Quang cảnh cuộc họp báo thường kỳ của BHXH Việt Nam chiều 5-6, tại Hà Nội
Chiều 5-6, tại Hà Nội, BHXH Việt Nam đã tổ chức họp báo thường kỳ. Vấn đề được báo chí quan tâm, nêu nhiều câu hỏi là tình trạng trục lợi tiền và chính sách BHXH, nhất là vụ việc mua bán hồ sơ, giấy tờ chứng nhận nghỉ ốm hưởng BHXH… mà cơ quan công an đã phanh phui tại tỉnh Đồng Nai.
Theo ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam), tình trạng cấp giấy nghỉ ốm (bệnh) không đúng quy định, xảy ra ở cả những cơ sở có hợp đồng và không có hợp đồng khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế (BHYT) với cơ quan BHXH.
“Có sự bắt tay giữa cơ sở khám chữa bệnh và người lao động. Có những trường hợp không mắc bệnh gì, nhưng vẫn được các cơ sở khám rồi đưa ra các chẩn đoán để cấp giấy”, ông Phúc nói và cho biết, cách đây hơn 1 năm, cơ quan BHXH cũng đã phát hiện tình trạng tương tự tại một doanh nghiệp và đã chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra làm rõ. Những vụ việc trục lợi như thế này thường do cơ quan BHXH phát hiện.
Theo ông Phúc, BHXH Việt Nam đã có công văn gửi Bộ Y tế đề nghị có văn bản chỉ đạo các sở y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn triển khai đúng quy định về giám định, khám bệnh, cấp giấy chứng nhận… để tránh tình trạng trục lợi như đã xảy ra.
Trao đổi với báo chí tại họp báo, ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, khẳng định, vụ việc tại tỉnh Đồng Nai, thực chất là sự thông đồng giữa các phòng khám và người lao động. Do hiện nay, hoạt động chi trả các chế độ BHXH cho người lao động hầu như thông qua tài khoản, nên thực tế, người lao động vẫn nhận được khoản tiền chi trả đó, chứ không phải các phòng khám đã kê khống và được hưởng khoản tiền đó.
Vì vậy, ông Mạnh cho rằng, khoản tiền đã thanh toán đó “không thể chạy đi đâu được” (ngoài tài khoản của người lao động). Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam giải thích: “Người lao động đã ký (giấy tờ, hồ sơ - PV), khi chuyển lên, chúng tôi đã đối chiếu, đối soát, xác định đúng là tài khoản của người lao động, có trong cơ sở dữ liệu của cơ quan BHXH”. Nếu không áp dụng cơ chế chi trả chặt chẽ như vậy thì có thể tình trạng trục lợi sẽ còn rất lớn (như từng xảy ra cách đây 4-5 năm, còn hiện nay cơ bản không nhiều).
Trước đó, theo báo cáo của BHXH tỉnh Đồng Nai, việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ BHXH của 6 phòng khám đa khoa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã không làm đúng quy định, như: người bệnh không đi khám vẫn được cấp giấy chứng nhận nghỉ hưởng BHXH, bác sĩ không đi làm tại phòng khám nhưng vẫn ký giấy chứng nhận nghỉ hưởng BHXH; không bị ốm vẫn kê chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thuốc... để trục lợi quỹ BHXH, BHYT.
Sau khi xảy ra vụ việc, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã có văn bản hỏa tốc gửi BHXH tỉnh Đồng Nai tạm dừng hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) đối với 4 phòng khám tư nhân trên địa bàn TP Biên Hòa, gồm: Phòng khám Đa khoa Tân Long; Phòng khám Đa khoa Long Bình Tân (phường Long Bình Tân); Phòng khám Đa khoa Tam Đức (phường Tân Hiệp) và Phòng khám Đa khoa Quốc tế Mỹ Đức (phường Long Bình).
Cả 4 phòng khám này liên quan đến vụ làm khống giấy tờ để hưởng BHXH đang được Công an TP Biên Hòa điều tra. Cơ quan BHXH đã thành lập tổ xác minh việc cấp giấy chứng nhận và kiểm tra, xác minh trực tiếp tại các cơ sở y tế có dấu hiệu vi phạm cũng như tại các đơn vị, doanh nghiệp, nơi cư trú, nơi làm việc của người tham gia BHXH, để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi trục lợi quỹ BHXH, BHYT.