Vấn đề đặt ra là nếu sự việc không được nêu tại nghị trường Quốc hội, liệu đến bao giờ lô hàng viện trợ lúc cần kíp này mới được thông quan?
Hỏi nhau đã mất 19 ngày
Thông tin từ Cục Hải quan TP.HCM, đây là lô hàng viện trợ từ kiều bào ở nước ngoài tặng TP.HCM trong đợt dịch bệnh Covid-19, và đơn vị nhận hàng là Ủy ban MTTQ VN TP.HCM.
Trước khi lô hàng về đến cảng Cát Lái, Cục Hải quan TP.HCM đã hướng dẫn Ủy ban MTTQ VN TP.HCM về thủ tục có liên quan: kiểm dịch động vật, đăng ký công bố sản phẩm, kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) và các cơ quan cần liên hệ để được giải quyết theo thẩm quyền.
Tiếp cận hồ sơ vụ này cho thấy ngày 21.10, lô hàng cập cảng khu vực TP.HCM, MTTQ VN TP.HCM sau khi được Hải quan TP.HCM hướng dẫn đã có công văn gửi Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) và Cục ATTP (Bộ Y tế) để được xem xét miễn kiểm tra chuyên ngành cho lô hàng trên (Công văn 3690 ngày 29.10).
Ngày 1.11, Cục ATTP có Công văn 2055 hướng dẫn MTTQ VN TP.HCM về thủ tục kiểm tra ATTP như sau: “Các lô hàng nhập khẩu sẽ được miễn kiểm tra nhà nước với thực phẩm nhập khẩu và thuộc thẩm quyền giải quyết của Tổng cục Hải quan vì liên quan đến định mức miễn thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế”.
Tuy nhiên, tại điểm 2 của Công văn 2055, Cục ATTP cho rằng đối với sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi nhập khẩu với mục đích phục vụ khẩn cấp, áp dụng theo khoản 9, điều 13 Nghị định 15/2018 là phải thuộc thẩm quyền giải quyết Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ và sẽ được miễn kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu.
“Để được xem xét giải quyết, trước khi tiếp nhận viện trợ, đơn vị tiếp nhận nên gửi công văn đề nghị Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến trước khi làm các thủ tục nhập khẩu”.
Từ ý kiến của cơ quan chuyên môn là Cục ATTP tại Công văn 2055 nêu trên và trao đổi với MTTQ VN TP.HCM, ngày 3.11, Cục Hải quan TP.HCM có công văn gửi Tổng cục Hải quan về vướng mắc thủ tục kiểm tra ATTP đối với hàng hóa viện trợ.
Trong đó có đề xuất “chấp nhận miễn kiểm tra nhà nước về ATTP nhập khẩu thuộc Quyết định 3639 ngày 20.10 theo khoản 2, điều 13 Nghị định 15/2018”.
Tuy nhiên, gần 1 tuần sau, ngày 9.11, tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, đại biểu Tô Thị Bích Châu (đoàn TP.HCM) nêu vụ việc này tại nghị trường và thông tin MTTQ VN TP.HCM đã xin ý kiến Cục ATTP và Cục Thú y sau khi lô hàng về.
Trong khi Cục Thú y chỉ sau 2 ngày trả lời đồng ý thì Cục ATTP lại đề nghị TP.HCM hỏi Thủ tướng Chính phủ. Bà Châu cho rằng khi hỏi Chính phủ thì cũng được trả về cho Cục ATTP trả lời, như vậy cách làm của Cục ATTP là đúng quy trình nhưng không đúng tinh thần “chống dịch như chống giặc”.
Sau phản ánh của bà Châu, chiều ngày 9.11, Tổng cục Hải quan có công văn hỏa tốc số 5315 trả lời Cục Hải quan TP.HCM về vướng mắc Cục hỏi ngày 3.11. Nhắc lại quy định tại điều 13 Nghị định 15/2018 về thi hành một số điều của luật ATTP, Tổng cục Hải quan cho rằng hàng hóa viện trợ không thuộc trường hợp miễn kiểm tra ATTP.
Tổng cục đề nghị Cục Hải quan TP.HCM trao đổi, báo cáo với UBND TP.HCM và Ủy ban MTTQ VN TP.HCM để triển khai thực hiện hướng dẫn tại điểm 2 Công văn 2055 của Cục ATTP.
Trong thời gian chờ ý kiến của cơ quan có thẩm quyền về việc kiểm tra ATTP đối với lô hàng, Hải quan TP có thể chỉ đạo cho phép đưa hàng hóa về bảo quản trên cơ sở đề nghị của người khai hải quan theo quy định hiện hành.
Kế đó, ngày 12.11, Cục ATTP có công văn hướng dẫn Viện Y tế công cộng TP.HCM phối hợp MTTQ VN TP và Cục Hải quan TP để lấy mẫu kiểm tra lô hàng, và kết quả ngày 15.11 thông quan lô hàng như nói trên.
Nếu các đơn vị hướng dẫn đồng loạt bốc máy hỏi ý kiến song song việc gửi công văn điện tử thì tình huống có thể khác. Đủng đỉnh chờ mỗi cơ quan gửi công văn đi mất 2 ngày, hồi đáp sau 2 - 6 ngày, rồi lại chờ chỉ đạo cấp trên… thì chính chúng ta đang thui chột khả năng sáng tạo của công chức trong xử lý tình huống. Ông Nguyễn Lý Trường An, Phó giám đốc Công ty SeaAir Global |
Có thể thấy tất cả các cơ quan đều giải trình, giải thích làm đúng quy định, đúng pháp luật và đúng quy trình. Vấn đề là lô hàng viện trợ xuất hiện trong bối cảnh TP.HCM căng mình chống dịch, thực phẩm thiếu hụt do đứt gãy chuỗi cung ứng.
