Nội dung trên được nêu ra trong báo cáo của Bộ Công thương gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 24-3 về việc xuất khẩu hạt điều sang Ý.
Bộ Công thương cho hay, báo cáo của Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết 5 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều sang Ý có dấu hiệu bị lừa đảo, khi ký hợp đồng thông qua công ty môi giới (Công ty TNHH MTV Kim Hạnh) để xuất khẩu 100 container điều sang Ý.
Sau khi giao hàng, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam hoàn thiện bộ chứng từ vận chuyển để chuyển cho ngân hàng nhờ thu tiền. Tuy nhiên, ngân hàng Việt Nam không nhận được bộ chứng từ gửi trả lại, dù đã nhiều lần liên hệ với ngân hàng nước ngoài cung cấp số vận đơn. Còn ngân hàng của người mua tại Ý thông báo là họ không nhận được bộ chứng từ là các bản photo, thậm chí là giấy trắng.
Sau khi nhận được thông tin, doanh nghiệp cùng với ngân hàng Việt Nam tìm mọi cách để giữ lô hàng và truy tìm bộ chứng từ gốc. Tuy nhiên, hiện vẫn có 36 bộ chứng từ gốc của 36 container đang bị thất lạc, với tổng giá trị khoảng 7 triệu USD.
Trước tình hình trên, Bộ Công thương cho hay đã chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại Ý nhanh chóng tìm hiểu sự việc, đề nghị các cơ quan chức năng nước sở tại cũng như hãng tàu có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Đồng thời có công hàm gửi Đại sứ quán Ý tại Việt Nam, Tham tán Thương mại Ý tại Việt Nam thông báo sự việc, phối hợp với các bộ ngành liên quan để tập trung tháo gỡ cũng như làm việc với Vinacas…
Theo đó, Thương vụ Việt Nam tại Ý đã và đang làm việc với cảng vụ, ngân hàng và các cơ quan liên quan đề nghị hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tạm thời chưa tiến hành thủ tục giao hàng cho người mua để chờ xác minh. Thương vụ cũng đã tiếp cận các luật sư để tư vấn, làm các thủ tục pháp lý giúp doanh nghiệp nhận lại lô hàng.
Kết quả, đến nay cơ quan chức năng phía cảng vụ Ý đã tạm thời giữ 16 container đã cập cảng để chờ giải quyết, chưa giao hàng cho người mua kể cả khi người mua xuất trình chứng từ gốc. Có 5 container đã được giữ tại Singapore.
Theo Bộ Công thương, Vinacas kiến nghị Thủ tướng xem xét giao Bộ Giao thông vận tải làm việc với các hãng tàu để đề nghị giữ lại lô hàng, chuyển lại cho doanh nghiệp Việt Nam đem về hoặc ký hợp đồng bán hàng cho doanh nghiệp khác ở châu Âu.
Bộ Công an phối hợp với các cơ quan chức năng của Ý điều tra làm rõ hành vi lừa đảo để tòa án ra phán quyết, làm cơ sở cho doanh nghiệp sớm lấy lại hàng.
Bộ Công thương cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu điều trong thời gian tới.