(ĐTTCO) – Hà Nội định hướng đến năm 2025 sẽ dừng hoạt động xe máy cá nhân trong nội đô, hướng tới mục tiêu phát triển đồng bộ, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng đô thị, điều này liệu có khả thi không?
Định hướng 2025 xóa bỏ xe máy trên đường nội đô
Tại hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành đảng bộ Hà Nội sáng nay, lần đầu tiên đưa ra bàn thảo nội dung hạn chế phương tiện cá nhân có lộ trình cụ thể, hướng tới mục tiêu phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh hiện đại giai đoạn 2016-2020, theo chương trình 06 của Thành ủy Hà Nội.
Đặc biệt, trong Chương trình 06 của Thành ủy Hà Nội lần này còn đề cập đến việc tăng cường sử dụng giao thông công cộng, giảm dần phương tiện giao thông cá nhân, định hướng đến năm 2025 dừng hoạt động phương tiện xe máy cá nhân.
Thống kê vào năm 2015, Hà Nội có khoảng 16.000-22.000 xe máy và 6.000-8.000 ô tô đăng ký mới. Đến năm 2020, Hà Nội dự kiến sẽ có gần 1 triệu ô tô lưu hành và khoảng 7 triệu xe máy, chưa kể xe của khối lực lượng vũ trang và các tỉnh thành khác lưu thông vào Hà Nội.
Cũng theo chương trình 06 về vấn đề phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, Hà Nội sẽ tập trung mọi nguồn lực đầu tư các công trình giao thông, đảm bảo an toàn giao thông và chống ùn tắc.
Theo đó, Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện thủ tục và triển khai đầu tư các dự án do Trung ương đầu tư trên địa bàn Thành phố; thành phố đầu tư các bến xe khách liên tỉnh để hỗ trợ, giảm tải cho các bến xe khách đang khai thác hiện nay, phục vụ nhu cầu phát triển giao thông trong thời gian tới.
Về vấn đề phát triển giao thông công cộng, Hà Nội sