Vũ điệu thần tiên hát Then

(ĐTTCO) - Từ bao đời nay, các tộc người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam đã sáng tạo ra một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian rất đặc sắc và có sức lan tỏa lớn, đó là Then. “Then” có nghĩa là thiên, trời. Vì thế, Then là điệu của thần tiên, của nhà trời ban tặng nhân gian, là sợi dây gắn kết, lẽ sống và món ăn tinh thần của cộng đồng các dân tộc nơi đây.
Sợi dây gắn kết cộng đồng
Then đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống của người Tày và Nùng ở Việt Nam. Đây là loại hình diễn xướng tổng hợp đặc sắc gồm ca, nhạc múa và diễn trò, xuất hiện hầu hết trong các nghi lễ của người dân. Then vừa là sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tâm linh, vừa là loại hình âm nhạc dân gian.
Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan, đồng bào Tày, Nùng, Thái sử dụng khái niệm “làm Then” thay vì “hát Then” như chúng ta vẫn gọi. “Làm Then” là một hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng ở tầng cao của cộng đồng, với việc “hát và kể” những trường ca mang màu sắc tín ngưỡng, thuật lại hành trình lên thiên giới xin Ngọc hoàng giải quyết các vấn đề của gia chủ. 
Vũ điệu thần tiên hát Then ảnh 1 Then của người Tày, Nùng, Thái là tinh hoa của văn hóa dân gian, một nghi thức mang tính gắn kết cộng đồng.
Then có nhiều nghi lễ khác nhau gắn với một vòng đời, mọi vui, buồn của mỗi con người, như: Then cầu an giải hạn, thường diễn ra vào dịp đầu năm; Then nàng hang, diễn ra dịp Trung thu; Then cúng mụ, diễn ra dịp cúng đầy tháng; Then thôi tang, và lẩu Then là nghi lễ lớn nhất của nhà Then…
Lẩu Then có nhiều loại, lẩu Then khai quang, lẩu Then tăng sắc, lẩu Then khao quân, lẩu Then cáo lão. Từ bao đời nay, một nhà tổ chức lễ Then là cả họ, cả lân bang làng xóm tham gia. Họ đến không chỉ để gửi gắm vào thầy Then - người được cho là có khả năng cứu giúp người thân tai qua nạn khỏi - gặp được vận may trong cuộc đời, mà còn để được nghe tiếng tính (đàn), giọng hát kể chuyện để thỏa mãn sự khao khát âm nhạc, thích thú nghe câu chuyện kể.
Ngoài hát, “Then” còn tích hợp nhiều yếu tố văn hóa khác từ âm nhạc, nghệ thuật trình diễn, nghệ thuật kể chuyện cho tới những hình thức sơ khai của saman giáo.  
Một số nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian cho rằng, hát Then xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ 15, đầu thế kỷ 16, nhà Mạc chạy lên Cao Bằng và xây dựng thành quách ở đó. Theo truyền thuyết, trong số quan lại của nhà Mạc có 2 vị Đế Phụng và Đế Đáng rất yêu âm nhạc và thích ca hát. Họ đã sáng tạo ra tính tẩu và lập ra 2 tốp hát để phục vụ cung đình.
Về sau dân chúng thấy hay nên bắt chước và được lưu truyền trong dân gian. Theo thời gian, hát Then - đàn tính được lan rộng ra các tỉnh miền núi phía Bắc và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái. 
Tinh hoa nghệ thuật dân gian
Theo GS.TSKH Tô Ngọc Thanh: “Nếu gạt bỏ những yếu tố mê tín, Then là một không gian văn hóa dân tộc, một tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian đa dạng, vừa phản ánh, vừa mô tả, vừa gửi gắm nhắn nhủ những đắng cay cuộc sống của ông cha. Trong Then không chỉ có các thể thơ dân tộc, mà còn cả những biện pháp tu từ, ẩn dụ của nghệ thuật ngôn từ, những làn điệu của tầng dân ca, dân nhạc cổ xưa nhất, những điệu múa đã song hành không biết bao nhiêu năm tháng”. 
Cùng nhận định này, nhà lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu cho biết, đồng bào Tày, Nùng, Thái đã sáng tạo ra Then để được sống trọn cả vòng đời trong không gian Then. Then vừa là sản phẩm tâm linh mang tính sử liệu về đời sống văn hóa xã hội tộc người, vừa là tinh hoa đúc kết truyền đời của một nghệ thuật dân gian tích hợp các loại hình văn học, âm nhạc, múa, sân khấu, hội họa...
Lời Then như cuốn sách sử ghi lại mọi biến cố, từng nấc thang trong diễn biến tâm trạng của con người, đôi khi khắc họa lại cuộc sống sinh hoạt cộng đồng, cá nhân sâu sắc. Nói đến Then, người ta nhắc đến như một sự tích hợp các giá trị văn hóa nghệ thuật, tồn tại và phát triển theo tiến trình lịch sử. 
Người hát Then trong dịp lễ, tết là những người đại diện cho cộng đồng, cho người dân giao tiếp với thần linh để cầu xin mùa màng bội thu, tươi tốt, cho thóc đầy bồ, ngô đầy nhà, cho cuộc sống được ấm no, đủ đầy. Ở mỗi vùng đều có những làn điệu hát Then khác nhau. Then Hà Giang nhấn nhá từng tiếng, Then Lạng Sơn lại dìu dặt tha thiết và Then Tuyên Quang dồn dập như thúc quân ra trận...  
Có một thời, Then bị cấm, người làm Then bị ngưng hành nghề. Tuy nhiên cái khát khao nghe Then trong cộng đồng không bao giờ biến mất. Cộng đồng đã tìm cách để được nghe Then, được xem biểu diễn Then. Từ đó đã hình thành lối hát những bài, những điệu Then không phụ thuộc vào lễ.
Cộng đồng Then Tày, Nùng, Thái biến đổi thành hát Then - Đàn tính. Hát Then - Đàn tính dù sinh ra từ Then, nhưng không phải là Then, bởi nó không mang sắc màu tâm linh. Nhưng về mặt nghệ thuật, nó thỏa mãn được nhu cầu biểu diễn, sáng tạo âm nhạc. Ngày 13-12 vừa qua hồ sơ “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” đã được UNESCO chính thức công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Ngày nay, nhiều điệu Then đang dần mai một trong cộng đồng. Để giữ lại vốn quý của người Tày, nhiều nghệ nhân đã dày công sưu tầm, sáng tác, truyền dạy các làn điệu Then. Niềm say mê, bền bỉ của người truyền dạy lan truyền tới người học.
Nhìn niềm vui này, nhiều người già bảo, phải giữ được làn điệu Then mới giữ được sự đoàn kết, gắn bó trong gia đình, những quy ước chung của dòng họ, đồng thời nhắc nhở mỗi người trong gia đình có ý thức và trách nhiệm về cội nguồn, với tổ tiên mình.

Các tin khác