Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, XK cá ngừ của Việt Nam sang Trung Đông trong những tháng gần đây có xu hướng ngày càng giảm sâu. Tính lũy kế 9 tháng đầu năm nay, XK cá ngừ của Việt Nam sang Trung Đông đạt gần 56 triệu USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022.
Trung Đông hiện đang là khối thị trường NK cá ngừ lớn thứ 4 của Việt Nam sau Mỹ, EU và CPTPP. Cụ thể, sau khi thu hẹp mức giảm trong quý II, XK cá ngừ của Việt Nam sang Trung Đông có xu hướng giảm sâu hơn trong quý III. Hiện XK sang Israel, nước đứng đầu về NK cá ngừ tại khối thị trường này, cũng đã có xu hướng sụt giảm liên tục trong 3 tháng qua. Tuy nhiên, nhờ sự tăng trưởng tốt trong nửa đầu năm nên tính đến hết tháng 9, XK cá ngừ sang thị trường này vẫn tăng 36% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, XK sang 2 thị trường chính khác là Ai Cập và Arập Xêut lại sụt giảm liên tục. Tính đến hết tháng 9, XK cá ngừ sang 2 thị trường này giảm lần lượt là 68% và 83%.
Theo các DN, sở dĩ giá trị nhập khẩu thủy sản tại một số nước trong khu vực Trung Đông giảm là do những nước này xảy ra nội chiến nên các nhà xuất khẩu của nhiều nước trên thế giới có thể đã rất dè chừng khi đưa hàng vào các thị trường này.
Theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), hiện các quốc gia dù giàu hay nghèo chỉ mới bắt đầu thở phào sau ba năm liền hứng chịu cú sốc kinh tế của đại dịch COVID-19 và tình hình chiến sự ở Ukraine. Làn sóng lạm phát nhức nhối đã giảm, giá dầu ổn định và tránh được các cuộc suy thoái như dự đoán. Các thị trường NK thủy sản đang từng bước phục hồi.
Tuy nhiên, với cú sốc năng lượng lần thứ 2 trong năm nay, do ảnh hưởng của cuộc chiến tại dải Gaza, giá dầu và khí đốt sẽ lại leo thang. Tình trạng tăng giá đó không chỉ làm giảm sức mua sắm của các gia đình và doanh nghiệp, mà còn đẩy chi phí sản xuất lương thực lên cao, cũng như làm tăng thêm tình trạng mất an ninh lương thực.
VASEP nhận định, hoạt động XK không chỉ cá ngừ và các sản phẩm thủy sản khác sang khối thị trường Trung Đông cũng sẽ bị ảnh hưởng.