Sáng 29-10, Sở GD-ĐT TPHCM đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm học 2021-2022. Đến tham dự có Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức, cùng đại diện các sở, ngành trên địa bàn TP.
Nỗ lực vượt khó ở tất cả bậc học
Báo cáo của Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, năm học 2020-2021, ngành giáo dục đã hoàn thành mục tiêu kép là vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 vừa hoàn thành kế hoạch năm học.
Thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM, toàn ngành có 94,58% cơ sở giáo dục thành lập Tổ an toàn Covid-19, 100% cơ sở giáo dục đạt chuẩn an toàn theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trường học.
Trong thời điểm học sinh tạm dừng đến trường vì dịch bệnh, các trường đã tổ chức dạy học trực tuyến với nhiều hình thức khác nhau như ghi hình bài giảng, đăng tải lên website trường định kỳ theo tuần, tổ chức các hoạt động dạy học trực tuyến qua các công cụ Zoom, Microsoft Teams, Facebook livestream, giao bài tập qua zalo, viber…
Đến nay, toàn TP có 200/1.368 (tỷ lệ 14,6%) trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, mô hình “Trường mầm non tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế” được triển khai ở 16 trường với 4.915 trẻ.
Ở bậc tiểu học, năm học 2020-2021 là năm đầu tiên triển khai chương trình, SGK theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1. Toàn ngành đã đạt một số kết quả nổi bật như: giao quyền chủ động cho các cơ sở giáo dục, xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh, thí điểm dạy học theo chủ đề các môn học…
Thống kê trên toàn bậc học, có 97,7% học sinh tiểu học được học môn tiếng Anh ở cả 5 khối lớp. Việc dạy ngoại ngữ trong trường tiểu học ngày càng phát triển và đạt hiệu quả cao. Các trường đã triển khai nhiều mô hình dạy học tiếng Anh cho học sinh tiểu học gồm: Tiếng Anh tăng cường trên 2 tiết/tuần đối với các chương trình lớp 1, Tiếng Anh tăng cường 8 tiết/tuần đối với các chương trình lớp 2, 3, 4, 5 (chưa thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018), Tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam (8 tiết/tuần).
Đối với bậc trung học, chương trình giáo dục thực hiện theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, nâng cao công tác xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường.
Trong năm học 2020-2021, Sở GD-ĐT TP tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện rà soát nội dung dạy học để tiếp tục tinh giảm theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, thực hiện dạy học thông qua tổ chức các hoạt động học tập, giúp học sinh tự khám phá những điều chưa biết chứ không thụ động tiếp thu kiến thức được sắp đặt sẵn thông qua dạy học theo chủ đề, dạy học tích hợp, hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường…
Nhìn chung, mạng lưới trường lớp ở các cấp học, bậc học đã được phủ khắp các phường, xã ở TP Thủ Đức và 21 quận, huyện với quy mô phát triển ngày một tăng. Việc xây dựng trường lớp, tăng cường cơ sở vật chất đã góp phần đẩy mạnh tổ chức hoạt động dạy học 2 buổi/ngày đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình mới của Bộ GD-ĐT. Đến nay, tỷ lệ học 2 buổi/ngày đối với tiểu học là 74,1%, THCS là 57,89% và THPT 95,68%.
Tính đến cuối năm 2020, tổng số trường học trên địa bàn TP là 2.366 trường (tăng 40 trường so với năm học trước), trong đó bậc mầm non chiếm tỷ lệ cao nhất với 1.374 trường (tăng 28 trường so với năm học trước). Kế đến là tiểu học với 507 trường (tăng 7 trường so với năm học trước), THCS có 283 trường và THPT có 202 trường.
Tổng số học sinh toàn TP là 1.682.908 em, giảm 2.811 học sinh so với năm học trước. Áp lực dân số cơ học tăng cao đã tạo áp lực về cơ sở hạ tầng tại một số quận, huyện, dẫn đến sĩ số học sinh/lớp còn cao, chưa đáp ứng được nhu cầu học 2 buổi/ngày.
Thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 theo diễn biến dịch bệnh
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, năm học 2021-2022, toàn ngành tiếp tục nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, công tác quản lý nhà nước, đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục.
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục xây dựng và triển khai kế hoạch giáo dục linh hoạt, phù hợp với diễn biến của dịch Covid-19, trong đó việc đảm bảo an toàn, phòng ngừa hiệu quả dịch bệnh là mục tiêu hàng đầu trong quá trình triển khai nhiệm vụ năm học.
Song song đó, cơ sở giáo dục tận dụng tối đa thời gian dạy - học trực tiếp, nâng cao chất lượng dạy - học trên mạng internet, trên truyền hình, tăng cường kỹ năng tự học cho học sinh, xây dựng kho học liệu điện tử mở, hỗ trợ người học mọi lúc mọi nơi, làm nền tảng xây dựng xã hội học tập.
Năm học 2021-2022, toàn ngành tiếp tục đẩy mạng ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện chuyển đổi số để tổ chức dạy học qua internet và phần mềm phục vụ việc triển khai phiếu học tập cho các đối tượng học sinh.
Đặc biệt, trong năm học tới, ngành giáo dục xây dựng kế hoạch, phương án đào tạo, bồi dưỡng để có đủ giáo viên, đảm bảo chất lượng dạy học các môn học bắt buộc theo chương trình, đặc biệt đối với các môn tin học và ngoại ngữ, thực hiện bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục để triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình.
Học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1) tham gia khám sàng lọc trước khi tiêm vaccine Covid-19 vào chiều 27-10
Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, thời điểm hiện tại đã có khoảng 250 cơ sở trường học bàn giao lại cho ngành giáo dục, tới đây còn khoảng 250 trường sẽ tiếp tục được bàn giao, dự kiến đến giữa tháng 11 hoàn thành việc bàn giao.
Sau khi các trường thực hiện việc khử khuẩn, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất và đảm bảo an toàn cho học sinh, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ tham mưu UBND TPHCM phương án cho phép học sinh các lớp cuối cấp, đã tiêm vaccine trở lại trường học trực tiếp.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức bày tỏ, năm học 2021-2022 diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh nên có nhiều khó khăn. Học kỳ 1 phải diễn ra theo hình thức trực tuyến; một bộ phận thầy, cô giáo chưa sẵn sàng chuyển đổi qua hình thức dạy học mới.
Tính đến cuối tháng 10-2021, tức sau hơn 1,5 tháng kể từ thời điểm bắt đầu triển khai chương trình năm học mới, bậc tiểu học có 97,66% học sinh và bậc THCS có 98,4% học sinh được tiếp cận sách giáo khoa. Đây là một thực tế còn bất cập, đòi hỏi ngành giáo dục tiếp tục có thêm giải pháp đảm bảo 100% học sinh đều được tiếp cận sách giáo khoa.
Hiện nay, toàn TP đã tiệm cận mục tiêu 300 phòng học/10.000 dân nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nhiều công trình xây dựng trường học bị đình trệ. Một số quận, huyện như Bình Tân, Tân Phú, Gò Vấp, quận 12, Bình Chánh, Hóc Môn... có tỷ lệ phòng học còn thấp.
Tới đây, ngành giáo dục sẽ tiếp tục phối hợp với ngành y tế, UBND các quận, huyện rà soát, chỉnh trang cơ sở vật chất trường học, đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho học sinh trong độ tuổi từ 12-17 tuổi nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho học sinh quay lại trường học ngay khi đảm bảo đầy đủ các yêu cầu.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị Sở GD-ĐT TP chủ động rà soát, mạnh dạn đề xuất các giải pháp, sáng kiến để hỗ trợ học sinh và đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên gặp khó khăn trong toàn ngành. Riêng các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng kế hoạch dạy học theo cả hai hình thức dạy học trực tiếp và trực tuyến để tăng thêm cơ hội tiếp cận kiến thức cho người học.