Tuy nhiên vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro, đặc biệt là diễn biến chưa rõ ràng của đại dịch. Sự bùng phát của các biến thể mới có thể dẫn đến việc phải tái áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội, ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế. Nhu cầu trong nước yếu hơn kỳ vọng có thể ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của Việt Nam.
Ngoài ra, nhiều đối tác thương mại của Việt Nam đang phải đối mặt với dư địa tài khoá và tiền tệ bị thu hẹp, có thể sẽ hạn chế khả năng tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế của các nước này nếu cuộc khủng hoảng kéo dài. Điều này có thể làm chậm sự phục hồi toàn cầu và làm suy yếu nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Theo WB, các chính sách ứng phó cẩn trọng có thể giảm thiểu những rủi ro trên. Các biện pháp về chính sách tài khóa có thể hỗ trợ tổng cầu trong nước, trong đó có tạm thời giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) và tăng chi cho y tế và giáo dục. Các hỗ trợ dành cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng cần có quy mô lớn hơn và tập trung hơn.
Đồng thời, các chương trình an sinh xã hội cần xác định đúng các nhóm đối tượng cần trợ giúp và triển khai thực hiện hiệu quả hơn để giải quyết những hậu quả xã hội nặng nề và không đồng đều của cuộc khủng hoảng. Rủi ro đang gia tăng trong khu vực tài chính cần được giám sát chặt chẽ và chủ động giải quyết.
Báo cáo cũng cho rằng, Việt Nam cần ưu tiên xanh hóa ngành thương mại. Thương mại là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 2 thập kỷ qua, nhưng cũng là ngành có cường độ phát thải carbon cao, chiếm 1/3 tổng lượng phát thải khí nhà kính của cả nước và gây nhiều ô nhiễm.