Theo tục lệ từ xa xưa, sau khi được trưng bày tại các đền thờ và nhà thờ Hồi giáo, những bông hoa và vật dụng này trở thành những biểu tượng bất khả xâm phạm và người ta tránh vứt bỏ chúng như các loại rác thải thông thường. Phương pháp thường thấy để xử lý những biểu tượng này là thả chúng xuống các con sông thiêng liêng như sông Hằng. Theo Euronews, 600.000 đền thờ, điện thờ dọc theo sông Hằng đã thải xuống khoảng 8 triệu tấn hoa, nhang đèn/năm.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia môi trường, hầu hết các loại hoa hồng, hoa huệ, cúc vạn thọ… được trồng đại trà tại Ấn Độ có ngậm một lượng lớn thuốc trừ sâu vừa ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, vừa làm mất cân bằng sinh thái giảm lượng oxy có trong nước, khiến tảo phát triển ngoài tầm kiểm soát.
Đối với một dòng sông như sông Hằng, nơi cung cấp nguồn nước cho 400 triệu người dân Ấn Độ, các hóa chất độc hại gây ra nhiều loại bệnh dịch và ảnh hưởng đến hàng triệu du khách đến các nguồn nước thiêng liêng để thờ cúng, tắm rửa và thậm chí uống nước của nó.
Ankit Agarwal, một doanh nhân ở Utta Pradesh, đã nảy ra ý tưởng về việc thu gom các loại hoa và vật dụng thờ cúng để tái chế để giảm bớt ô nhiễm. Ankit cho biết đây là một hành trình đầy gian nan: “Chúng tôi phải đi khắp nơi để truyền đạt ý tưởng tái chế chất thải của ngôi đền vì không ai sẵn sàng từ bỏ hoa của họ. Tôi đã dành hơn 1 năm rưỡi để vừa thử nghiệm sản xuất sản phẩm tái chế, vừa gặp gỡ các đối tác khác nhau để thỏa thuận việc quản lý rác của các đền thờ. Cuối cùng, nhiệm vụ bảo tồn sông Hằng và cung cấp kế sinh nhai cho người dân địa phương đã thành hiện thực”.
Các cơ sở sản xuất sản phẩm từ rác thải hoa đang phát triển và mở rộng ra 3 thành phố. Công nhân chủ yếu thực hiện công việc thủ công, trước tiên họ sẽ phân loại rác vô cơ như vòng nhựa, đĩa giấy và rác hữu cơ như hoa lá, trái cây... sau đó chúng được phun một loại thuốc đặc biệt có chứa hóa chất trung hòa các loại thuốc trừ sâu. Sau khi được khử độc, các cánh hoa được tách rời, rửa sạch và phơi khô.
Công ty của Ankit đã tạo ra một số sản phẩm từ vật liệu hoa này như các loại nhang sinh học, dùng trong các nhà thờ hoặc nhà riêng; các thân và lá cây xanh được chế biến thành phân bón cho cây cảnh. Gần đây, công ty cũng đầu tư vào việc nghiên cứu và phát triển các phương pháp chuyển đổi rác thải, đa dạng hóa các sản phẩm như bao bì sinh học, da sinh học và đã giành được giải thưởng Ý tưởng thay đổi thế giới 2018, đồng thời xúc tiến bán các mặt hàng này cho các thương hiệu quốc tế.
Ankit Agarwal khẳng định: “Dù có một số thành tựu nhất định, nhưng chúng tôi vẫn luôn cố gắng cải tiến, đổi mới để vừa giữ được truyền thống tâm linh của tổ tiên, lại có thể bảo vệ được môi trường và tạo thêm việc làm cho mọi người, thúc đẩy phát triển cộng đồng”.