Nasdaq lần đầu vượt mức 17,000 điểm
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số Nasdaq Composite tiến 0.59% lên 17,019.88 điểm, ghi nhận lần đầu tiên vượt mức 17,000 điểm. Chỉ số này được hỗ trợ bởi đà tăng hơn 7% của cổ phiếu Nvidia.
Chỉ số S&P 500 nhích 0.02% lên 5,306.04 điểm. Trong khi, chỉ số Dow Jones trượt dài 216.73 điểm, tương đương 0.55%, còn 38,852.86 điểm.
Trong khi đà leo dốc của cổ phiếu Nvidia che đậy những rắc rối trên thị trường chung, thì chỉ số Dow Jones bị áp lực bởi đà sụt giảm của Merck và các cổ phiếu y tế khác. Trong khi đó, có hơn 350 cổ phiếu thuộc S&P 500 chìm trong sắc đỏ trong phiên hôm thứ Ba. Các lĩnh vực y tế, công nghiệp và tài chính thuộc S&P 500 đều giảm hơn 1%.
Một cuộc đấu giá trái phiếu Chính phủ Mỹ cùng với nhu cầu suy yếu đã đẩy lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt mức quan trọng 4.5%. Chứng khoán Mỹ đã gặp khó khăn gần đây khi lãi suất vượt mốc này. Chứng khoán Mỹ bỗng chốc rớt xuống mức thấp nhất trong phiên khi lợi suất tăng, với Dow Jones giảm hơn 300 điểm trước khi phục hồi.
Cũng trong ngày thứ Ba, Chủ tịch Fed khu vực Minneapolis, Neel Kashkari, cho biết ông muốn thấy dữ liệu trong “nhiều tháng nữa” cho thấy lạm phát đang giảm trước khi hạ lãi suất. Ông Kashkari cũng cho biết ông sẽ không loại trừ khả năng nâng lãi suất thêm nếu áp lực giá tăng trở lại.
Biến động trong phiên hôm thứ Ba diễn ra gần cuối một tháng đầy mạnh mẽ, với cả 3 chỉ số chính đều ghi nhận mức cao kỷ lục mới trong tháng 5. Dữ liệu lạm phát yếu hơn vào đầu tháng này và các báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp hàng quý tốt hơn dự báo đã thúc đẩy tâm lý thị trường, với dự báo trước đó cho thấy việc hạ lãi suất có thể đến sớm hơn. Từ đầu tháng 5 đến nay, Dow Jones tăng 2.7%, còn S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt vọt hơn 5% và 8%.
Sắp tới, nhà đầu tư đang chuẩn bị đón nhận báo cáo chi tiêu và thu nhập cá nhân, bao gồm chỉ số lạm phát PCE, tháng 4 dự kiến công bố vào ngày 31/05.
Dầu WTI tăng khi chờ cuộc họp của OPEC+
OPEC+ sẽ tổ chức một cuộc họp trực tuyến vào ngày 02/06 để xem xét chính sách sản lượng. Một số thành viên OPEC+ đang tự nguyện cắt giảm 2.2 triệu thùng/ngày để hỗ trợ giá dầu.
Chuyên gia phân tích Michael Hsueh của Deutsche Bank cho biết các quốc gia OPEC+ khó có thể tăng sản lượng do giá dầu Brent hiện tại gần mức 80 USD/thùng chứ không phải 90 USD/thùng.
Tamas Varga, Chuyên gia phân tích tại PVM kỳ vọng “sẽ không có thay đổi nào về sản lượng sắp tới” vì cuộc họp diễn ra trực tuyến.
Khép phiên, hợp đồng dầu WTI tiến 2.11 USD, tương đương 2.71%, lên 79.83 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent cộng 1.12 USD, tương đương 1.35%, lên 84.22 USD/thùng.
Deutsche Bank duy trì dự báo dầu Brent hiện tại đạt mức 83 USD/thùng trong quý 2 và 88 USD/thùng trong nửa cuối năm nay, nếu OPEC+ duy trì chính sách sản lượng vào ngày 02/06.
Tuy nhiên, áp lực sẽ tăng đối với nhóm này sau cuộc họp tháng 6 về việc tăng sản lượng, vốn điều này có thể khiến giá dầu Brent rớt mốc 80 USD/thùng.
Ả-rập Xê-út hiểu rằng việc duy trì mức giá mục tiêu cao hơn đáng kể so với mức hoà vốn 75 USD/thùng dối với ngành dầu mỏ nói chung của Mỹ là không bền vững trong dài hạn.