PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, nhu cầu quỹ nhà TĐC trên địa bàn TPHCM trong một vài năm tới như thế nào?
Ông TRẦN VĨNH TUYẾN: - Trong 2 năm tới TPHCM sẽ triển khai hàng loạt dự án, song song đó cần phải có quỹ nhà để TĐC để bố trí người dân nằm trong diện giải tỏa cho dự án. Cụ thể, quận 1 cần 256 hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án như metro số 2, dự án sân vận động Hoa Lư, di dời các hộ dân trong bệnh Viện Nhi đồng 2…
Việc phát triển nhà TĐC cần phát triển dự án nhà thấp tầng ở ngoại thành, đảm bảo tiện ích như bệnh viện, trường học, chợ... kết nối hạ tầng để ổn định cuộc sống bà con. Trong thời gian tới, cần ưu tiên quỹ đất ở ngoại thành để phát triển quỹ nhà thấp tầng. Các dự án nội thành nếu người dân có nhu cầu TĐC tại chỗ hay lân cận để cuộc sống không xáo trộn, chúng ta phải xem xét ưu tiên. |
Giai đoạn 2021-2025, triển khai 226 dự án chỉnh trang đô thị… với tổng cộng số hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng khoảng 25.000 hộ. Như vậy từ nay đến năm 2025, tổng hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi các dự án lên đến 44.000 trường hợp, qua khảo sát sơ bộ cho thấy có 16.800 hộ nhận tiền tự lo chỗ ở mới, 27.200 trường hợp có nhu cầu TĐC. Do đó nhu cầu về quỹ nhà TĐC trên địa bàn TP trong thời gian tới vẫn rất lớn.
- Nhưng có nghịch lý hiện nay TP phải đem bán đấu giá căn hộ, nền đất TĐC thưa ông?
- Hiện nay TPHCM còn 12.197 căn hộ và nền đất TĐC (9.589 căn hộ và 2.688 nền đất) chưa sử dụng, trong đó cần phải bán đấu giá 5.075 căn hộ và nền đất để thu hồi vốn. Quan điểm của TP trước mắt là phải sử dụng hết quỹ nhà TĐC đang có, hạn chế tối đa xây mới nhà TĐC bằng ngân sách nhà nước trong thời gian tới.
Thực tế cho thấy, thời gian qua có những dự án TĐC hoàn thành khá lâu nhưng chưa được đưa vào sử dụng, gây nên lãng phí và căn hộ ngày càng xuống cấp. Chính vì vậy, TP cho rà soát những dự án TĐC nếu đã hoàn thành 5 năm nhưng đến nay chưa bố trí sử dụng phải xem xét đem bán đấu giá thu hồi vốn, nhằm đảm bảo nhà không bị xuống cấp.
Để chống trình trạng lãng phí, phải bố trí quỹ nhà sát với nhu cầu trong thời gian tới, các quận huyện muốn TP phân bổ quỹ nhà TĐC phải đăng ký với Sở Xây dựng, sở sẽ tổng hợp, kiểm tra xem xét so với nhu cầu và tham mưu cho UBND TP quyết định việc phân bổ. Việc đăng ký nhu cầu hàng năm và lãnh đạo các quận huyện phải chịu trách nhiệm về việc đăng ký của mình, cuối năm phải báo cáo TP việc sử dụng quỹ nhà đăng ký trong năm như thế nào.
Trong năm 2019, chậm nhất đầu tháng 4-2019, các quận huyện phải đăng ký qua Sở Xây dựng nhu cầu sử dụng quỹ nhà của địa phương mình. Trên cơ sở đề xuất nhu cầu các quận huyện, đến cuối năm Sở Xây dựng sẽ rà soát đánh giá lại, nếu không sử dụng hết phải thu hồi. TP phải có quỹ nhà để sử dụng cho những tình huống khẩn cấp, như chung cư xuống cấp đột xuất như 518 Võ Văn Kiệt (quận 1) vừa qua, hay sạt lở, cháy nổ ngoài ý muốn để bố trí kịp thời tạm cư, TĐC cho bà con.
Như tôi đã nói ở trên, nhu cầu quỹ nhà TĐC của TP vẫn rất lớn, nhưng trước mắt vẫn phải “thanh lý” những căn hộ hoàn thành quá lâu nhưng chưa sử dụng đến tránh lãng phí và tránh xuống cấp. Có nguồn thu TP cũng sẽ chủ động hơn khi mua lại hay phát triển quỹ nhà mới.
- Quan điểm phát triển nhà TĐC của TP trong thời gian tới như thế nào?
- Quan điểm của lãnh đạo TP vẫn nhất quán trước sau rằng, công tác TĐC phải được xem xét giải quyết một cách toàn diện, hài hòa trên các mặt đời sống; TĐC không chỉ là giải quyết về nhà ở, mà là giải quyết nơi ở mới, không gian sống phù hợp, đảm bảo đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; TĐC phải gắn liền với việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội như đào tạo nghề, giải quyết công ăn việc làm tốt hơn hoặc phục hồi thu nhập, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân sau khi di dời, TĐC.
Do đó công tác TĐC cần phân tích, dự báo nhu cầu một cách chính xác, cũng như khả năng đáp ứng của nguồn nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, nhà ở xã hội, nhà ở thương mại phục vụ nhu cầu TĐC của người dân; có biện pháp sử dụng hiệu quả quỹ nhà TĐC, phân bổ hợp lý…
Về phát triển các dự án TĐC mới, từ nay đến năm 2025, TP tiếp tục tạo điều kiện, khuyến khích các nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà ở xã hội bằng vốn ngoài ngân sách; tập trung rà soát, bố trí các quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn quận, huyện, và sử dụng nguồn vốn ngân sách thu được từ các dự án nhà ở thương mại, khu độ thị mới có nghĩa vụ thực hiện điều tiết 20% quỹ đất phục vụ nhà xã hội theo hình thức nộp tiền, tái đầu tư phát triển nhà ở xã hội bằng ngân sách, để chủ động nguồn nhà phục vụ TĐC cho Chương trình chỉnh trang đô thị trên địa bàn TP.
TP tiếp tục theo dõi, đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển nhà ở thương mại đang triển khai; cung cấp danh mục các dự án trong phạm vị bán kính 5km so với các dự án bồi thường khi nhà nước thu hồi đất, đảm bảo cung cấp khoảng 17.000 căn hộ và nền đất để các hộ gia đình, cá nhân được bồi thường, có khả năng tự lo chỗ ở mới, mua lại để TĐC theo phương thức nhà ở thương mại.
Trên cơ sở khảo sát nhu cầu của người dân và các dự án nhà ở thương mại mà doanh nghiệp đang xây dựng, TP đăng ký mua lại để đảm bảo TĐC tại chỗ cho người dân, sát với nhu cầu và nhà TĐC cho người dân chất lượng cũng được nâng cao hơn. TP cũng cam kết rõ ràng, nếu không có nhu cầu thì để doanh nghiệp tự kinh doanh quỹ nhà mà trước đó đã đăng ký, chứ không “giữ chân” doanh nghiệp.
Nếu có nhu cầu xây mới phải hợp tác với các doanh nghiệp để phát triển, mua lại quỹ nhà cho người dân sau khi khảo sát nhu cầu thực tế, để không làm dôi dư quỹ nhà, tránh tình trạng xây xong để đó rất lãng phí.
- Xin cảm ơn ông.