Thông tin trên được Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra trong ấn phẩm “Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu” ngày 7-6.
Tăng trưởng ở các nền kinh tế tiên tiến được dự báo sẽ giảm mạnh xuống 2,6% vào năm 2022 và tiếp tục bị tụt xuống 2,2% vào năm 2023 sau khi đạt 5,1% vào năm 2021. Tăng trưởng của Mỹ thì bị cắt giảm xuống 2,5% vào năm 2022 từ ngưỡng 5,7% vào năm 2021. Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc cũng được dự báo chỉ tăng trưởng 4,3% vào năm 2022 sau khi tăng trưởng 8,1% vào năm 2021.
Mặt khác đối với các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, mức tăng trưởng chỉ đạt 3,4% vào năm 2022 và giảm từ mức 6,6% vào năm 2021. Do tình hình chiến sự tại Ukraine chưa có hồi kết, dự báo tăng trưởng năm 2022 được điều chỉnh giảm ở gần 70% ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển.
Theo WB, kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn giảm tốc, có nhiều dấu hiệu như những năm 70 của thế kỷ trước.
Chủ tịch WB David Malpass nhận định, thế giới đang dần bước vào thời kỳ tăng trưởng yếu và lạm phát gia tăng tồi tệ hơn. Tăng trưởng toàn cầu có thể giảm xuống 2,1% vào năm 2022. Tới năm 2023, con số này thậm chí có thể giảm xuống tiếp 1,5%, khiến tăng trưởng bình quân đầu người gần bằng 0, nếu các rủi ro tiếp tục tồn tại.
Đối với vấn đề xung đột Nga – Ukraine và khu vực kinh tế Đông Âu, theo dự báo của WB, nền kinh tế Nga sẽ giảm 8,9% trong năm nay và 2% trong năm 2023. “Nền kinh tế Nga được dự báo sẽ giảm 8,9% vào năm 2022, phản ánh nhu cầu trong nước giảm mạnh và kim ngạch xuất khẩu giảm. GDP của Nga dự kiến sẽ tiếp tục giảm 2% vào năm 2023, do tác động của lệnh cấm vận đối với hoạt động xuất khẩu dầu của Nga đối với xuất khẩu ròng”, báo cáo WB nhấn mạnh.
Trong khi đó, GDP của Ukraine sẽ giảm 45% trong năm nay. WB dự đoán 4 nền kinh tế khác trong khu vực, gồm Belarus, Kyrgyzstan, Moldova và Tajikistan, sẽ sụt giảm trong năm 2022.
Báo cáo của WB đưa ra nhận định, tình hình kinh tế hiện nay có các nét tương đồng so với tình trạng lạm phát kèm suy thoái phổ biến như những gì đã diễn ra trong thập niên 70 của thế kỷ trước. Đó là khi các quốc gia trên thế giới phải đối mặt với bài toán vừa khó tăng lãi suất để kìm lạm phát, đồng thời vừa phải tránh tăng quá nhanh dẫn tới suy thoái.
Nếu lãi suất tăng dựng đứng như những năm 1970, một cuộc suy thoái toàn cầu kèm hàng loạt khủng hoảng tài chính ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển như năm 1982 là hoàn toàn có thể xảy ra.
Thêm vào đó, động thái thắt chặt các điều kiện tài chính nhanh hơn dự kiến có thể đẩy một số quốc gia vào diện khủng hoảng nợ trầm trọng như đã từng chứng kiến trong những năm thập niên 80.