Xây dựng “trường học hạnh phúc”: Thầy cô và học sinh luôn được yêu thương, tôn trọng

(ĐTTCO) - Các số liệu nghiên cứu về tỷ lệ học sinh trầm cảm, giáo viên bỏ việc hàng năm luôn gây nhức nhối dư luận xã hội. Vậy đâu là nguyên nhân khiến người dạy lẫn người học đều cô đơn trong chính ngôi trường của mình? Cần làm gì để trường học xây dựng thành công mô hình “trường học hạnh phúc”?

Lắng nghe tiếng nói học sinh

Thầy Đỗ Công Đoán, Phó hiệu trưởng Trường Trung học Thực hành (Trường Đại học Sư phạm TPHCM), cho biết, hiện nay có khoảng 60% học sinh cảm thấy hạnh phúc khi đến trường, còn lại vẫn chịu áp lực từ điểm số, thi cử, từ những mục tiêu đặt ra của phụ huynh. Minh chứng điều này, thầy Đỗ Công Đoán đặt câu hỏi, có bao nhiêu phụ huynh bình tĩnh, vui vẻ, động viên con bằng câu nói “không sao đâu” khi con thú nhận làm không tốt bài kiểm tra? Ở góc độ khác, theo cô Nguyễn Thị Thủy, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS Hồng Ngọc (quận Tân Phú, TPHCM), hầu hết giáo viên hiện nay đều cho cùng một khối lượng bài tập về nhà cho tất cả học sinh trong lớp. Điều này dẫn đến tình trạng học sinh có năng lực học tập trung bình, yếu cảm thấy bài tập nhiều hoặc quá sức, việc học vì thế trở thành áp lực.

Học sinh Trường Tiểu học Kỳ Đồng (quận 3, TPHCM) trò chuyện với cô hiệu trưởng sau tiết sinh hoạt dưới cờ

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Xuân Yến, Phó trưởng khoa Giáo dục tiểu học (Trường Đại học Sư phạm TPHCM), hiện nay một bộ phận giáo viên đang làm tốt vai trò truyền thụ kiến thức, nhưng là dạy những gì thầy cô có chứ không phải dạy thứ học sinh cần. Kết quả khảo sát mới đây của nhóm giảng viên Khoa Tâm lý học (Trường Đại học Sư phạm TPHCM) về tình trạng sức khỏe tinh thần đối với 8.643 học sinh THCS và THPT trên địa bàn TPHCM cho thấy, có 1.117 học sinh (tỷ lệ 12,92%) cảm thấy tâm lý luôn căng thẳng, 1.952 học sinh (tỷ lệ 22,58%) có trạng thái lo âu và 1.177 học sinh (tỷ lệ 13,62%) có biểu hiện trầm cảm. Với câu hỏi “Các em mong muốn điều gì để hạnh phúc khi đến trường?”, nhiều học sinh cho biết mong giáo viên giảm khối lượng bài tập về nhà, mong thầy cô cười nhiều hơn khi vào lớp và ngừng so sánh kết quả học tập của các em với lớp khác; mong có một ngày nghỉ thật sự mà không phải học tập, tham gia phong trào, hội thao. Song song đó, nhiều học sinh cho rằng các em không biết cách ứng phó khi gặp áp lực, căng thẳng trong học tập và các mối quan hệ giao tiếp, không tìm thấy sự hỗ trợ kịp thời từ nhà trường và gia đình khi có những thay đổi về tâm sinh lý.

Trước thực tế trên, cô Nguyễn Thị Hoa, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Chu Văn An (tỉnh Quảng Bình) nêu ý kiến, để học sinh không cảm thấy cô đơn, thầy, cô giáo cần đồng hành, yêu thương và khích lệ học sinh. Ngoài ra, theo thầy Lê Văn Dũng, Trưởng phòng GD-ĐT TP Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang), để tạo ra môi trường học tập cởi mở với những “góc lớp hạnh phúc”, vai trò của hiệu trưởng rất quan trọng trong việc lắng nghe, quan tâm đáp ứng nhu cầu chính đáng của học sinh.

Để người thầy không đơn độc

Giáo sư Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM, trăn trở, bao nhiêu năm qua ngành giáo dục đặt ra mục tiêu xây dựng “trường học hạnh phúc”, song liệu học sinh và giáo viên đã thật sự hạnh phúc trong bối cảnh dạy học chịu nhiều áp lực bởi thành tích thi cử; thầy và trò đứng trước yêu cầu đổi mới các hội thi, phong trào thi đua tổ chức hàng năm ở các đơn vị…? “Cơ chế, chính sách cần thời gian dài để thay đổi nên bản thân người thầy cần chủ động tạo niềm vui trong công việc, điều chỉnh bản thân phù hợp với người học chứ không thể đòi hỏi người học thay đổi theo ý mình”, Giáo sư Huỳnh Văn Sơn bày tỏ. Kết quả một cuộc khảo sát nhanh đối với khoảng 3.000 giáo viên đến từ nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước do Tiến sĩ Nguyễn Thị Xuân Yến, Phó trưởng Khoa Giáo dục tiểu học (Trường Đại học Sư phạm TPHCM) thực hiện cho thấy, có 8% giáo viên thấy buồn và chán nản khi bị phê bình nhiều lần trong công tác. Tương tự, khi không trả lời được câu hỏi của học sinh, có 27,3% thầy, cô giáo thú nhận mình không biết; 54,5% tìm cách “hoãn binh” để trả lời học sinh sau.

Mặt khác, theo cô Nguyễn Thị Thủy, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS Hồng Ngọc (quận Tân Phú, TPHCM), trường học cần đảm bảo đời sống cho giáo viên nhằm giúp các thầy, cô giáo yên tâm công tác, bởi “có thực mới vực được đạo”. Ngoài ra, hiện nay, nhiều phụ huynh tạo áp lực học tập cho con, vô tình tạo áp lực cho cả thầy, cô giáo. Ngành giáo dục đang đẩy mạnh mục tiêu chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh, song chính đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên cũng cần được quan tâm đời sống tinh thần, bởi thầy, cô giáo hạnh phúc mới lan tỏa năng lượng tích cực và hạnh phúc cho học trò.

Cán bộ quản lý một trường tiểu học ở quận Tân Phú (TPHCM) bày tỏ, liệu hạnh phúc của học sinh có tỷ lệ nghịch với hạnh phúc của thầy, cô giáo? Trong xã hội hiện đại, học sinh có nhiều nhu cầu cần được quan tâm hơn trước đây, điều này có tạo thêm áp lực cho giáo viên? Thạc sĩ Cao Thành Tấn, giảng viên Khoa Giáo dục chính trị (Trường Đại học Sư phạm TPHCM), cho rằng, “trường học hạnh phúc” chỉ được xây dựng khi toàn bộ đội ngũ từ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh đều cảm thấy an toàn, luôn được yêu thương và tôn trọng.

Các tin khác