Diện tích vi phạm hơn 4,5ha. Tổng số tiền Công ty Rạng Đông bị xử phạt là 154,3 triệu đồng, trong đó 150 triệu đồng phải nộp do lỗi vi phạm và 4,3 triệu đồng phải nộp do thu lợi bất hợp pháp từ lỗi vi phạm.
Đây không phải lần đầu tiên có doanh nghiệp bị xử phạt vì hành vi xâm hại rừng phòng hộ. Tuy nhiên năng lực giám sát của các cơ quan chức năng cũng như biện pháp chế tài vẫn chưa đủ mạnh mẽ, để ngăn chặn và chấm dứt tệ nạn nhức nhối này. Có thể lấy thí dụ nóng hổi ở tỉnh Bình Phước mà nhìn nhận rõ ràng hơn.
Thứ nhất, diện tích hơn 4,5ha không hề nhỏ. Một doanh nghiệp không thể trong khoảng thời gian một sớm một chiều để biến 4,5ha đất rừng phòng hộ thành đất phi nông nghiệp để làm mỏ đá. Vai trò của chính quyền cơ sở ra sao, khi quá trình xâm hại đất rừng phòng hộ diễn ra công khai như vậy?
Thứ hai, diện tích 4,5ha đất rừng phòng hộ là rừng trồng, có nghĩa là một mảng cây xanh đã bị đốn hạ để triển khai dự án nhưng doanh nghiệp chỉ thu lợi được 4,3 triệu đồng chăng? Thử hỏi, 4,3 triệu đồng có đủ để khôi phục phần rừng trồng đã bị biến mất không?
Xem ra đất rừng phòng hộ có giá quá rẻ. Cứ tùy tiện xâm hại rồi bỏ ra ít tiền để nộp phạt hành chính, thì đâu lại vào đấy. Vì tiền mà xâm hại rừng phòng hộ, rồi lại dùng tiền để che chắn hành vi xâm hại rừng phòng hộ. Cái vòng lẩn quẩn ấy còn tái diễn, thì đất rừng phòng hộ càng ngày càng trở thành miếng mồi ngon cho những kẻ tham lam và ích kỷ.
Dù đã rất muộn màng, cũng phải cảnh báo diện tích rừng của Việt Nam đang đối diện sự mất mát nghiêm trọng. Những khẩu hiệu bảo vệ rừng vẫn vang lên khắp nơi, như “Bảo vệ rừng là bảo vệ cuộc sống”, hoặc “Bảo vệ rừng là trách nhiệm của mọi người”, nhưng chưa thể kích hoạt ý thức chung “Yêu rừng sẽ giữ được rừng”.
Một thắc mắc nữa cũng cần được lưu ý, sau những quyết định xử phạt hành chính về hành vi xâm hại rừng phòng hộ, thì ai sẽ theo dõi việc trả lại nguyên trạng cho đất rừng phòng hộ? Liệu số tiền mà đối tượng vi phạm nộp phạt vào ngân sách Nhà nước, có thể đáp ứng bao nhiêu phần trăm chi phí tái sinh rừng trồng đã bị thiệt hại?
Để xây dựng hành lang an toàn cho đất rừng phòng hộ, có lẽ phải thay đổi cơ chế quản lý. Không thể tiếp tục nhẹ tay dung túng cho các hành vi xâm hại đất rừng phòng hộ bằng những quyết định xử phạt hành chính. Ở những mức độ nghiêm trọng, cần khởi tố hình sự những cá nhân và đơn vị ngang nhiên xâm hại đất rừng phòng hộ, theo đúng tiêu chí “thuốc đắng giã tật”.
Cách đây không lâu, tại kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Bình Định ngày 20-7, ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã giải trình những băn khoăn của dư luận về việc quản lý đất đai ở huyện Vĩnh Thạnh, mà cụ thể là hai biểu hiện xâm hại đất rừng.
Thứ nhất là bà Trương Thị Lệ Thâm, vợ của ông Trần Quốc Biểu, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Thạnh, ngang nhiên lấn chiếm đất rừng để làm nhà sàn gỗ.
