Bằng ý chí, khát khao dựng xây quê hương, những đảng viên người Hà Nhì ở vùng đất cực Tây Tổ quốc cùng với nhân dân ra sức chăm lo phát triển đời sống kinh tế - xã hội; cái đói, cái dốt dần bị đẩy lùi.
Các chiến sĩ Đồn Biên phòng A Pa Chải trao quà tình nghĩa, động viên các hộ khó khăn ở xã Sín Thầu. Ảnh: QUANG PHÚC
Thêm nhiều “hạt nhân” cho tương lai
Từ một xã khó khăn nhất của huyện Mường Nhé, với những cách làm sáng tạo, tầm nhìn chiến lược cùng sự nỗ lực vượt khó không ngừng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Sín Thầu đã gặt hái nhiều thành tựu đáng mừng trong công cuộc đổi mới và phát triển. Từ chỗ nghèo nàn, lạc hậu, xã Sín Thầu đang vươn lên trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới nơi biên cương Mường Nhé.
Dù còn “nợ” 1 tiêu chí về nông thôn mới (tỷ lệ hộ nghèo), nhưng hơn 350 hộ dân ở 7 bản của xã Sín Thầu đã có cuộc sống ngày càng tốt hơn. Bây giờ không chỉ có đường nhựa cho xe máy, ô tô chạy đến trung tâm bản, mà điện lưới cũng đã phủ khắp các hộ trong bản, nơi đâu cũng có điện thoại di động, sóng internet 4G, wifi. Một số hộ trong bản còn xây dựng nhà nghỉ để phục vụ khách du lịch tới trải nghiệm và tham quan cột mốc ngã ba biên giới. Đời sống người dân ngày càng được nâng cao về mọi mặt.
Với sự vận động, giúp đỡ của các cấp, hầu hết trẻ em đều được đến trường, từ mầm non đến trung học cơ sở. Chuyện thi đậu đại học của con em người Hà Nhì nơi đây không còn xa lạ. Năm 2022, xã có 7 em đậu đại học, trong đó có 3 em vào các trường quân đội, công an. Trò chuyện cùng chúng tôi, chị Chu Vô Mơ (45 tuổi, ở bản Pa Pìn Nhờ Khờ) khoe con trai đang học năm thứ 3 Trường Sĩ quan thông tin ở Khánh Hòa và mong muốn khi con trai ra trường được về công tác ở quê hương.
Để có được những đổi thay như hôm nay, Đảng ủy, chính quyền xã Sín Thầu luôn xác định các đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước chính là “kim chỉ nam” đưa người dân thoát khỏi đói nghèo, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Bên cạnh đó là sự quan tâm giúp đỡ, đầu tư của các cấp chính quyền, doanh nghiệp, xã hội và đồn biên phòng ở địa phương. Đặc biệt hơn là sự gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên địa phương.
Chị Pờ Mỳ Lế, Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu, cũng là người phụ nữ Hà Nhì duy nhất ở huyện Mường Nhé có 2 khóa liên tiếp làm bí thư xã, chia sẻ: “Những năm 1970-1980 của thế kỷ trước, cả Sín Thầu chỉ có 6 đảng viên, đến năm 2000 có 13 đảng viên thì nay cả xã có 119 đảng viên với 11 chi bộ. Tất cả các bản đều có chi bộ sinh hoạt. Nhiều năm qua, việc phát triển Đảng trong đồng bào dân tộc Hà Nhì được Đảng bộ xã xem là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong hành trình phát triển”.
Để phát triển đảng viên ở những thôn, bản còn khó khăn, theo chị Pờ Mỳ Lế, trách nhiệm của Đảng ủy xã với những người đứng đầu đóng vai trò quyết định. Theo đó, Đảng ủy xã đẩy mạnh việc hướng dẫn chi bộ trực thuộc, khảo sát, tìm “hạt nhân” để tuyên truyền phát triển đảng trong đội ngũ đoàn viên thanh niên, quân nhân hoàn thành nghĩa vụ, quần chúng ưu tú. Đồng thời, phân công nhiệm vụ cho đảng viên theo dõi, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của quần chúng có đủ tiêu chuẩn về đạo đức, lối sống, trình độ học vấn, tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương để giới thiệu cho Đảng xem xét, kết nạp.
Đối với những thôn, bản khó khăn, thiếu hụt nguồn nhân lực, nhân tố để phát triển Đảng, Đảng ủy xã Sín Thầu đã đề ra nhiều giải pháp chiến lược, lâu dài. Đầu tiên là điều động đảng viên, cán bộ, công chức xã có kinh nghiệm về các thôn “trắng đảng viên”, “ghép chi bộ” trực tiếp lãnh đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ, hướng dẫn tạo nguồn phát triển đảng viên.
