Vườn phật thủ Phúc Thọ đắt khách dịp Tết

(ĐTTCO) - Những ngày cận kề Tết Nguyên đán Ất Tỵ, người dân Phúc Thọ (TP.Hà Nội) lại tất bật thu hoạch cho một vụ mùa phật thủ rộn ràng nhất mà họ đã trông đợi trong suốt một năm.

Trồng phật thủ thu hoạch quanh năm nhưng vụ Tết là quan trọng nhất vì nhu cầu cao và giá bán cũng tăng. Bởi vậy, những ngày này các nhà vườn phật thủ tại huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội đang chuẩn bị sản lượng lớn cung cấp cho thị trường.

Tết Nguyên đán là mùa vụ được kỳ vọng nhất của người dân Phúc Thọ.

Tại vườn phật thủ của gia đình chị Nguyễn Thị Thủy, không khí đang rất tất bật. Ai cũng vội vã cắt tỉa, thu hái, đóng gói để bán ra thị trường.

“Năm nay phật thủ không đủ cung cấp cho thị trường, do ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi) nên nhiều nhà vườn không có quả, thương lái đã đi đặt vườn từ mấy tháng trước. Tại vườn của chúng tôi, do địa chất khá cao nên đợt bão Yagi vừa qua không bị ảnh hưởng nhiều, cơ bản giữ được hầu hết các đầu cây nhưng do gió bão lớn nên các quả phật thủ lứa đầu tiên trong năm – lứa quả đẹp nhất bị rơi rụng nhiều”, chị Thủy cho biết.

Về giá thành của phật thủ, chị Thuỷ cho biết tùy vào kích thước, mẫu mã to, nhỏ mà giá thành từ vài chục nghìn đồng đến vài trăm nghìn đồng. Đặc biệt, tại nhà vườn của chị còn có loại phật thủ mini với giá từ 20.000 – 30.000 đồng/quả để phục vụ khách.

Để cây phật thủ có thể thu hoạch được người nông dân phải chăm sóc cây rất tỉ mỉ trong nhiều tháng.

Được biết, đa số các hộ trồng phật thủ tại huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội đều may mắn giữ được cây, cho thu quả bởi phật thủ được trồng ở khu vực đất cao. Tuy nhiên, gió bão với cường độ mạnh làm cây rung lắc, bộ rễ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tạo cơ hội cho bệnh gỉ sắt, nấm hoành hành, các hộ phải tiêu tốn không ít công lao động, chi phí phòng trừ.

Quả phật thủ bị lỗi, hỏng sẽ phải bán giá thấp hơn ra thị trường.

Là một trong số hộ may mắn giữ được vườn trồng phật thủ, gia đình ông Bùi Ngọc Lâm cho hay: “Sau đợt bão, chúng tôi phải tỉa cành, vít cành và áp dụng kỹ thuật chăm sóc đặc biệt để cây phật thủ ra hoa, kết trái đúng thời điểm phục vụ thị trường. Những quả phật thủ nhỏ thường được tỉa bán vào các tuần rằm và mùng 1, còn những quả to, đẹp được giữ lại cho vụ chính Tết Nguyên đán. Quả phật thủ đẹp trước hết phải to, da căng sáng, có nhiều búp tay to, đều. Quả càng đẹp thì giá càng cao bởi tâm lý chung của nhiều người đã thờ phật thủ thì phải chọn loại thật đẹp”.

Quả Phật thủ đẹp phải nhiều ngón tay, thông thường mỗi quả có 20-30 ngón tay.

Cũng theo ông Lâm, phật thủ có 3 dạng là phật thủ lộc, phật thủ phát và phật thủ kỳ tướng. Những quả to, hội tụ đủ các yếu tố thịnh - suy - vi - thái theo tín ngưỡng của dân gian.

“Quả phật thủ để dành cho dịp Tết luôn là quả già và đẹp nhất, nên cành nào ra quả đẹp người trồng sẽ dùng dây đánh dấu. Sau khi thu hoạch, người dân sẽ lấy mắt của cành này ghép vào gốc cây 2-3 năm tuổi thì năm sau sẽ cho thu hoạch số lượng quả đẹp nhiều”, ông Lâm cho biết.

Không chỉ bán cho người dân địa phương hay thành phố Hà Nội, phật thủ tại Phúc Thọ còn được cung ứng đến các tỉnh thành như: Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Lâm Đồng…

Không giống loại cây khác, phật thủ là loài khó trồng, chăm sóc phải rất cẩn thận thì cây mới phát triển và cho quả đều. Trung bình một cây phật thủ sẽ có tuổi thọ khoảng 4-6 năm tuỳ vào điều kiện thời tiết. Để có được vụ mùa bội thu, phật thủ cần được chăm sóc tỉ mẩn, kỹ càng. Từ các công đoạn làm sạch đất đến tưới tiêu, phun, xới đều do người dân có kinh nghiệm thực hiện.

Hoa của phật thủ thường mọc ở đầu cành thường khi nở sẽ có màu trắng.

Phật thủ là loại quả đặc biệt, không dùng cho ăn uống mà dùng làm đồ lễ thờ cúng. Do đó, đánh giá chất lượng quả phụ thuộc vào kích cỡ, hình dạng, màu sắc.

Không chỉ là sản phẩm nông nghiệp, cây phật thủ còn mang ý nghĩa biểu tượng, đại diện cho sự may mắn, hạnh phúc và tình yêu thương, nên rất được trân trọng trong đời sống văn hóa người Việt.

Các tin khác