Đông đảo người dân chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trước Nhà tang lễ Quốc gia
Đợi chờ từ sáng đến hơn 12 giờ trưa, người dân vẫn đứng đợi bên ngoài cổng nhà tang lễ, dường như không ai muốn rời đi. Nhiều người ăn tạm thức ăn khô mang theo, tiếp tục chờ đến cuối giờ chiều để có thể vào viếng Tổng Bí thư.
Chị Phạm Thùy Linh, ngụ ở TP Kon Tum
Chị Phạm Thùy Linh, 54 tuổi, ngụ TP Kon Tum ra Hà Nội công tác cả tuần nay. Chị cho biết: “Công việc xong cách đây vài ngày, lẽ ra tôi về luôn, nhưng nhận được tin Tổng Bí thư từ trần, tôi ở lại chờ viếng bác. Tôi đến đây từ sớm, dù biết cuối chiều mới được vào viếng nhưng cứ chờ ở đây. Không chỉ tôi mà nhiều người dân ở các tỉnh, thành xa cũng lặn lội về đây”.
Chị Linh chia sẻ, bản thân dành tình cảm đặc biệt cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vì đó là một lãnh đạo rất bình dị, gần gũi với dân, khiến mỗi người dân đều yêu mến. “Bác Trọng là một nhà lãnh đạo liêm chính, người dân chúng tôi yêu quý bác vô cùng”, chị Linh nói.
Từ xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, chị Huệ bắt chuyến xe đêm 24-7 và đến nhà tang lễ lúc 6 giờ sáng nay (25-7). Theo nữ công nhân này, vì rất yêu quý Tổng Bí thư, dành tình cảm đặc biệt cho ông, nên dù xa xôi nhưng chị vẫn một mình lặn lội ra Hà Nội, để hòa vào dòng người thắp nén tâm nhang tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Bà Hoàng Thị Thanh và nhiều người dân chờ xuyên trưa để được viếng Tổng Bí thư
Ăn vội chiếc bánh mì, bà Hoàng Thị Thanh, năm nay đã 67 tuổi, quê ở Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội cũng đến cổng nhà tang lễ từ sáng nay. Bà tâm sự: “Các chiến sĩ cảnh vệ chưa cho người dân vào viếng nên tôi vẫn đợi. Hồi lễ tang bác Giáp (Võ Nguyên Giáp - PV), tôi cũng xếp hàng mấy con phố để vào viếng. Hôm nay, tôi cũng đợi ở đây, hy vọng sẽ đến lượt viếng bác Tổng Bí thư, vì sợ ngày mai sẽ đông hơn”.
Anh Nguyễn Thừa Thể, Cẩm Quang, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh
Anh Nguyễn Thừa Thể, ở Cẩm Quang, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, khi nhận tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, anh rất buồn và cảm thấy mất mát.
Thao thức suốt đêm, cha con anh Thể cùng mẹ con một người bạn bắt xe từ Hà Tĩnh vào lúc 21 giờ ngày 24-7, để 4 giờ hôm nay có mặt ở Hà Nội. Sau khi tìm được chỗ trọ cho các con lúc giữa trưa, anh và người bạn quyết định bắt xe ôm đến thẳng địa chỉ Nhà tang lễ Quốc gia, mong được vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
“Nhưng đến đây mới biết là tới 18 giờ người dân mới được vào viếng. Cũng như bao người, với tôi, Tổng Bí thư như người cha, nên tôi mong muốn được ra tận nơi, thắp một nén hương tiễn biệt ông!”, anh Thể chia sẻ.
Chị Nông Thị Thảo không cầm được nước mắt khi nói về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Chị Nông Thị Thảo, dân tộc Tày, ở tỉnh Tuyên Quang cũng bắt xe khách xuống Hà Nội từ sáng sớm, với mong muốn được vào thắp hương đưa tiễn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Gạt dòng nước mắt lăn dài trên má, chị Thảo cho biết, như bao người dân Việt Nam, chị yêu thương và mong được về Hà Nội để viếng Tổng Bí thư. Biết lịch viếng dành cho nhân dân bắt đầu vào chiều muộn, sợ khi đó không còn xe trở về lại Tuyên Quang, chị Thảo quyết đội nắng, đợi cả trưa với hy vọng, biết đâu ban tổ chức linh động, tranh thủ giờ nghỉ trưa cho nhân dân vào viếng, nếu không thì việc ngồi ở nơi này cũng đã ấm lòng, vì cảm giác được gần Tổng Bí thư hơn…
Những tình cảm đặc biệt mà người dân cả nước dành cho Tổng Bí thư trong ngày Quốc tang, càng khắc họa sâu sắc tầm vóc nhà lãnh đạo đã có nhiều công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.