Đồng thời trong xây dựng nông thôn mới, chính quyền xã đưa ra các tiêu chí thiết thực gắn với đời sống người dân, như xóa đói giảm nghèo; giải quyết việc làm; xây dựng kết cấu hạ tầng, môi trường. Từ đó, tạo khí thế thi đua sôi nổi, đem lại niềm tin trong nhân dân về những chủ trương đúng và trúng, góp phần vừa bảo vệ biên giới quốc gia vừa phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Với cách làm bài bản, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm, công tác xây dựng, củng cố tổ chức Đảng, phát triển đảng viên nơi ngã ba biên giới không ngừng đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Chị Pờ Mỳ Lế cho rằng, với việc phát triển và làm tốt công tác Đảng thì càng có nhiều đảng viên, địa phương có thêm nhiều “hạt nhân”, nhiều tấm gương, nhiều tuyên truyền viên tích cực tới người dân, để bà con đồng thuận trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương.
Sau khi được vận động, bồi dưỡng và nỗ lực của bản thân, cô giáo mầm mon Sừng A Phén ở bản Pờ Nhù Khò đã được kết nạp Đảng và đang trong thời gian thử thách. “Mình là giáo viên, khi phấn đấu được vào Đảng thì việc vận động dân bản cho con em đi học dễ dàng hơn. Ai cũng tin mình, nên công tác cũng thuận lợi hơn”, Sừng A Phén chia sẻ. Trong khi đó, anh Phùng Xá De (24 tuổi, ở bản Tá Miếu) cho rằng, nhìn gương các đảng viên như Bí thư bản Lý Ná Na, bản thân anh sẽ cố gắng học hỏi, phấn đấu nhiều hơn để được vào Đảng.
Các chiến sĩ Đồn Biên phòng A Pa Chải giúp bà con ở bản Pờ Nhù Khò thu hoạch lúa. Ảnh: QUANG PHÚC
Quân với dân, “3 bám, 4 cùng”
Tại Sín Thầu, chúng tôi được dịp cùng ăn ở, sinh hoạt với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Pa Chải. Đồn trưởng, Trung tá Đặng Văn Tuấn cho biết, địa bàn đồn quản lý có diện tích rộng hơn 16.200ha. Ngoài cột mốc rất thiêng liêng ở ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc nằm trên đỉnh Khoang La San, đơn vị còn quản lý 15 cột mốc khác với đường biên giới dài gần 40km. Để bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc và giữ bình yên biên giới, cán bộ, chiến sĩ luôn coi “đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”.
Đặc biệt, cấp ủy, Ban chỉ huy Đồn Biên phòng A Pa Chải đã tập trung xây dựng, củng cố chính trị ở cơ sở, nhất là coi trọng công tác ổn định tư tưởng quần chúng nhân dân, kết hợp triển khai các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh phòng chống hiệu quả các loại tội phạm, nhất là tội phạm xâm hại an ninh chính trị, an toàn biên giới.
Cùng với đó, đơn vị thường xuyên cử cán bộ có bề dày kinh nghiệm về vận động quần chúng trực tiếp xuống địa bàn “3 bám, 4 cùng” (bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương, chính sách; cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc) với nhân dân. Qua đó, giúp người dân lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo và phát động các phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ biên giới quốc gia, phản bác luận điệu xuyên tạc, phản động của các thế lực thù địch, xây dựng cơ sở vững mạnh ngay trong lòng dân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảm bảo an ninh chính trị, bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Vù Xuyến Phạ (62 tuổi, ở bản Pờ Nhù Khò) cho biết, ở đây đồn biên phòng với dân là “người một nhà”. Đồn cần gì, bà con Hà Nhì sẵn sàng hỗ trợ; người dân có khó khăn, các chiến sĩ biên phòng luôn có mặt. Thông qua đồn, nhiều chương trình thiện nguyện, tài trợ của các tổ chức, đơn vị trên cả nước đến với bà con Hà Nhì.
Nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, tiếp tục được đến trường là nhờ các chiến sĩ đồn biên phòng đỡ đầu hoặc kêu gọi ủng hộ từ nhiều nguồn khác nhau. “Bà con Hà Nhì quý các chú biên phòng lắm. Coi như anh em, con cháu trong nhà cả. Có các chiến sĩ biên phòng và sự đầu tư, hỗ trợ của các cấp thì Sín Thầu mới được như ngày hôm nay”, ông Phạ tâm sự.
Anh Lý Cừ Cà, Phó Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu (cán bộ Đồn Biên phòng A Pa Chải tăng cường), cho biết, trước đây việc tuyên truyền, vận động bà con nơi đây gặp nhiều khó khăn. Nhưng giờ, nhờ đời sống văn hóa, dân trí được nâng cao nên thuận lợi hơn rất nhiều. Bà con luôn tin tưởng ở chính quyền, cán bộ, đảng viên và chiến sĩ biên phòng trong mọi tình huống. “Dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự đoàn kết, đồng lòng, nêu cao tinh thần trách nhiệm của mỗi đảng viên và nỗ lực của người dân, vùng đất cực Tây Tổ quốc này sẽ tiếp tục vững vàng phát triển”, Phó Bí thư xã Lý Cừ Cà khẳng định.