Xây dựng 'rào cản kỹ thuật' để cứu doanh nghiệp Việt

(ĐTTCO) - Theo TS. TÔ HOÀI NAM, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), đã đến lúc Việt Nam cần thực thi mạnh mẽ những “rào cản kỹ thuật” theo như thông lệ quốc tế.

Xây dựng 'rào cản kỹ thuật' để cứu doanh nghiệp Việt

PHÓNG VIÊN: - Được biết tại một số diễn đàn, hội thảo của Chính phủ cũng như các bộ, ngành tổ chức, ông từng cảnh báo về sự “đổ bộ ồ ạt” của hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc vào Việt Nam, và kiến nghị cơ quan chức năng cần có những chính sách để hỗ trợ DN sản xuất trong nước. Ông có thể nói cụ thể hơn?

TS. TÔ HOÀI NAM: - Câu chuyện hàng hóa giá rẻ Trung Quốc tràn vào Việt Nam đã thực sự diễn ra, và tôi cũng đã từng cảnh báo nhiều từ trước đó. Ở đây có thể thấy đó là điều tất yếu trong thương mại quốc tế, bởi khi cả Việt Nam và Trung Quốc đều đã ký kết hợp tác thương mại song phương, cả hai đều cùng là thành viên tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP), ASEAN+.

Không chỉ có Việt Nam, hàng hóa Trung Quốc còn tỏa đi các thị trường khác ở Đông Nam Á, Đông Á, Tây Á. Nên đây là “cuộc đổ bộ” hàng hóa nhìn thấy trước và được báo trước. Vấn đề còn lại là các DN Việt Nam ứng phó ra sao trước làn sóng hàng hóa giá rẻ này của Trung Quốc, nhất là có đến khoảng 90% DN trong nước là DN nhỏ và vừa, tiềm lực yếu hơn DN Trung Quốc.

Ở đây có 3 vấn đề cần quan tâm. Thứ nhất, trong bối cảnh hiện nay, muốn phát triển các DN Việt Nam không có con đường nào khác là phải thay đổi chính mình. Thay đổi cả về tư duy sản xuất và quản trị DN, về chuyển đổi số, cách thức tiếp cận thị trường, tận dụng cơ hội, tìm kiếm khai thác thị trường ngách và nhận diện được thế mạnh của mình là gì.

Đặc biệt là đối với những DN sản xuất những nhóm hàng liên quan tiêu dùng, kênh phân phối tiêu thụ cũng phải chấp nhận bước vào một cuộc cạnh tranh sòng phẳng, không có con đường nào khác phải nâng chất lượng hàng hóa, giảm giá thành sản phẩm. Đây là điều phải chấp nhận khi đã tham gia sân chơi thương mại quốc tế.

TSToHoaiNam4.jpg

Thứ hai, nhìn bức tranh thương mại tổng thể, cũng nên xem là cơ hội cho hàng Việt tiến vào thị trường Trung Quốc thông qua các kênh phân phối của họ. Thị trường Việt Nam khoảng 100 triệu dân, nhưng thị trường Trung Quốc gấp 14 lần với 1,4 tỷ dân. Nên bên cạnh khó khăn bị cạnh tranh, chúng ta cũng có cơ hội để xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc, có cơ hội để khai thác thị trường khổng lồ này.

Thứ ba, đó là làm thế nào để DN hai bên có một môi trường cạnh tranh thực sự sòng phẳng, công bằng. Công cụ để đảm bảo sự sòng phẳng và công bằng ở đây, trước tiên là chính sách về thuế. Các chính sách thuế Việt Nam đang thực thi hiện nay cần phải đảm bảo để các bên đều phải nộp thuế như nhau, mới có thể đảm bảo được sự công bằng.

Còn nếu chính sách thuế của ta chỉ có thể áp dụng được cho DN trong nước, trong khi lại không thể bao quát và thu được thuế từ các DN Trung Quốc với hình thức thương mại điện tử xuyên biên giới, chắc chắn DN sản xuất trong nước sẽ bị mất đi lợi thế cạnh tranh và cũng khiến ngân sách Nhà nước bị thất thu.

