Xuất siêu: Chưa nên mừng!

Số liệu thống kê vừa được Tổng cục Hải quan công bố cho thấy 7 tháng năm 2012, nước ta xuất siêu 88 triệu USD, không phải là nhập siêu 58 triệu USD như ước tính trước đó của Tổng cục Thống kê.

Như vậy, lần đầu đầu tiên trong nhiều năm qua, nước ta quay lại trạng thái xuất siêu sau khi nhập siêu 160 triệu USD trong 6 tháng đầu năm (quý I xuất siêu khoảng 224 triệu USD, quý II nhập siêu khoảng 384 triệu USD).

Cân bằng cán cân thương mại là chỉ tiêu vĩ mô mà nhiều nước đều cố gắng đạt tới, chưa kể đến mục tiêu tham vọng hơn là xuất siêu. Về lý thuyết, xuất siêu là yếu tố quan trọng để ổn định tỷ giá, tăng dự trữ ngoại hối, bảo đảm nền tảng vĩ mô bền vững trong phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, trạng thái xuất siêu nhẹ trong 7 tháng qua của nền kinh tế lại có nhiều yếu tố bất thường. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải, có một thực tế đang diễn ra trong những tháng đầu năm 2012 là nhập khẩu giảm nhưng lại rơi vào nhóm các sản phẩm trang thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu.

Điều này được dự báo sẽ ngấm dần và ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình sản xuất kinh doanh và xuất khẩu thời gian tới. Vì thế, nhập siêu thấp hay xuất siêu nhẹ cũng đang đặt ra nhiều lo ngại. Trên thực tế, muốn xuất khẩu được đòi hỏi phải nhập khẩu nhiều, bởi trong cơ cấu sản xuất trong nước hiện nay, nhiều mặt hàng xuất khẩu phụ thuộc vào nguyên liệu nhập từ nước ngoài.

Tình trạng xuất siêu vào tháng 7 báo hiệu các doanh nghiệp không ký được đơn hàng cho quý III và quý IV năm nay, chứ không phải do thay đổi được cơ cấu sản xuất, trình độ công nghệ. Nguyên vật liệu nhập ít chứng tỏ sự trì trệ trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý III và quý IV rất nặng nề.

Điều này cũng báo hiệu xuất khẩu vào quý III, quý IV không khả quan. Nghĩa là, thay vì trở thành một tin mừng, xuất siêu lại là một tín hiệu cho thấy sự ngưng trệ và đình đốn sản xuất trong nước tiếp tục diễn ra.

Thực tế trên cho thấy, bên cạnh việc có các giải pháp tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh trong nước, việc gia tăng xuất khẩu trong những tháng cuối năm cũng là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Cần xác định trạng thái xuất siêu trong 7 tháng qua là bất thường và không bền vững, nhập siêu vẫn đang là “căn bệnh kinh niên” cần sớm có phương thuốc chữa trị dứt điểm.

Muốn vậy, phải nhìn nhận nhập siêu ở 2 góc độ. Nếu việc nhập khẩu gắn với thiết bị máy móc, đầu vào sản xuất  góp phần tạo ra năng lực sản xuất có hiệu quả, sẽ thể hiện triển vọng phát triển. Ngược lại, sẽ là đáng lo nếu nhập khẩu liên quan đến máy móc, vật tư cho nhiều ngành có hàm lượng vốn cao hay thay thế nhập khẩu nhưng tính cạnh tranh yếu.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc phải có sự phân tích thấu đáo, cụ thể về cơ cấu các mặt hàng nhập khẩu. Trên cơ sở đó, sẽ có biện pháp điều chỉnh cơ cấu đầu tư, sản xuất trong nước sao cho hợp lý để nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa trong nước. Có một thực tế là Việt Nam thường nhập siêu ở thị trường Trung Quốc và ASEAN, còn xuất siêu sang Hoa Kỳ, châu Âu.

Điều này có nghĩa chúng ta xuất khẩu hàng tiêu dùng là chủ yếu, nhưng lại không nhập được thiết bị công nghệ tiên tiến ở các thị trường Hoa Kỳ, châu Âu, mà nhập chủ yếu nguyên liệu đầu vào, trang thiết bị của thị trường gần, đặc biệt là Trung Quốc. Căn cứ vào tiêu chí hiệu quả để xem xét, đây là một thực tế bất hợp lý cần sớm được giải quyết, trước hết là định hướng thay đổi từ chính sách.

Nhìn vào cơ cấu từng mặt hàng, có thể thấy những mặt hàng xuất khẩu lớn, chủ yếu đều phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu đầu vào như dệt may, giày dép...

Các mặt hàng này thường xuất khẩu trên 10 tỷ USD/năm nhưng hơn 80% nguyên liệu phụ thuộc vào thị trường nước ngoài.

Vì thế, vấn đề cốt tử để giải quyết bài toán nhập siêu là phát triển công nghiệp nguyên liệu và công nghiệp phụ trợ khi chúng ta chưa đủ sức “khép kín” tất cả quy trình sản xuất, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu. Xuất khẩu cần tập trung vào các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, phát triển các mặt hàng có tiềm năng thành những mặt hàng chủ lực, ưu tiên là các mặt hàng công nghệ cao, có giá trị lớn để giảm dần xuất khẩu thô.

Các tin khác