Vụ kiện tranh chấp tại tòa nhà Victory Tower: Xuất hiện một số tình tiết bất ngờ

(ĐTTCO)- ngày 25-3, TAND TPHCM tiếp tục mở phiên xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp hợp đồng quản lý tòa nhà Victory Tower (phường Tân Phú, quận 7, TP HCM) giữa nguyên đơn là Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Sao Kim (đơn vụ quản lý tòa nhà) và bị đơn là Công ty CP Victory Capital (VCG- chủ đầu tư).Trước đó, ngày 21-3 phiên tòa phải tạm hoãn do hết thời gian.

Tòa nhà nơi xảy ra tranh chấp
Tòa nhà nơi xảy ra tranh chấp

Tại phiên xử đã xuất hiện một số tình tiết bất ngờ. Cụ thể, tại phần hỏi-đáp, đại diện uỷ quyền VCG đã trả lời câu hỏi của luật sư, như sau: Theo quy định Thông tư 28/2016 ngày 15-12-2016 của Bộ xây dựng, thì khi Công ty dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư đáp ứng đủ điều kiện về chức năng, năng lực quản lý vận hành… của Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, khi kiểm tra hồ sơ, nếu đủ điều kiện thì đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử của Cục.

Tuy nhiên, qua kiểm tra thông tin công khai trên cổng thông tin của Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, chúng tôi không thấy tên Công ty Sao Kim công khai theo Thông tư 28/2016 ngày 15-12-2016 của Bộ xây dựng, có hiệu lực từ 1-2-2017. Như vậy, phải chăng tại thời điểm ký hợp đồng 03, ngày 20-2-2017 Công ty Sao kim chưa đủ điều kiện về chức năng và năng lực theo quy định của pháp luật để quản lý, vận hành nhà chung cư?

Phiên tòa.jpg
Quang cảnh phiên tòa

Ngoài ra, tại phiên xử luật sư cũng hỏi về việc Công ty Sao Kim trình bày là VCG đã xác nhận các công nợ đang tranh chấp với Sao Kim, vậy có sự việc này không? Đại diện VCG cho biết: “Công ty VCG chưa bao giờ thừa nhận công nợ hơn 51 tỷ với Sao Kim, vì không đồng ý với công nợ này nên VCG mới kháng cáo bản án sơ thẩm. Sao Kim luôn nói VCG đã xác nhận nhưng trong toàn bộ hồ sơ vụ án, không có bất kỳ văn bản nào VCG xác nhận khoản nợ này. VCG đề nghị HĐXX yêu cầu Sao Kim xuất trình các tài liệu để nói rằng VCG đã xác nhận nợ”.

Trước đó, tại phiên xử phúc thẩm ngày 21-3, Công ty VCG cho rằng tại Điều 6.1 của hợp đồng 03/2017 nêu đến thời điểm hết hạn hợp đồng nếu chủ đầu tư không có nhu cầu gia hạn thì xem như việc hợp tác giữa 2 bên chấm dứt. Có thể thấy hợp đồng 03 là hợp đồng có thời hạn, có điểm khởi đầu và điểm kết thúc. Theo VCG, chỉ trong trường hợp hợp đồng đang còn hiệu lực, mà các bên phát sinh tranh chấp thì khoản 13.3 Điều 13 của hợp đồng mới được kích họat.

Trường hợp Hợp đồng đã hết hiệu lực thi hành và các bên không có thỏa thuận gia hạn, thì điều khoản trên không thể được kích hoạt. Như vậy, sau ngày 20/2/2023 bên có quyền không thể buộc bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ và ngược lại. Đây là nền tản để giải quyết các quan hệ phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự được quy định tại điều 385 Bộ luật dân sự.

Do phát sinh một số tình tiết mới, phiên tòa vẫn chưa có “hồi kết” và sẽ tiếp tục trong một ngày sắp tới.

Các tin khác