Ý thức, trách nhiệm cho dòng kênh xanh

(ĐTTCO) - Hơn 10 năm nay, người dân 2 bên dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TPHCM) rất hãnh diện với dòng kênh này. Họ gọi đó là dòng kênh xanh, mỗi sáng có hàng trăm người ra bờ kênh để tập thể dục và dạo mát quanh 2 bờ kênh.

Sau 1 tháng không thu gom, kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè đã ùn ứ hơn 100 tấn rác.
Sau 1 tháng không thu gom, kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè đã ùn ứ hơn 100 tấn rác.

Nhưng khoảng 1 tháng từ giữa tháng 2 đến giữa tháng 3 năm nay, không còn thấy người dân đi tập thể dục nữa, dân nhậu bớt hẳn bởi lý do mùi hôi thối bốc lên từ con kênh rất khó chịu. Khi trước mùi hôi cũng có nhưng không nhiều, và chỉ bốc mùi vào những lúc nước cạn đáy, nhưng nay quá sức chịu đựng bởi rác dồn ứ lại dày cả mét.

Người dân quanh 2 trục đường Trường Sa và Hoàng Sa “la toáng” lên, viết đơn phản ánh lên quận, thành phố và các báo chí. Họ đổ lỗi cho đơn vị nào đó vô trách nhiệm, hơn 1 tháng qua không cho người vớt rác nên rác bị ùn ứ lại.

Chuyện là Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM không dọn rác, vì chưa ký được hợp đồng mới, nên không có kinh phí hoạt động, không có tiền trả công và thuê máy móc. Ngày 10-3, công ty đã điều các ca nô cùng các thiết bị máy móc, nhân lực dọn rác trở lại trong tình trạng không thể kéo dài hơn được nữa, cho dù vẫn đang chờ ký hợp đồng mới, bởi sau 1 tháng lượng rác tồn đọng hơn 100 tấn.

Nếu kéo dài thêm, lượng rác sẽ nhiều thêm, công việc dọn rác sẽ rất khó khăn, hơn thế nữa báo chí cũng vào cuộc, lãnh đạo cũng nhắc nhở.

100 tấn rác trong 1 tháng trên đoạn kênh dài 8,7km, tính ra cứ mỗi 1km kênh có hơn 10 tấn rác thải. Câu hỏi là rác ấy ở đâu ra? Chắc không phải người dân sống ở Gò Vấp, Hóc Môn hay TP Thủ Đức đến đổ xuống, vì chẳng ai dại gì mà đi một quãng đường xa như thế để đổ rác. Nói thật lòng, sẽ có nhiều người không vui nhưng đó là sự thật rành rành.

Rác ấy là do chính người dân 2 bên con kênh bỏ xuống. Loại trừ bèo ra dường như tất cả các loại rác sinh hoạt, xây dựng đều hiện diện trên con kênh này. Rác loại nhỏ thì rau rác, thức ăn thừa, túi nilon, chai nhựa. Rác loại trung thì xác chó mèo, quần áo, thùng xốp. Rác lớn thì bàn ghế, giường tủ, nệm, loại không thể nào phân hủy là xà bần, bồn cầu…

Thực tế, dọc con kênh này có hàng ngàn hộ kinh doanh ăn uống, rất nhiều các chợ nằm ngay sát kênh như chợ Thị Nghè, chợ Nguyễn Văn Trỗi… cho nên con kênh hàng ngày phải hứng chịu một lượng rác khổng lồ sau một ngày được các tiểu thương “tống” xuống kênh.

Sống ở gần con kênh này, nên việc nhìn thấy nhiều người đi ra khỏi nhà “liệng” bịch rác xuống kênh một cách thản nhiên là chuyện thường ngày, còn các đồ cồng kềnh họ ném xuống vào nửa đêm hay gần sáng khi có ít người qua lại.

Các thành phố trên thế giới coi kênh rạch, hồ nước trong thành phố là lá phổi. Đây là tài sản quý báu cần nâng niu giữ gìn, bởi các con kênh này mang lại rất nhiều lợi ích. Nhờ mặt nước của kênh, khu vực xung quanh trở nên mát mẻ, dễ chịu; hệ thống kênh rạch là các ống dẫn thoát nước khi mưa và triều cường; kênh rạch đóng vai trò lớn trong việc tạo cảnh quan và mỹ quan đô thị phục vụ cho du lịch, sau nữa là các con kênh lớn tham gia vào giao thông đường thủy.

Nhiều thành phố đưa kênh thành điểm nhấn cảnh quan và du lịch hấp dẫn như ở Copenhaghen (Đan Mạch) có kênh Nyhavn, Paris (Pháp) có kênh Saint-Martin, Singapore có kênh Bukit Timah và kênh Rochor.

Hơn 10 năm sau cải tạo, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được coi là tương đối trong sạch, kênh đã có cá trở lại và chất lượng nước được cải thiện, người dân sinh hoạt bình thường dọc theo công viên 2 bên bờ kênh. Thế nhưng, sau vụ 100 tấn rác, dòng kênh này bộc lộ ra một sự thật là nếu không có công nhân dọn rác hàng ngày, nếu thành phố không ra hàng chục tỷ mỗi năm, nếu công nhân ngưng thu gom rác một tuần… kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè sẽ ngay lập tức trở thành dòng kênh thối.

Rõ ràng ý thức vệ sinh môi trường, bảo vệ con kênh của cộng đồng nói chung và một bộ phận dân cư sống bên 2 bờ kênh rất thấp. Không biết từ bao giờ người dân mặc nhiên coi kênh rạch là thùng rác, bãi rác của nhà mình. Họ có suy nghĩ là cứ ném rác xuống kênh nhất định sẽ có người dọn, thậm chí ném cả một bộ sô pha hỏng xuống kênh rồi cũng sẽ có bộ phận mang đi. Chính từ cái suy nghĩ đó tất cả các con kênh của thành phố này đều ngập rác như Tham Lương, rạch Xuyên Tâm, Tân Hóa - Lò Gốm.

Dọc hành lang của kênh, chính quyền địa phương đã treo các biển cảnh báo với nội dung cấm đổ rác, tuyên truyền ý thức vệ sinh, mức phạt hành chính khi xả rác xuống kênh, cấm câu cá… Nhưng dường như các thông tin đó không có tác dụng gì mấy. Nếu thành phố lấy một phần kinh phí dọn rác để làm hệ thống camera quan sát và tăng mức xử phạt may ra dòng kênh mới bớt bị đầu độc.

Lấy dẫn chứng từ Singapore, việc xả rác bừa bãi tại nơi công cộng, trong đó có sông, kênh rạch bị phạt từ 2.000SGD (34 triệu đồng) đến 10.000SGD (170 triệu đồng), hoặc lao động công ích từ 10-15 ngày và bị ghi vào lý lịch tư pháp.

Còn ở Việt Nam, mức phạt từ 1-2 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt như kênh, ao hồ; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố; thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông.

Thế nhưng, lâu nay chưa có một ai sống ở khu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè bị lập biên bản, phạt hành chính vì xả rác xuống kênh rạch. Nếu luật pháp không nghiêm, nếu người dân không tự ý thức, mãi mãi kênh rạch chỉ là nơi chứa rác thải, trở thành dòng kênh chết.

Các tin khác