Nếu đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu không nêu vụ việc này tại nghị trường thì liệu lô sữa viện trợ này có được thông quan sớm sau 6 ngày (9 - 15.11) không?
Ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), nhận xét nói về pháp lý thì các cơ quan thực thi đều đúng. Song ở đây có 2 cách ứng xử khác nhau. Đó là khi Cục Thú y trả lời nhanh gọn, đầy đủ trách nhiệm, Cục ATTP lại không có bước đi gọn lắm, hướng dẫn cho TP.HCM xin ý kiến Thủ tướng.
Tại sao cơ quan ATTP không trả lời phải hỏi ý Thủ tướng và họ cũng sẽ báo cáo Chính phủ ngay lập tức để xin ý kiến…, có thể vừa bằng văn bản, vừa bằng cả điện thoại để hướng dẫn ngay cho MTTQ VN TP.HCM?
Rồi đến Cục Hải quan TP.HCM đã hỏi ý kiến từ ngày 3.11, tại sao đến ngày 9.11, Tổng cục Hải quan mới có ý kiến sau khi đại biểu Quốc hội đã đưa vấn đề lên bàn nghị sự? Tại thời điểm đó, lô hàng mới về 19 ngày, bà Châu phản ánh gần 1 tháng. Nhưng 19 ngày hay 1 tháng đều không khác nhau nếu các cơ quan quản lý nhìn thấy ở đây là yếu tố “khẩn”, cần giải quyết nhanh nhất có thể.
Chậm một tháng thì các hộp sữa có thể chưa đến nỗi hết hạn dùng nhưng mất cơ hội bổ sung thực phẩm cho trẻ trong giai đoạn TP.HCM căng mình chống dịch, khó khăn tứ bề. Ngoài ra cũng cần nói thêm, MTTQ VN TP.HCM đã được hướng dẫn các thủ tục trước khi nhập khẩu, nhưng việc liên lạc các cơ quan vẫn rất chậm, chờ hàng về mới gửi công văn…
Ông Bình nhấn mạnh: “Có thể cách giải quyết theo quy trình bình thường trong bối cảnh toàn dân “chống dịch như chống giặc” không phải là chủ trương của các lãnh đạo cao cấp các bộ, ngành, song vẫn cần nói thẳng là cách giải quyết vụ việc hơi “đủng đỉnh”. Vẫn có thể tận dụng tối đa cách gửi thư điện tử, báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo bằng thư điện tử; song song đó, bốc máy gọi để hối thúc luôn.
Ở đây, có 3 cơ quan liên quan xử lý vụ việc, trong đó cơ quan ATTP xử lý khá cồng kềnh và thiếu tính linh hoạt nhất. Nếu đồng tâm hiệp lực, lô hàng có thể chỉ mất 10 ngày được thông quan và giải quyết nhanh gọn trong tháng 10 rồi”.
MTTQ VN TP.HCM tổ chức lễ tiếp nhận lô sữa
Ngày 16.11, Ủy ban MTTQ VN TP.HCM tổ chức lễ tiếp nhận lô sữa cứu trợ hơn 22.000 hộp trị giá hơn 13 tỉ đồng do phật tử chùa Ba Vàng và nhóm thân hữu Sydney - Công ty sữa thương hiệu Nutrico (Úc) trao tặng.
Hơn 22.000 hộp sữa tiếp nhận này được đơn vị hỗ trợ, tặng cho trẻ em sơ sinh đến 3 tuổi có hoàn cảnh khó khăn do dịch Covid-19, tại các bệnh viện: Từ Dũ, Hùng Vương, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2; trung tâm an sinh của 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức...
Đây là lô sữa được Cục Hải quan TP.HCM chỉ đạo cho thông quan vào ngày 15.11 sau 1 tháng kẹt trong kho vì vướng thủ tục kiểm tra ATTP mà đại biểu Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP.HCM, nêu ra tại phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế, xã hội, công tác phòng, chống dịch Covid-19 ngày 9.11.
Tại buổi lễ tiếp nhận có sự tham dự của bà Trương Thị Ánh, Phó chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN. Bà Ánh cho hay hệ thống mặt trận thời gian qua là cầu nối các cá nhân, tổ chức, kiều bào... quan tâm, hỗ trợ TP.HCM trong chống dịch Covid-19 và an sinh xã hội. Điều đau lòng nhất ở đợt dịch Covid-19 lần 4 là hơn 2.500 em bị mồ côi do cha, mẹ qua đời vì dịch Covid-19, trong đó tại TP.HCM có hơn 1.500 em. Bà Ánh kêu gọi sự chung tay của các cơ quan ban ngành, cá nhân để chia sẻ cùng nuôi nấng, chăm sóc các cháu.
Bà Phan Kiều Thanh Hương, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP.HCM, gửi lời cảm ơn Ủy ban T.Ư MTTQ VN, Chính phủ và các tỉnh, thành bạn, nhân dân cả nước và kiều bào ở nước ngoài đã luôn quan tâm hỗ trợ, đồng hành với TP.HCM trong giai đoạn khó khăn vừa qua...