Đó là nội dung chính được đưa ra tại cuộc họp trực tuyến chiều 17-7 của Ban Chỉ đạo của Chính phủ triển khai thực hiện Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì.
Phó Thủ tướng cho rằng, trong quá trình triển khai còn nhiều lúng túng trước biến động về giá. Các chủ đầu tư, nhà thầu chưa thực sự chủ động triển khai các giải pháp ứng phó theo quy định của pháp luật.
Chính phủ đã ban hành đầy đủ các cơ chế, chính sách, kể cả các cơ chế đặc thù, đảm bảo đủ cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện, lãnh đạo Chính phủ nêu rõ, không được lùi bất cứ mốc tiến độ nào.
Chính phủ yêu cầu khởi công toàn bộ 729 km cao tốc Bắc - Nam trước ngày 31-12.
Theo đó, từ nay đến năm 2022 đảm bảo hoàn thành 361km, đến năm 2025 hoàn thành mục tiêu xây dựng thêm 2000km cao tốc đã được Đại hội XIII của Đảng xác định.
Bộ Giao GTVT, Ban Quản lý Dự án và nhà thầu phải đổi mới phương pháp, tổ chức giao ban hàng tuần để xem xét công việc, tiến độ thi công, đồng thời có giải pháp điều động thiết bị khi cần thiết để hoàn thành dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, kỹ thuật.
Với các dự án thuộc giai đoạn 2, đại diện Chính phủ yêu cầu các địa phương, nhà thầu phải xác định rõ các mỏ vật liệu xây dựng, đảm bảo tuyệt đối không để xảy ra thiếu hụt, ảnh hưởng đến tiến độ công trình. Các địa phương là chủ đầu tư giải phóng mặt bằng, phân bổ kịp thời nguồn vốn để đảm bảo đến 31-12 giải phóng 70% mặt bằng.
Trước đó, theo Bộ GTVT, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đang được triển khai đáp ứng các mốc tiến độ.
Tính đến ngày 13-7, bộ này đã phê duyệt dự án đầu tư 12 dự án thành phần là cơ sở để triển khai các công việc tiếp theo của bước thực hiện đầu tư. Hiện các địa phương đã thành lập ban chỉ đạo, hội đồng giải phóng mặt bằng và triển khai công tác đo đạc, kiểm đếm.
Song biến động tăng giá nhiên, vật liệu như thép, đất đắp các loại, cốt liệu đá cho bê tông xi măng, bê tông nhựa… đang là vấn đề mà các ban quản lý, nhà thầu lo ngại khi khởi công các dự án thành phần.
Việc tính toán chi phí trượt giá theo công thức điều chỉnh giá thông thường, tuy đã được quy định trong hợp đồng nhưng chưa bù đắp được mức độ biến động giá quá lớn dẫn đến thiếu hụt tài chính cho nhà thầu. Điều này, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công.