31/12/2013 dư nợ nợ công bằng 53,5% GDP và giới hạn đã được quy định lại Luật Quản lý nợ công là không quá 65%. Con số 53,5% cuối năm 2013 cũng có thay đổi so với trước đây một chút do các khoản nợ ODA Nhật Bản bằng đồng Yên. Tỉ giá đồng Yên trong năm qua biến động. Chúng ta thấy trong 1 năm tỉ giá đồng Yên đã biến động từ 82 yên/USD thì cho đến nay là 105 yên/USD. Nợ công của chúng ta tính theo tỉ giá biến động làm cho nợ công tính theo USD giảm đi.

Và dư nợ Chính phủ tính đến 31/12/2013 là 41,7% GDP và trong quy luật quản lý nợ công không quá 50% GDP. Như vậy các chỉ số nợ vẫn đảm bảo giới hạn an toàn cho phép trong Luật. Theo tính toán, số liệu nợ công do Bộ Tài chính công bố đã bao gồm nợ của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương. Bộ Tài chính xin nêu là nợ công này đã được tính đủ 3 nội dung trên.

- Biện pháp mới xung quanh giá sữa bao giờ thực hiện? Về giá sữa, Thứ trưởng nói là mỗi hộp sữa giảm 57.000đ. Nhưng tại sao lại chậm thực hiện như thế, tại sao việc này không được thực hiện sớm hơn?

-Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai: Về câu hỏi của Đài truyền hình Việt Nam đã có kết quả thanh tra hay chưa và đã công bố được gì về kết luận thanh tra, Bộ Tài chính xin được thông tin với báo chí: Ngày hôm nay (29/4), Bộ Tài chính đã ký 5 kết luận thanh tra đối với 5 doanh nghiệp chiếm 90% thị phần sữa. Kết quả thanh tra có thể tóm tắt những nội dung cơ bản như sau: Thứ nhất, kết quả thanh tra cho năm 2013 và 3 tháng 2014 thấy rằng các công ty đều có điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi. Năm 2013, có 4 công ty tăng giá một lần, một công ty Mead Johnson Nutrition tăng 2 lần. Mặt hàng tăng giá thấp nhất là 2,4%, mặt hàng tăng giá cao nhất là 30,6%.

Cũng trong thanh tra, thấy rẳng có các vi phạm sau: Thứ nhất là vi phạm về kê khai thiếu các sản phẩm đối với Công ty TNHH Nestle Việt Nam và Bộ đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về giá đối với doanh nghiệp với mức xử phạt 45 triệu đồng. Thứ hai là phát hiện kê khai thiếu thuế phải nộp ngân sách Nhà nước đối với 4 doanh nghiệp gồm Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam, Công ty Dinh dưỡng 3A, Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition Việt Nam. Tổng số thuế lấy tròn là 10 tỷ 200 triệu đồng, yêu cầu truy thu và nộp ngân sách. Ngoài ra đang xem xét xử lý các quy định đối với số tiền phải trả về phí bản quyền và các khoản thu hộ, chi hộ đối với Công ty TNHH Nestle Việt Nam. Đó là các xử lý về tài chính.

Tiếp theo là chấn chỉnh việc tuân thủ pháp luật giá và chỉ ra một số vấn đề mà các công ty sữa phải thực hiện sau thanh tra. Đó là yêu cầu 5 doanh nghiệp sữa này phải chấn chỉnh toàn thị trường, chấp hành nghiêm pháp luật về giá, thực hiện nghiêm túc các quy định về kê khai đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Thực hiện ngay việc rà soát tiết kiệm chi phí kinh doanh, nhất là chi phí quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị. Qua thanh tra, chi phí này đã vượt mức khống chế 10% so với cái chi phí để tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Tổng số là 4/5 công ty, với số tiền 386 tỷ đồng.

Thứ ba là yêu cầu các công ty rà soát lại giá bán các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, đảm bảo phù hợp với chi phí và lợi nhuận của sản phẩm này và chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về thuế. Đồng thời, căn cứ vào kết quả thanh tra như vậy, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ văn bản số 250 ngày 28/4/2014 cho áp dụng các biện pháp bình ổn giá quy định tại Điều 17 của Luật giá. Hôm nay, tại phiên họp Chính phủ, các bộ, ngành cũng rất đồng tình và Thủ tướng Chính phủ đã kết luận đồng ý với phương án của Bộ Tài chính tại Tờ trình ngày 28/4. Cụ thể là, căn cứ tại Khoản 4 Điều 17, sẽ thực hiện biện pháp đăng ký giá đối với các sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi và thời gian đăng ký là 6 tháng. Căn cứ khoản 7 Điều 17, thực hiện biện pháp quy định giá tối đa đối với các sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, thời gian áp giá trần là 12 tháng. Thủ tướng cũng giao cho Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan thực hiện giải pháp bình ổn giá này.

Tóm lại, hôm nay, tại phiên họp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận và sẽ có nghị quyết phiên họp của Chính phủ. Căn cứ vào nghị quyết đó, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan triển khai ngay giải pháp bình ổn giá chứ không phải là chậm. Và đối với thanh tra 5 doanh nghiệp thì đã triển khai trong 30 ngày, từ ngày 10/3 cho đến ngày 10/4 kết thúc. Sau đó Bộ Tài chính cũng đã trao đổi, thảo luận, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và đã trình Thủ tướng Chính phủ văn bản về áp biện pháp bình ổn giá vào hôm qua (28/4). Và chắc chắn Bộ Tài chính sẽ triển khai khẩn trương và quyết liệt để thực hiện kết luận và nghị quyết của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp.

Các tin khác