Vụ mang máy đào vào công trình tôn tạo tháp Chăm ngàn năm tuổi: Không thể đối xử thô bạo với di tích

(ĐTTCO) - Sau khi có các bài viết liên quan đến bất cập tại dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy di tích cụm tháp Bánh Ít (Tuy Phước, Bình Định), Báo SGGP tiếp tục nhận được nhiều phản hồi từ giới chuyên gia, nhà quản lý.

Một khoảng cây rừng lá thấp, cỏ, đá cuội bị san ủi trắng tại vùng lõi di tích cụm tháp Chăm Bánh Ít. Ảnh: NGỌC OAI

Một khoảng cây rừng lá thấp, cỏ, đá cuội bị san ủi trắng tại vùng lõi di tích cụm tháp Chăm Bánh Ít. Ảnh: NGỌC OAI

Ngày 9-3, ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết đã chỉ đạo Sở Xây dựng tỉnh cùng với các cơ quan chức năng và các đơn vị liên quan, trong đó có Sở VH-TT tỉnh vào cuộc để kiểm tra, chấn chỉnh một số bất cập từ quá trình thi công dự án. Ông Giang cho rằng, việc huy động máy móc cơ giới lên cụm tháp Bánh Ít thi công là do có một khối bê tông cốt thép từ thời Mỹ để lại nên đơn vị thi công đưa máy móc lên để xử lý chứ chưa xâm hại lớn vào gốc di tích…

Tuy nhiên, ghi nhận thực tế của PV Báo SGGP tại khu vực di tích tháp Cổng (tháp Bánh Ít có 4 tháp: tháp Cổng, tháp Chính, tháp Bia, tháp Hỏa), đơn vị thi công sử dụng máy đào để san bạt, đào bới sát khu vực chân tháp khiến chân tháp xuất hiện kẽ hở, làm vỡ nhiều gạch đá kết nối chân tháp. Đồng thời, ủi trắng một khoảng đồi rộng lớn để làm mặt bằng thi công các hạng mục bê tông, tường rào gạch. Tại khu vực tháp Chính, tháp Bia, tháp Hỏa cũng có sự đào bới, san bạt, mở đường rất nham nhở. Nhìn tổng thể, nền gạch đất cổ, nhiều khoảng cỏ xanh, cây rừng lá thấp đều bị san ủi để thi công. Ngoài ra, theo tìm hiểu, các doanh nghiệp thi công, giám sát dự án đều làm trong các lĩnh vực xây dựng cơ bản, khai thác đất cát, xây dựng hạ tầng đô thị chứ không có đơn vị nào chuyên lĩnh vực trùng tu di tích.


Một chuyên gia có nhiều công trình nghiên cứu về tháp Chăm Bình Định hiện đang công tác tại Viện Kinh thành (Hà Nội) cho rằng, việc mang máy xúc, máy đào, cơ giới vào thi công tại vùng lõi di tích tháp Bánh Ít là rất nguy hiểm, quá thô bạo. Ngoài ra, việc lựa chọn các công nhân, doanh nghiệp xây dựng cơ bản đi tôn tạo, trùng tu di tích tháp Chăm cả ngàn năm tuổi là không phù hợp. Lẽ ra phải nghiêm cẩn hơn trong vấn đề trùng tu di sản ngàn năm tuổi như tháp Bánh Ít. Bởi lẽ, đây là cụm tháp làm nên bộ mặt của di sản Chăm ở Bình Định, được ví như “hòn ngọc” di sản của Bình Định và là công trình kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia nên không thể đối xử thô bạo như thế được… Chuyên gia này cũng cho rằng, nếu tiếp tục dự án, Bình Định cần tính toán, mời chuyên gia đánh giá lại việc thi công ở di tích tháp Bánh Ít. Việc trùng tu cần phải làm trong thời gian dài, vừa làm vừa nghiên cứu và cần mời các đơn vị thi công có chuyên môn, kinh nghiệm thực hiện. 

Trong ngày 9-3, Cục Di sản Văn hóa (Bộ VH-TT-DL) có văn bản gửi Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Định đề nghị phải tổ chức kiểm tra thực tế, chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương có giải pháp bảo vệ di tích; rà soát lại các biện pháp thi công đảm bảo không xâm hại, ảnh hưởng di tích gốc, cảnh quan, môi trường và sinh thái tại di tích tháp Bánh Ít. Cục Di sản Văn hóa cho biết, đối với dự án trên, tỉnh Bình Định đã thực hiện các bước, thủ tục, hồ sơ theo quy trình, quy định của Luật Di sản và Văn hóa. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thi công xảy ra một số nội dung không phù hợp thì trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư, cần phải kiểm tra, chấn chỉnh, có biện pháp để bảo vệ phần gốc di tích…

 Ngày 9-3, Sở Xây dựng tỉnh Bình Định cho biết, đại diện chủ đầu tư dự án là Sở VH-TT tỉnh trong sáng cùng ngày đã cung cấp bổ sung thêm một số hồ sơ pháp lý dự án. Tuy nhiên, chủ đầu tư chỉ mời 1 nhà thầu đến và chưa cung cấp đủ các hồ sơ, hợp đồng của dự án. Sở Xây dựng gia hạn đến ngày 11-3, chủ đầu tư cần cung cấp đầy đủ hồ sơ pháp lý về các công trình, hạng mục thi công dự án.

Ông Đinh Bá Hòa, chuyên gia nghiên cứu tháp Chăm Bình Định cho biết, có thông tin quá trình thi công tại phía Đông tháp Chính, công nhân phát hiện mảnh cổ vật (nghi tượng cổ Chăm) đã được bảo tàng tỉnh xác nhận. Đúng ra, nếu đào xuống phát hiện hiện vật và vật kiến trúc phải dừng lại, báo cáo, đồng thời mời chuyên gia kiểm tra, đánh giá và cần xin ý kiến Bộ VH-TT-DL để tổ chức khảo cổ học thì dự án mới phù hợp, phát huy được giá trị di tích.

Các tin khác