Theo báo cáo của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu (XK) tháng 9-2015 ước đạt 14,2 tỷ USD, giảm 1,2% so với tháng 8 và tăng 12,8% so với tháng 9-2014.
Tính chung 9 tháng, kim ngạch XK ước đạt 120,7 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2014. Tuy nhiên, trong đó kim ngạch XK của DN trong nước đạt 35,49 tỷ USD, giảm 2,7% so với cùng kỳ; DN FDI (kể cả dầu thô) đạt 85,21 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ. Khối DN FDI tiếp tục vị trí dẫn đầu tạo giá trị XK, tỷ trọng ngày càng tăng.
Sự sụt giảm nghiêm trọng thị phần XK của khối DN trong nước chủ yếu từ ngành nông sản, thủy sản chủ lực đang khiến nhiều DN lo lắng. Hiện kim ngạch XK 9 tháng của nhóm ngành hàng này chỉ đạt 15,14 tỷ USD, chiếm 12,5% tổng kim ngạch XK, giảm 9,9% so cùng kỳ năm 2014.
Nguyên nhân do nguồn cung các nước XK dồi dào, tạo cạnh tranh gay gắt trên thị trường. Ngoài ra, đồng USD lên giá so với đồng tiền của những đối thủ như Ấn Độ (đối với tôm), Brazil (cà phê)… đã tạo thêm sức ép cạnh tranh đối với nông, thủy sản XK của Việt Nam.
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, 9 tháng năm 2015 kim ngạch XK cao su giảm 11,6% so với cùng kỳ do giá cao su trên thị trường thế giới giảm sâu. Bên cạnh những khó khăn về thuế, hoàn thuế, các DN cao su đang phải đối mặt áp lực cạnh tranh về chất lượng sản phẩm XK ngày càng gay gắt.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, cho biết dù đã sắp bước vào vụ mới nhưng lượng cà phê tồn kho vẫn chiếm đến 1/3 tổng lượng cà phê XK, do giá cà phê của Brazil giảm mạnh 70% và ồ ạt bán hàng ra.
Một số thị trường như Singapore, Dubai, Trung Quốc đang mang tính đầu cơ. Khi nguồn cung thiếu hụt các nước này sẵn sàng phá giá để ồ ạt mua hàng của Việt Nam. Tuy nhiên, các nước này thường mua theo hình thức trả chậm hoặc thanh toán sau, nên khi lượng tồn kho quá lớn họ sẽ ép giá, hoặc tìm cách trả lại hàng dẫn đến rủi ro cho DN. Trong khi đó, một số thị trường khác tuy có tiềm năng như Nga, Ai Cập lại gặp khó khăn về vấn đề thanh toán nên DN chưa khai thác được.
Trước những khó khăn của DN, ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết bộ đã thành lập tổ công tác liên ngành chuyên hỗ trợ DN phát triển XK, đồng thời đẩy mạnh tháo gỡ vướng mắc thuế giá trị gia tăng cho ngành hàng nông nghiệp XK, tăng cường hoạt động xúc tiến cho những ngành hàng, thị trường có nhu cầu cao hơn.
Vì vậy, ngoài tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, sự hỗ trợ của hiệp hội, DN cũng cần kết nối với cơ quan quản lý để tạo nguồn cơ sở dữ liệu thông tin đầy đủ và tận dụng các ưu đãi trong các FTA để khai thác cơ hội từ các thị trường.