- Nhưng thưa ông chỉ công cụ thuế vẫn chưa đủ?

- Ngoài công cụ thuế, có 2 công cụ nữa có thể hỗ trợ nền sản xuất hàng hóa trong nước hiện nay chúng ta đã có, đó là Luật Hỗ trợ DNNVV và Luật Cạnh tranh. Đối với Luật Hỗ trợ DNNVV, thực tế không riêng gì Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới cũng có đạo luật này để đảm bảo sự công bằng.

Thời gian vừa qua, đối với những DN nhỏ, những hộ kinh doanh ở trong nước, chính sách của Nhà nước cũng thường nghiêng về khuyến khích những chủ thể này phát triển, chính sách thuế cũng khác với DN lớn, DN FDI. Vừa qua, chính sách của Chính phủ cũng có nhiều động thái hỗ trợ các DN nhỏ, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh trong nước như giảm thuế, miễn thuế, hoặc chỉ phải nộp thuế môn bài. Đây cũng là giải pháp để đảm bảo an sinh xã hội.

Đối với Luật Cạnh tranh, là điều tôi lo ngại nhất. Việt Nam cần xem xét thực hiện nghiêm túc Luật Cạnh tranh, bởi đây là công cụ để đảm bảo công bằng, để cho người yếu có chỗ đứng trước DN mạnh hơn.

Không có quốc gia nào trên thế giới không có Luật Cạnh tranh cả. Khi nói cạnh tranh công bằng, nhất là giữa những DN mạnh với DN nhỏ, không nên bó hẹp khái niệm công bằng như một đẳng thức toán học, mà công bằng là phải đảm bảo những DN nhỏ, dù yếu hơn cũng vẫn có “đất sống”.

Tuy nhiên, Luật Cạnh tranh sửa đổi, bổ sung năm 2018 dường như vẫn chưa thực sự phát huy được vai trò “bảo vệ” DN trong nước của mình, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh thương mại quốc tế đang ngày càng gay gắt, và thương mại điện tử xuyên biên giới đang đặt ra nhiều thách thức với các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Luật Cạnh tranh do Quốc hội ban hành năm 2018, có hiệu lực từ năm 2019, được nhận định mang nhiều điểm tích cực so với văn bản pháp luật trước đó (Luật Cạnh tranh năm 2004). Tuy nhiên, sau thời gian thực hiện và với sự biến đổi không ngừng của cuộc sống, luật thiếu vắng quy định về thương mại điện tử.

Hiện nay, xác định DN hoặc nhóm DN có vị trí thống lĩnh thị trường theo quy định của Luật Cạnh tranh năm 2018 là yếu tố thị phần, chứng minh cho tầm ảnh hưởng, sức chi phối của DN trong tương quan cấu trúc cạnh tranh và hệ quả phát sinh. Tuy nhiên, khi thị trường chuyển dịch bởi công nghệ, cần xem xét rằng yếu tố thị phần cũng không nhất thiết là căn cứ cố định để đánh giá sức mạnh thị trường.

Một DN có sức mạnh thị trường trong nền kinh tế số, khả năng sẽ là DN nắm giữ quyền sở hữu, kiểm soát hệ thống viễn thông hoặc nền tảng thương mại, đủ sức tạo ra hàng rào kỹ thuật với các DN có ý định gia nhập hoặc mở rộng quy mô. Đơn cử, sự “đổ bộ ồ ạt” của hàng hóa đến từ các DN Trung Quốc vào Việt Nam đang diễn ra thông qua không gian mạng chính là nằm trong số này.

- Xin cảm ơn ông.

Luật Cạnh tranh cần sớm bổ sung và hoàn thiện trong thời gian tới, bởi đây có thể xem là công cụ, là “rào cản kỹ thuật” để bảo vệ nền kinh tế nói chung và các DN sản xuất trong nước nói riêng, mà “rào cản” này vẫn phù hợp với thông lệ quốc tế và không vi phạm các quy định của các hiệp định thương mại đã ký kết.

Các tin khác