Trong đó, nổi bật nhất là những năm gần đây, đội ngũ IR của các công ty trên toàn cầu đang tập trung vào việc giữ mối liên hệ chặt chẽ với các nhà đầu tư hiện hữu, trong khi dành ít thời gian hơn cho việc phát triển các mối quan hệ mới.
Các ưu tiên hàng đầu của hoạt động IR
Mục tiêu hàng đầu đối với hoạt động IR của các công ty trên toàn cầu tiếp tục là mở rộng hoặc nâng cao hơn nữa sự gắn kết với các cổ đông hiện hữu, dù tỷ lệ các công ty lựa chọn ưu tiên này có giảm đi so với báo cáo trước đó. Đáng chú ý, dù 3 trong 4 mục tiêu hàng đầu có liên quan tới các cổ đông, con số các công ty nhấn mạnh tới việc tạo sự gắn kết với cổ đông đều giảm tại cả 4 mục tiêu này.
Đây có thể là chỉ báo cho xu hướng sắp tới: sau một giai đoạn tập trung đặc biệt để giải quyết cuộc khủng hoảng với cổ đông trong giai đoạn kinh tế đi xuống, các công ty đã phần nào nâng cao được sức mạnh tài chính cũng như trở nên gắn bó hơn với cổ đông hiện hữu của mình. Do đó, các công ty bắt đầu đầu tư nhiều thời gian hơn vào các hoạt động IR khác như củng cố mối quan hệ với các chuyên gia, xây dựng cái nhìn tích cực hơn đối với quản trị và làm vững mạnh bộ phận IR.
Bên cạnh đó, dù mục tiêu nâng cao sở hữu của nhà đầu tư ngoài giảm thứ bậc trên toàn cầu, đây vẫn là yếu tố được ưu tiên hàng đầu tại một số khu vực, trong đó cao nhất là tại Trung Đông (61%), châu Phi (56%) và các nền kinh tế mới nổi châu Á (42%).
Một xu hướng đã hình thành trong 5 năm qua là việc giảm sử dụng phương pháp đánh giá dựa trên sự liên quan của giá cổ phiếu và mức độ hiệu quả của hoạt động IR. Nếu như năm 2010, 42% số công ty tham gia nghiên cứu sử dụng và cho rằng phương pháp này là yếu tố quan trọng để đánh giá hiệu quả IR, thì tới nay chỉ còn 33%.
Tối đa hóa nguồn lực
Số lượng nhân sự thuộc đội ngũ IR của các công ty hiện trung bình ở mức 3,2 người, trong đó 2,1 chuyên gia và 1,1 là nhân viên hỗ trợ. Con số này đã giảm so với mức 3,7 người vào báo cáo gần nhất năm 2013. Tuy nhiên, số năm kinh nghiệm của nhân sự IR lại tăng vọt lên 9,5 năm, so với 7,4 năm.
Hiện tại, 96% công ty vẫn tự tin cho rằng, họ hoàn thành các chức năng IR với đội ngũ nhân sự nội bộ, tuy nhiên, với một số hoạt động IR nhất định, việc thuê ngoài đã trở nên thông dụng hơn. Điển hình là các hoạt động: quan hệ truyền thông, sản xuất báo cáo thường niên, tổ chức roadshows, nghiên cứu suy nghĩ của cổ đông/nhà đầu tư…
Xu hướng này phần nào được thể hiện trong chi phí dành cho hoạt động IR. Theo đó, chi phí dành cho các hoạt động IR thuê ngoài tăng từ 16% lên 23,9%.
Mở ra các cam kết
Bộ phận IR tại mỗi công ty tự chọn ra các yếu tố được cho là hấp dẫn nhất đối với đối tượng nhà đầu tư mục tiêu của mình. Các yếu tố này đã có sự thay đổi lớn trong thời gian qua. Nếu như trước đây, yếu tố “nhà đầu tư trong khu vực” ở vị trí cao nhất thì hiện tại, ngôi vị này thuộc về “Phong cách đầu tư”.
Mặc dù số lượng các công ty không có mục tiêu thu hút nhà đầu tư đã giảm từ mức 10,2% năm 2013 xuống còn 8,8% năm 2016, nhưng đáng ngạc nhiên là điều này đồng nghĩa với việc, gần 1 trong số 10 công ty trên thế giới báo cáo rằng, họ không nhắm vào đối tượng nhà đầu tư nào.
Một xu hướng không thể bỏ qua là các công ty ngày càng nhắm tới đối tượng quỹ lợi ích quốc gia (Sovereign Wealth Funds) và tập trung nhiều hoạt động để thu hút đối tượng nhà đầu tư này.
Trong số các phương tiện để thu hút nhà đầu tư, việc sử dụng truyền thông xã hội là phương thức ngày càng phổ biến trong 5 năm qua. Các phương thức phổ biến bậc nhất là các hoạt động IR thông qua Twitter/Facebook/StockTwits và các ứng dụng IR trên điện thoại, máy tính bảng.
Mặc dù hiện tại, trên thế giới chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp sử dụng phương pháp này, đây vẫn là bước tiến lớn so với con số 9% trước đó.
Theo các chuyên gia, những doanh nghiệp không sử dụng truyền thông xã hội để thực hiện công tác IR thường là doanh nghiệp thiếu nhu cầu tìm nhà đầu tư, không có khả năng kiểm soát các thông điệp hoặc thiếu sự hỗ trợ của người quản lý.
Hiện tại, hơn một nửa số doanh nghiệp vốn hóa rất lớn sử dụng mạng xã hội trong hoạt động IR (56%), con số này với doanh nghiệp nhỏ là 26%.
Thúc đẩy tính minh bạch
Một trong những hoạt động quan trọng của công tác IR là liên kết bộ máy lãnh đạo của công ty với cộng đồng đầu tư. Khả năng cùng tần suất cung cấp thông tin của đội ngũ IR cho cả 2 bên: lãnh đạo công ty và nhà đầu tư được thị trường nhìn nhận là thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động và mức độ minh bạch của doanh nghiệp.
Về phía lãnh đạo công ty, các thông tin thị trường chính mà đội ngũ IR cung cấp cho giám đốc điều hành, giám đốc tài chính là phản hồi từ cộng đồng đầu tư, các bản đánh giá do đội ngũ IR thực hiện.
Trong khi đó, các chủ đề chính mà nhà đầu tư muốn được trao đổi trực tiếp với đội ngũ lãnh đạo công ty là chiến lược hoạt động, tình hình quản trị, thay đổi nhân sự.
Đáng chú ý, trong 5 năm qua, số lượng các công ty công bố các chính sách thông thường đã tăng lên hơn 80% so với mức 62% năm 2013. Hiện tại, gần một nửa các công ty công bố chính sách trên phương tiện truyền thông xã hội (49%), so với mức 42% vào năm đầu tiên vấn đề này được báo cáo đề cập tới (2012).
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có xu hướng ngày càng để tâm tới việc công bố các chiến lược liên quan tới quản trị doanh nghiệp với những nhà đầu tư tiềm năng. Trong đó, các yếu tố chính được công bố bào gồm: thành phần hội đồng quản trị (76%); minh bạch và công bố thông tin (71%) và chế độ lương thưởng (60%).