Xe đạp ơi

Xe đạp là phương tiện giao thông một thời đã tương đối xa. Từ khi đổi mới kinh tế đất nước đến nay, xe máy đã thay thế dần xe đạp trong đời sống cả thành thị lẫn nông thôn. Nhắc đến xe đạp, chúng ta hay nhắc đến sự nghèo khó và sự lẫm lũi. Một bài hát khá nổi tiếng từng được công chúng nghêu ngao: “Xe đạp ơi, đã xa rồi còn đâu. Mối tình thơ thoáng như một giấc mơ. Xe đạp ơi, những vất vả ngày ấy…”. Tuy nhiên, khi vấn nạn ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường đã đến mức báo động, đánh thức thói quen sử dụng xe đạp lại trở thành một tín hiệu mang lại nhiều hy vọng.

Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng, phê duyệt và triển khai “Đề án thí điểm phát triển cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng trong khu vực trung tâm thành phố” tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Có nhiều ý kiến đồng thuận và phản biện xung quanh đề án này khá sôi nổi. Tính khả thi của đề án còn cần nhiều giải pháp phù hợp và đồng bộ, nhưng trước mắt đặt ra nhiều suy nghĩ tích cực cho các giới, các ngành.

Xe đạp là phương tiện giao thông một thời đã tương đối xa. Từ khi đổi mới kinh tế đất nước đến nay, xe máy đã thay thế dần xe đạp trong đời sống cả thành thị lẫn nông thôn. Nhắc đến xe đạp, chúng ta hay nhắc đến sự nghèo khó và sự lẫm lũi. Một bài hát khá nổi tiếng từng được công chúng nghêu ngao: “Xe đạp ơi, đã xa rồi còn đâu. Mối tình thơ thoáng như một giấc mơ. Xe đạp ơi, những vất vả ngày ấy…”. Tuy nhiên, khi vấn nạn ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường đã đến mức báo động, đánh thức thói quen sử dụng xe đạp lại trở thành một tín hiệu mang lại nhiều hy vọng.

Khi di chuyển, xe đạp chiếm diện tích mặt đường không thua xe máy. Do đó, nếu giải thích dùng xe đạp để bớt ùn tắc, sẽ khó thuyết phục cộng đồng. Chỉ có thể khuyến khích dùng xe đạp khi nhấn mạnh 2 yếu tố cơ bản. Yếu tố chung: giảm bớt tiếng ồn đô thị ngột ngạt và giảm bớt khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Yếu tố riêng: tiết kiệm tiền bạc và tăng cường sức khỏe. Phân tích cho hết lý lẽ, đề án kêu gọi sử dụng xe đạp ở trung tâm đô thị hoàn toàn nghiêng hẳn về việc xây dựng một lối sống văn hóa mới.

Sở Công Thương Hà Nội là đơn vị đầu tiên lên tiếng về sử dụng xe đạp thay thế xe máy, song lại phơi bày lộ liễu mục đích kích cầu sản xuất và tiêu dùng phương tiện hai bánh không gắn động cơ. Áp dụng triệt để hơn và cũng trang nghiêm hơn là chính quyền thành phố Hội An quy định cán bộ, công chức đi làm bằng xe đạp nhằm giữ không khí trong lành và bình yên cho phố cổ miền Trung.

Như vậy, những thành phố nhộn nhịp như TPHCM, Cần Thơ, Đà Nẵng và Hải Phòng sẽ chọn cách nào để tạo nét đẹp từ những chiếc xe đạp nhẹ nhàng ở khu vực trung tâm? Nếu phân luồng riêng cho xe đạp sẽ xuất hiện thêm nhiều hệ lụy khác. Có lẽ cách hữu hiệu duy nhất là khéo léo vận động những tầng lớp tinh hoa trong xã hội như lãnh đạo, tri thức, nghệ sĩ, sinh viên... nêu gương tốt cho quần chúng noi theo.

Trong quá trình tiến bộ, chúng ta cần tốc độ để đi đến sự giàu có, nhưng chúng ta lại cần thong dong để đi đến sự văn minh. Chắc chắn những đô thị sầm uất sẽ đẹp đẽ hơn, khi ở khu vực trung tâm chỉ có phố đi bộ thanh lịch và nhiều người chậm rãi “quay đều, quay đều, quay đều... thương hoài những vòng xe”.

Các tin khác