Trước đó, ba tuyến cáp quang biển là Liên Á (IA), SEA-ME-WE3 (SMW3) và Asia America Gateway (AAG) đồng loạt gặp sự cố khiến nhiều người dùng lo ngại sẽ ảnh hưởng tới tốc độ truy cập Internet từ Việt Nam đi quốc tế.
Đại diện Viettel khẳng định khách hàng của đơn vị này có thể sử dụng dịch vụ bình thường. Bởi, nhà mạng đã định tuyến lưu lượng quốc tế qua các tuyến cáp khác. Thậm chí, vào khung giờ cao điểm, nhu cầu người dùng cũng chỉ chiếm 80% dung lượng còn lại của Viettel sau khi đứt cáp.
Trong khi đó, phía VNPT cho hay, đơn vị này đang phối hợp với đối tác quốc tế xác minh nguyên nhân sự cố và có kế hoạch trong việc xử lý lỗi, khắc phục sự cố sớm nhất.
Khi sự cố xảy ra chiều 27/8, VNPT đang khai thác 700G cáp AAG, 10G cáp IA và 80G cáp SMW3. Đến 9 giờ sáng ngày 28/8 đã khôi phục được 70G trên tuyến cáp SMW3.
Hiện, VNPT đã chủ động định tuyến các kênh của khách hàng bị ảnh hưởng sang các tuyến cáp quang biển quốc tế khác là APG và CSC để đảm bảo chất lượng kết nối quốc tế cho khách hàng.
Nói về ứng phó của nhà mạng, ông Bình cho hay, thời gian qua có nhiều sự cố cáp biển. Do đó, các nhà mạng chắc chắn đã quen với việc ứng phó và chuẩn bị dự phòng. Bởi vậy, theo ông, lần này ảnh hưởng sẽ không nhiều, và các nhà mạng đã ứng phó để đảm bảo dịch vụ.
Song, ông cũng cho rằng, vẫn có một số nhóm khách hàng bị ảnh hưởng tùy ưu tiên của doanh nghiệp. Thông thường, mức độ ưu tiên lần lượt sẽ là nhóm doanh nghiệp, tổ chức, sau đó đến các nhóm 3G/4G, rồi đến khách hàng băng rộng cố định.