Xe buýt đi vào “ngõ hẹp”

(ĐTTCO) - Chuyện nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải xe buýt ở TPHCM bỏ chuyến, nợ lương nhân viên do hoạt động thua lỗ, thực ra chỉ là “giọt nước tràn ly”. Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng này do tỷ lệ trợ giá cho xe buýt chỉ khoảng 40%, trong khi tỷ lệ người đi xe buýt ngày càng giảm.
Điều này cho thấy chương trình mục tiêu của TP đã không phát huy hiệu quả. Cùng với đó các chủ xe buýt vẫn chưa có hướng nâng hiệu quả mà chỉ trông chờ trợ giá.
TPHCM xác định phát triển loại hình vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt là một trong những giải pháp căn cơ để kiểm soát, hạn chế phương tiện xe cá nhân, nhằm giảm ùn tắc giao thông. Mục tiêu TP phấn đấu đến năm 2030, VTHKCC trong đó có xe buýt sẽ đảm nhận 30% nhu cầu đi lại của người dân, thay vì chỉ đáp ứng khoảng 9% như hiện nay. Tuy nhiên, việc kéo người dân sử dụng xe buýt không phải là điều dễ dàng, nhất là khi thói quen sử dụng xe máy vẫn còn phổ biến, kết cấu hạ tầng giao thông đô thị đang quá tải, ùn tắc giao thông liên tục diễn ra. Số liệu của Sở GTVT TPHCM, trong 6 tháng đầu năm nay hành khách đi xe buýt đạt 95,9 triệu lượt, chỉ bằng 32% so với kế hoạch dự toán năm 2018, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2017. 
Theo tìm hiểu từ chủ nhà xe, đơn giá vé xe buýt từ năm 2008 đến nay vẫn chưa thay đổi, dù năm 2014 Sở GTVT đã từng đề nghị thay đổi đơn giá. Tức trong 10 năm qua, khi mọi chi phí từ xăng dầu, phí bảo trì xe... đều tăng, đơn giá vé xe buýt vẫn giữ nguyên. Chủ xe buýt thuộc tuyến trợ giá số 51 than thở: “2 năm nay nhà xe phải chịu lỗ để duy trì hoạt động. Ít người đi xe buýt, doanh thu của nhà xe kém, chi phí phát sinh nhiều, trong khi tiền trợ giá liên tục bị cắt giảm. Giai đoạn 2012-2013, tiền trợ giá của tuyến 150.000 đồng/chuyến, năm 2014-2015 giảm còn 120.000 đồng/chuyến, đến nay chỉ còn 94.000 đồng/chuyến. Mỗi ngày, xe tôi chạy chỉ thu khoảng 1 triệu đồng tiền vé, trong khi chi phí bỏ ra hơn 1,3 triệu đồng, phải lấy tiền nhà để duy trì hoạt động”.
HTX Vận tải và Du lịch Đông Nam thời gian qua được đánh giá hoạt động có hiệu quả nhất trong các HTX xe buýt, nhưng nay các xã viên xin rút xe, ngưng hoạt động, khiến nhiều tuyến buýt bị giảm chuyến, mất chuyến… Cụ thể, tuyến 40 đã ngưng hoạt động từ tháng 8; tuyến 17 mất chuyến liên tục; tuyến 51 ngưng hoạt động; tuyến 146 để xảy ra tình trạng mất chuyến hàng loạt; tuyến 44 từ 32 xe nay chỉ còn 16 xe… Vào trung tuần tháng 7 vừa qua, tuyến xe buýt có trợ giá số 51 Bến xe miền Đông - Bình Hưng Hòa cũng đã bỏ chuyến hàng loạt. Theo các chủ xe, tiền trợ giá thấp và chậm trễ là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc nhiều xe buýt thường xuyên bỏ chuyến.
Ngày 9-8 vừa qua, Sở GTVT đã ký quyết định tạm dừng hoạt động tuyến xe buýt số 149 (lộ trình Công viên 23-9, quận 1 - Tân Phú - Bến xe An Sương, quận 12) do HTX vận tải liên tỉnh và du lịch Việt Thắng đảm nhận. Nguyên nhân do tuyến xe này vắng khách, không đủ chi phí hoạt động. Trước đó, vào giữa tháng 4-2018, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (QLGTCC) cũng quyết định điều chỉnh lộ trình, không cho tuyến xe buýt số 149 vào Ga Sài Gòn (quận 3) như trước. Nguyên nhân cũng do lượng khách sử dụng tuyến buýt này quá ít.
Xe buýt đi vào “ngõ hẹp” ảnh 1 Xe buýt chỉ đáp ứng 9% nhu cầu đi lại của người dân. 
Tại cuộc giao ban giữa Sở GTVT với báo chí mới đây, ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm QLGTCC, cho biết việc trợ giá xe buýt ở TPHCM góp phần đảm bảo cho người nghèo, học sinh, sinh viên… tham gia sử dụng phương tiện công cộng. Tuy nhiên, đơn giá đã không còn phù hợp với thực tế hiện nay. Với 1.000 tỷ đồng cho năm 2018, kinh phí trợ giá chưa bù đắp đủ kinh phí DN bỏ ra. Một số chuyên gia giao thông cũng chỉ ra những bất cập trong việc trợ giá xe buýt hiện nay ở TPHCM, đó là việc trợ giá để kéo giảm ùn tắc giao thông gần như chưa phát huy được hiệu quả, do vẫn theo kiểu ăn đong, thường đến giữa năm mới được duyệt ngân sách, ký hợp đồng, thanh toán. Điều này khiến các DN, HTX chưa thực sự an tâm cho việc huy động, đầu tư phương tiện xe buýt phục vụ vận tải công cộng. 
Được biết trong vòng 2 năm tới, TP dự kiến tăng thêm 220 tuyến xe buýt, với 5.600 phương tiện. Song tìm kiếm nguồn kinh phí hoàn thành mục tiêu nói trên là thách thức lớn. Do vậy, để bổ sung nguồn chi cho trợ giá xe buýt, các đơn vị có liên quan phải tạo ra nguồn thu, xã hội hóa và cạnh tranh trong cung ứng dịch vụ, như tăng cường quảng cáo trên xe buýt. Năm 2017 số tiền thu từ quảng cáo nộp ngân sách 17 tỷ đồng. Nếu làm tốt trong năm nay, tiền thu được từ quảng cáo trên xe buýt, nhà chờ sẽ gấp 4 lần năm ngoái. Sắp tới, ngành GTVT sẽ đấu thầu hệ thống xe buýt, gắn với đó kiểm soát các cơ cấu chi phí, tổ chức bán vé thông minh để tính toán tổng sản lượng của hệ thống xe buýt TP.
Nói như ông Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TPHCM, việc trợ giá xe buýt ở TPHCM hiện nay không tỷ lệ thuận với sản lượng hành khách. Điều này cần nghiêm túc xem xét lại cách quản lý, trợ giá xe buýt cho hiệu quả. Những tuyến ít khách, không hiệu quả hoặc bị trùng tuyến phải bỏ và tập trung phát triển những tuyến hoạt động tốt.

Các tin khác