Xuất nhập khẩu năm 2024 liệu có đổi vận?

(ĐTTCO) - Sau 7 năm liền (2016-2022) xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam đều tăng, nhưng tới 2023 cả 2 cùng sút giảm. Năm 2024, quyết tâm tăng xuất khẩu 6% so với 2023 đã có kịch bản với các lớp lang.

Xuất nhập khẩu năm 2024 liệu có đổi vận?

2023 ngành nông nghiệp có 4 nhóm hàng xuất khẩu (XK) thì 3 nhóm sụt, duy nhất nhóm nông, thủy sản tăng trưởng, nổi bật là gạo, rau quả. Tuy vậy phải khiêm nhường rằng thành công đó có chút may mắn.

Cung cầu gạo toàn cầu căng thẳng khác thường, XK gạo của ta có thời điểm “một mình một chợ”. Rau quả được mùa, cửa khẩu Trung Quốc thông thoáng, xe tải nặng hàng rồng rắn ăn đợi nằm chờ nơi biên ải. Song vẫn chủ yếu XK bằng hàng tươi sống, nguồn lực và cơ sở hạ tầng còn bất cập, đòi hỏi từ phía nhà nập khẩu (NK) vẫn chặt chẽ.

Về kim ngạch, XK thủy sản đứng đầu nhóm này sụt 17,8%. Thẻ vàng IUU vẫn lơ lửng, vào EU còn chịu trận. Cà phê, cao su, hạt tiêu, hạt điều… giá cả trồi sụt, nhu cầu thăng hạ như diều đói gió, chất lượng chưa lột xác, diện tích trồng cây không thể tăng, còn bị xà xẻo bởi các dự án phi nông nghiệp.

Không ít làng quê gần hết đất ruộng, bơ gạo, mớ rau, vạt tép, cua đồng phải…. ra chợ. Vì thế không dễ gì năm 2024 nhóm hàng này tăng đột biến. Hơn nữa, nếu muốn XK tăng như nhịp độ 2023, cũng chỉ có 2 tỷ USD, không khuynh đảo tổng kim ngạch XK.

Muốn nên chuyện phải nhằm vào “quả đấm thép”, đó là nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 85% tổng kim ngạch XK. Năm 2023 chỉ với 5 mặt hàng chủ đạo sụt so với 2022 là gỗ, dệt may, da giày, điện thoại, máy móc dụng cụ đã tới 18,5 tỷ USD.

Vậy 2024 muốn nhóm này tăng chí ít 5 tên tuổi trên phải quay lại mức 2022, cùng các mặt hàng khác phải nguyên vị. Có lẽ lượng đoán được viễn cảnh đó, các nhà hoạch định dù muốn nhóm này tăng 6,1% so với 2023, nhưng kim ngạch thực ra chỉ nhỉnh 800 triệu USD so với 2022. Suy tính đơn giản song vào cuộc không giản đơn vì thiếu đơn hàng vẫn là nỗi lo dai dẳng.

Nhóm nhiên liệu khoáng sản trù tính tăng 400 triệu USD song lại thua năm 2022 cũng 400 triệu USD. Thế là thức thời, đào càng sâu, bới càng xa, càng khó. Sự nhọc nhằn về thị trường XK vẫn đeo bám, nên cũng dè dặt khi đặt mục tiêu XK, nhất là với khách hàng số 1 là Mỹ năm 2024 hơn năm 2023 nhưng chưa bằng 2022. Vì thế, năm 2024, chưa thể đột biến, mong XK được 375,8 tỷ USD, vừa vặn tăng 6%, nhưng hơn 2022 không đáng kể.

Về NK, năm 2024 kịch bản không đặt mục tiêu như với XK song lại muốn duy trì xuất siêu (dự kiến 15 tỷ USD). Dự định này không vì sản xuất không thể ”tiêu hóa” mà vẫn ngay ngáy, không tự quyết nguồn hàng NK. Bởi nhóm cần kiểm soát NK, dù muốn gò theo định hướng nhưng vẫn buộc phải tăng vì nền kinh tế có độ mở lớn, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh có hạn, hàng ngoại vẫn ào ạt vào. Hàng nội dù được cưng chiều song vẫn bị hàng ngoại lấn sân. Gần Tết Giáp Thìn, nhiều dãy phố trưng hàng ngoại xịn, đồ trang trí NK nhấp nháy sáng đêm.

Trung Quốc vẫn là khách hàng NK số 1, trù tính NK từ thị trường này tăng so với 2022 và 2023. Họ rộng cửa cho hàng ta lẽ nào hẹp lòng với hàng bên nớ và không chỉ là hàng Made in Chine, mà nhiều thứ khác đội thương hiệu lừng danh thiên hạ đều là đồng hương.

Như vậy, NK dự liệu 360,8 tỷ USD tăng so với 2023, hơn 2022 chút đỉnh, xuất siêu cả năm vừa vặn 15 tỷ USD. Năm 2022, XNK lần dầu tiên vượt mốc 700 tỷ USD, sang 2023 tụt dưới mốc đó, thành thử 2024 dự định 736,6 tỷ USD, thực ra là vượt lại chính mốc…700 tỷ USD.

Tấm màn nhung năm mới vừa vén đã rộ tình hình Biển Đỏ, giá cước vận tải biển có thể tăng đột biến, sớm muộn sẽ va đập đến XNK của ta. Dù vậy cũng đã có tín hiệu tích cực từ đơn hàng mới, tuyển dụng lao động. Năm 2023 từng diễn biến trái chiều, rồi cũng lắm giải pháp, song kết cục đã rõ.

Vì vậy, không nên đề thêm giải pháp, cũng chẳng cần các khuyến nghị chỉ dạy phải làm thế này, thế kia. Bởi DN dù chưa hẳn dạn dày với bão tố thương trường nhưng biết tự cứu mình trước, không thể ngồi “chờ sung”.

Các tin khác