Kết quả dương tính không có gì phải ngạc nhiên, vì tôi đã chuẩn bị tinh thần cho mọi tình huống có thể xảy ra trong chuyến công tác kết hợp về thăm nhà lần đầu tiên sau hơn 2 năm đại dịch Covid-19 bùng phát. Nhưng còn 2 ngày nữa tôi phải vào TPHCM theo lịch trình dự kiến, nếu mắc Covid-19 tôi sẽ phải hoãn chuyến bay và chấp hành việc tự cách ly theo quy định hiện hành. Tôi đành phải làm thêm xét nghiệm PCR.
Kết quả PCR âm tính được email cho tôi vào chiều tối cùng ngày khiến bao mệt mỏi và căng thẳng trong người như được giải tỏa. Tôi cảm thấy thoải mái khi hơn gặp một vài đối tác kinh doanh từ TPHCM bay ra, dù thỉnh thoảng bị nghẹt mũi và hơi đau đầu. Bà xã gọi điện bảo phải đề phòng khả năng âm tính giả vì biết đâu virus biến chủng mới không thể phát hiện qua xét nghiệm.
Nghe cũng có lý nhưng dù sao PCR âm tính là tấm bùa hộ mệnh cho 2 ngày cuối của tôi tại Hà Nội. Cẩn tắc vô áy náy, tôi cho đối tác, khách hàng và bạn bè thân hữu biết đã xét ART dương tính rồi PCR âm tính nhưng ai cũng bảo tôi yên tâm. Vậy là tôi tạm quên đi nỗi lo Covid-19 và dành thời gian để giao lưu và tập trung xử lý những công việc còn lại trước khi bay vào TPHCM.
Khác với chuyến bay từ Singapore về Hà Nội phải xét nghiệm Covid-19 âm tính mới được lên máy bay, thủ tục bay nội địa Hà Nội - TPHCM đơn giản như trước khi xảy ra đại dịch, ngoại trừ quy định đeo khẩu trang. Ngồi trên máy bay chuẩn bị cất cánh đôi khi tôi nghe tiếng ho sù sụ của một vài hành khách và trớ trêu thay tôi cũng thuộc thành phần nhạy cảm đó. Tôi tự hỏi không biết có hành khách nào đang mắc Covid-19 đi cùng chuyến và liệu xét nghiệm vừa rồi tôi có thật sự âm tính.
Nhưng Đ., anh bạn đối tác đi cùng cho biết bây giờ ở Việt Nam ai cũng xem việc nhiễm Covid-19 là chuyện bình thường giống như cảm cúm, chẳng còn mấy ai quá lo lắng vì đã chích vaccine đầy đủ và thuốc men cũng đã sẵn sàng. Phải chăng đó là lý do Chính phủ Việt Nam đã quyết định dừng xét nghiệm Covid-19 đối với người nhập cảnh.
Xét về phương diện kỹ thuật, đại dịch Covid-19 vẫn chưa được xem là chấm dứt bởi virus vẫn còn tiếp tục tiến hóa, chẳng hạn như việc xuất hiện biến thể phụ BA.1, BA.2, BA.3, BA.4 và BA.5 của Omicron. Hôm 15-5, Bộ Y tế Singapore cho biết đã phát hiện 2 trường hợp biến thể BA.4 và 1 biến thể BA.5. Không có triệu chứng hoặc có các triệu chứng nhẹ và không cần nhập viện, 3 người này đã được tiêm chủng đầy đủ.
Theo GS. Dale Fisher, chuyên gia tư vấn các bệnh truyền nhiễm cao cấp tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore, điều quan trọng là phải theo dõi tiến trình phát triển của virus và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Ông nói: “Hiện tại, các biến thể phụ này trông giống với các biến thể Omicron ban đầu dù có thêm một số đột biến giúp nó có lợi thế phát triển hơn.
Chúng tôi không nhận thấy mức độ nghiêm trọng của bệnh gia tăng nhưng đây là điều quan trọng cần theo dõi”. GS. Fisher cho rằng virus Corona sẽ phát triển liên tục, nên quá trình khám phá các biến thể mới này sẽ không bao giờ kết thúc ngay cả sau khi Covid-19 thực sự trở thành bệnh đặc hữu.
Đó cũng là nhận định của PGS. Alex Cook tại Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS), với ý kiến bổ sung rằng việc phát hiện ra các biến thể phụ này đã nằm trong dự kiến và các biến thể phụ mới sẽ tiếp tục được tìm thấy. Theo PGS. Cook, các làn sóng Covid-19 trong tương lai sẽ xảy ra do khả năng miễn dịch của con người giảm khi khả năng bảo vệ suy yếu theo thời gian, hoặc do sự đột biến của virus thành các dạng mà nhiều người không có khả năng miễn dịch.
Tuy nhiên, ngay cả khi khả năng miễn dịch đối với việc nhiễm virus giảm, khả năng bảo vệ chống lại bệnh nặng cũng giảm ở mức độ thấp, do đó trừ khi hệ thống chăm sóc y tế quá tải, không cần đến các biện pháp gây rối loạn xã hội như đã tiến hành 2 năm qua.
Tại Singapore, số lượng bệnh nhân nhập viện cần bổ sung oxy hoặc chăm sóc đặc biệt không tăng đột biến trong nhiều tháng qua dù các hạn chế đã được nới lỏng. Do đó, quan tâm sắp tới của đảo Sư tử sẽ là tăng cường đi lại giữa các nước để phát triển giao thương và du lịch. Trong tuyên bố vào ngày 17-5 vừa qua, bộ trưởng giao thông của 7 quốc gia ASEAN là Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Campuchia và Brunei, đã cam kết hợp tác chặt chẽ để khẩn trương xây dựng lại và khôi phục hoạt động đi lại bằng đường hàng không.
Theo đó, các quốc gia tạo điều kiện thuận lợi cho việc công nhận lẫn nhau giấy chứng nhận sức khỏe Covid-19 và phát triển một thị trường hàng không chung. Tuyên bố cũng đề nghị các nước dung hòa các biện pháp an toàn và sức khỏe cộng đồng liên quan đến hàng không, hợp tác nhiều hơn về các thực hành bền vững như công nghệ mới thân thiện với môi trường…
Theo ông Brendan Sobie, nhà sáng lập của Sobie Aviation, một công ty tư vấn và phân tích độc lập có trụ sở tại Singapore chuyên hoạt động trong lĩnh vực hàng không, sân bay và hàng không vũ trụ, lưu lượng hành khách nội khối ASEAN hiện đang tăng nhanh vì tất cả biên giới đã được mở và hầu như tất cả yêu cầu xét nghiệm Covid-19 được dỡ bỏ. Tuy nhiên, ASEAN vẫn còn chậm chạp trong việc giải quyết vấn đề công nhận vaccine dù đã đạt được một số tiến triển.
Với riêng bản thân tôi, chuyến công tác vừa rồi là khởi đầu mới và những chuyến đi sắp tới sẽ rất thoải mái khi không phải làm xét nghiệm Covid-19. Sân bay Changi và Tân Sơn Nhất sẽ nhộn nhịp hơn với những lời chào hỏi, bắt tay tràn trề hy vọng và lạc quan cho những quan hệ đối tác hay thân hữu cũ mới. Trong lúc chờ đợi một tuyên bố chính thức cho cho dấu chấm hết của đại dịch Covid-19, con người vẫn nên đeo khẩu trang như thói quen lành mạnh trong bối cảnh vẫn tiếp tục đối đầu với nhiều vấn nạn môi trường và nguy cơ của nhiều căn bệnh truyền nhiễm khác.