Và nhất là môi trường tuyển dụng online, những câu hỏi có phần đánh đố của nhà tuyển dụng, cùng sự tự tin thái quá về bản thân khiến nhiều câu chuyện xin việc trở thành cuộc đấu khẩu giữa hai bên.
Kể lại câu chuyện trượt phỏng vấn của mình, Hồng Nhi (23 tuổi, nhân viên quảng cáo) cho hay: “Tôi tìm hiểu và đăng ký ứng tuyển trên mạng xã hội, bước phỏng vấn đầu tiên cũng đơn giản như bạn bè chat chít, tôi chỉ giới thiệu sơ qua bản thân. Tiếp đến là loạt câu hỏi phỏng vấn qua email, tôi xin vào vị trí nhân viên khai thác quảng cáo.
Có 20 câu hỏi thì không đầy một nửa hỏi về chuyên môn, số còn lại chủ yếu hỏi chuyện riêng tư không khác gì viết tự bạch. Và cuối cùng, tôi được phía công ty gọi điện thoại thông báo rớt vì trang cá nhân trên mạng xã hội của tôi không có lượt theo dõi, một lý do hoàn toàn không liên quan gì đến chuyên môn công việc. Tôi có viết email góp ý cách phỏng vấn thì họ chặn luôn liên lạc của tôi”.
Bạn trẻ cần rèn cho mình kỹ năng nói chuyện
trước đám đông để có thể tự tin hơn khi phỏng vấn xin việc.
trước đám đông để có thể tự tin hơn khi phỏng vấn xin việc.
Câu chuyện của Nhi không phải quá xa lạ trong thời buổi tuyển dụng online, chỉ cần vài cái quẹt, vuốt, lướt người ta đã có thể ứng tuyển vào vị trí mình mong muốn. Tuy nhiên, để trở thành nhân viên chính thức thì không đơn giản. Trong môi trường ứng tuyển online, ngoài thông tin liên lạc cá nhân thì hồ sơ trên mạng xã hội cũng là một yếu tố để đánh giá.
Nhiều công việc như nhân viên tiếp thị, nhân viên quảng cáo, nhân viên bán hàng, người mẫu bán quần áo, mỹ phẩm… được nhiều nơi tuyển dụng thông qua các hồ sơ cá nhân trên mạng xã hội. “Ban đầu, lúc trang cá nhân còn chưa được chăm chút, tôi đi xin việc ai cũng lắc đầu dù ngoại hình phù hợp. Bây giờ lượt theo dõi đông, tôi được quyền thỏa thuận lương theo yêu cầu chứ không chịu lép vế nữa”, Anh Đào (24 tuổi, người mẫu tự do) kể.
Tuy nhiên, cũng không ít người trẻ vừa mới tốt nghiệp bị trượt phỏng vấn vì những lý do khá trời ơi, chủ yếu rơi vào những ứng xử căn bản. Hai lần rớt phỏng vấn, Tấn Đạt (24 tuổi, chuyên ngành luật kinh tế) kể: “Lầu đầu tiên tôi đi phỏng vấn khá dễ dàng, chỗ tuyển dụng chỉ hỏi những câu cơ bản, còn lại họ để mình tự nói về bản thân. Lần thứ hai tôi rớt phỏng vấn vì tới trễ khoảng 5 phút và quên tắt chuông điện thoại khi đang trong phòng phỏng vấn. Sau hai lần đó, tôi rút kinh nghiệm đừng nói quá nhiều về điều bản thân mình mong muốn mà hãy nói điều nhà tuyển dụng muốn. Và tác phong khi đi xin việc phải thật nghiêm túc, ngoài học vấn chuyên môn thì cần phải có hình ảnh bên ngoài thật chuyên nghiệp nữa”.
Trước khi đòi hỏi một mức lương hấp dẫn từ nhà tuyển dụng, người trẻ khi ứng tuyển trước hết phải chứng minh được năng lực của bản thân xứng đáng để nhận mức thù lao đó, hơn là việc đặt ra những đòi hỏi này nọ. “Nhiều bạn trẻ trượt phỏng vấn thường là do các lỗi ứng xử, như tới trễ, ăn mặc không nghiêm túc, hoặc đòi hỏi mức lương quá cao khi bản thân còn chưa đáp ứng đủ các bằng cấp Anh văn hay tin học đi kèm.
Và đặc biệt, các bạn mới ra trường cũng nên rèn tính tự tin trong giao tiếp để trả lời phỏng vấn thật lưu loát. Nhiều nơi tuyển dụng thường có những câu hỏi mẹo để người xin việc tự nói về bản thân. Cần lưu ý với những câu hỏi này, nên giới thiệu vừa đủ và vừa phải tránh nói nhiều về bản thân mình; cần phải nói được điều mà công ty, doanh nghiệp tuyển dụng đang cần. Vì vậy, trước khi nộp hồ sơ cần phải tìm hiểu rõ về công ty hay doanh nghiệp mà mình sắp ứng tuyển, đó cũng là bí quyết khi đi phỏng vấn”, chị Trần Huỳnh Bảo Ngọc (Trưởng phòng nhân sự một công ty mỹ phẩm ở quận 7) chia sẻ.