Thứ hai là ông Nguyễn Đình Kim, cựu Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thạnh được sở hữu 115ha đất rừng, với nhiều dấu hiệu mua bán không rõ ràng. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng, đã chỉ đạo thanh tra vào cuộc để xác minh làm rõ và có phương án giải quyết thỏa đáng.
Câu chuyện ở tỉnh Bình Định chắc chắn không phải cá biệt. Ở một vài nơi khác, đất rừng cũng đang lọt vào tầm ngắm của lòng tham. Nhiều kẻ cậy chức vụ của bản thân hoặc dựa quyền lực của người quen, để rắp tâm thao túng và trục lợi từ đất rừng.
Hiện nay, Việt Nam còn bao nhiêu cây gỗ trong rừng tự nhiên? Cứ nhìn vào những bộ bàn ghế và các loại tủ thờ, sập gụ chễm chệ ở biệt thự xa hoa của giới đại gia, sẽ biết rằng câu trả lời vô cùng khó khăn và ngậm ngùi. Dù lạc quan đến mấy, cũng không ai giấu được âu lo cho rừng đặc dụng và rừng phòng hộ trước xu hướng nở rộ những khu nghỉ dưỡng cao cấp, những khu du lịch sinh thái.
Chỉ cần có dự án triển khai, thì bỗng dưng thấy xuất hiện một vùng đồi núi xanh thẳm bị gọi tên là “rừng nghèo kiệt” để được chuyển đổi mục đích sử dụng thật nhanh nhẹn, thật khéo léo.
Rừng phòng hộ mặc dù đã được phân chia theo tiêu chí rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư và rừng phòng hộ biên giới, nhưng vẫn liên tục bị xâm hại. Trong ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu, người ta thường nhắc khái niệm “thời tiết cực đoan” mà ít khi nghĩ đến nguyên nhân sâu xa hơn là công tác bảo vệ rừng vẫn nhiều bất cập. Một khi rừng thu hẹp lại, thì lũ lụt và hạn hán luôn diễn biến khó lường hơn.
Để tránh né không gian ngột ngạt của các đô thị chen chúc, giới bất động sản tinh khôn mở rộng thị trường căn hộ cao cấp ở những khu vực đang còn độ che phủ tương đối của rừng. Vì vậy, cần phải cảnh báo sớm nguy cơ rừng phòng hộ và rừng sản xuất sẽ bị sang nhượng và mua bán ồ ạt trong thời gian sắp tới. Nếu chủ quan giao đất rừng vào tay những đối tượng không có ý thức gìn giữ rừng và phát triển rừng, thì hậu quả không dễ tiên liệu.
Từ năm 2016, Chính phủ chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, không cho phép chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp trong diện tích 2,25 triệu ha rừng tự nhiên hiện có sang mục đích khác, và không cho phép chuyển rừng nghèo kiệt sang trồng cây công nghiệp. Từ kết quả ấy, đã đến lúc phải có thêm biện pháp quyết liệt để ngăn chặn các hành vi phá hủy cơ cấu hợp lý của rừng phòng hộ và rừng sản xuất, nhất là việc xử lý rốt ráo những công trình xây dựng trái phép trên đất rừng.
Hiện nay cả nước có 60/63 tỉnh, thành phố có rừng và hầu như địa phương nào cũng có các dự án liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng. GS.TS Nguyễn Ngọc Lung nhận định: “Khi chuyển đổi đất rừng chính là đánh đổi giá trị về môi trường sinh thái để lấy một mục tiêu khác. Mục tiêu ấy nếu là kinh tế thì phải xem cái lợi về kinh tế đến mức nào mà quyết định đánh đổi. Còn nếu đó là mục tiêu xã hội thì phải suy nghĩ khác vì xã hội cũng là một mục tiêu ưu tiên, dù không bằng môi trường”.
Để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật, đồng thời góp phần thực hiện cam kết quốc tế, đặc biệt là cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý chặt chẽ diện tích rừng, đất rừng theo đúng quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; tích hợp đầy đủ thông tin về rừng, đất rừng trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, để quản lý, bảo vệ chặt chẽ, hiệu quả đối với diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất; kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, tránh tình trạng lợi dụng việc chuyển mục đích sử dụng rừng để xâm hại rừng trái pháp luật.