Sự kiện do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp cùng với Trung tâm Công nghệ Thông tin- Truyền thông Vietnet (Vietnet- ICT) tổ chức cùng với sự tài trợ từ Quỹ SecDev, tổ chức phi lợi nhuân Quốc tế ISOC (Internet Society), Diễn đàn Quản trị Internet Liên Hợp Quốc (United Nations IGF) và Trung tâm Thông tin Mạng châu Á - Thái Bình Dương (APNIC).
Phát biểu tại diễn đàn, GS. TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG Hà Nội, cho biết, YIGF được tổ chức lần đầu ở Việt Nam vào năm 2019 và lần này là lần thứ ba tổ chức, song hoạt động này đã có sức lan tỏa đáng kể. Cùng với số lượng đại sứ thanh niên tham gia diễn đàn ngày một tăng, sự quan tâm của các cơ quan nhà nước, công ty công nghệ, tổ chức làm việc vì cộng đồng, các chuyên gia và các nhà nghiên cứu cho thấy những chủ đề được thảo luận tại các phiên họp của YIGF có ảnh hưởng lớn tới nhận thức của giới trẻ về quản trị Internet.
Theo GS. TS Hoàng Anh Tuấn, việc phải đối mặt với sự bùng nổ của thông tin trên mạng toàn cầu và cụ thể hơn là các nền tảng mạng xã hội giờ đây đã trở thành một hiện thực tất yếu, không thể né tránh đối với tất cả mọi người, không riêng gì giới trẻ
“Các thảo luận này không chỉ góp phần trang bị các kỹ năng cần thiết để xây dựng không gian số lành mạnh và tích cực cho thanh niên, sinh viên mà còn đặt ra những câu hỏi, những vấn đề rất đáng quan tâm cho các học giả, các ngành khoa học. Chính vì vậy, Diễn đàn mong muốn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho các bạn trẻ, đồng thời mở ra những cơ hội hợp tác và nghiên cứu mới”, GS. TS Hoàng Anh Tuấn cho biết thêm.
Theo GS. TS Hoàng Anh Tuấn, việc phải đối mặt với sự bùng nổ của thông tin trên mạng toàn cầu và cụ thể hơn là các nền tảng mạng xã hội giờ đây đã trở thành một hiện thực tất yếu, không thể né tránh đối với tất cả mọi người, không riêng gì giới trẻ. Thậm chí, có thể nói rằng, với tư cách là những “digital natives” (khái niệm chỉ những người sinh ra trong một môi trường mà công nghệ kỹ thuật số đã trở nên phổ biến), những người trẻ có đầy đủ tiềm năng để phát triển một cách toàn diện hơn những thế hệ đi trước và đưa ra những lựa chọn thông minh trên “bàn tiệc thông tin”.
Vì vậy, điều chúng ta cần làm là trang bị cho họ những hiểu biết và kỹ năng cơ bản về thế giới số, cung cấp cho họ cái nhìn đa chiều, giúp họ xây dựng một hệ giá trị riêng dựa trên tinh thần tôn trọng sự khác biệt, khả năng thấu cảm và năng lực nghi ngờ hợp lý. Và chính bản thân chúng ta cũng cần thường xuyên thực hành những giá trị này trong tương tác với những người trẻ.
Tại diễn đàn năm nay, 100 đại biểu là những sinh viên ưu tú được chọn từ các trường đại học trong cả nước đã tham dự và cùng chia sẻ về những chủ đề khác nhau liên quan tới quản trị Internet
Được biết, sáng kiến Youth Internet Governance Forum (YIGF) được khởi xướng lần đầu tiên bởi NetMission vào năm 2010 tại Hồng Kông dành cho giới trẻ Châu Á – Thái Bình Dương nói lên ý kiến của người trẻ về Quản trị Internet. Diễn đàn được truyền cảm hứng và dựa trên cách tiếp cận đa bên của Diễn đàn Quản trị Internet (IGF), một sự kiện quốc tế được tổ chức hàng năm từ năm 2006, với những hoạt động thảo luận có sự tham gia của các bên liên quan gồm chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu, tổ chức xã hội và đại diện cộng đồng về các khía cạnh của quản trị Internet dưới những góc nhìn khác nhau.
Diễn đàn năm nay tại Việt Nam, hơn 100 đại biểu là những sinh viên ưu tú được chọn từ các trường đại học trong cả nước đã tham dự và cùng chia sẻ về những chủ đề khác nhau liên quan tới quản trị Internet.
Các sinh viên cũng được trực tiếp tham gia vào vai mô phỏng để thảo luận cùng với các bên liên quan trong môi trường số (chính phủ, khu vực tư nhân, các nhà nghiên cứu, người dùng Internet, tổ chức phi chính phủ) để nói lên ý kiến của mình về vấn đề an ninh mạng và trách nhiệm của các bên liên quan. Các ý kiến tại phiên thảo luận đã được ghi nhận trở thành Bản Thông điệp Thanh niên của Đại sứ Diễn đàn Quản trị Internet Việt Nam 2022 và sẽ được gửi đến các cơ quan quản lý liên quan.
Do “cuộc sống số” và “cuộc sống thực” có nhiều điểm giao thoa khiến cho việc nâng cao kỹ năng, hiểu biết, rèn luyện các thói quen phù hợp trong môi trường Internet trở thành đòi hỏi tất yếu với bất cứ ai muốn sinh tồn và thành công. Những người trẻ chính là những người có đầy đủ tiềm năng để phát triển một cách toàn diện nhất, chúng ta có nghĩa vụ tạo ra một môi trường giáo dục cởi mở, tạo điều kiện để họ được tranh luận, chia sẻ, tìm kiếm và thiết lập các nguyên tắc mà họ cần cho không gian số. Trong tương lai, các mô hình diễn đàn, cơ hội trao đổi, thảo luận như YIGF nên được nhân rộng bởi đây chính là một giải pháp tích cực để thanh niên, sinh viên tự xây dựng nhận thức của bản thân về việc sử dụng cũng như quản trị Internet. GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV – ĐHQG Hà Nội |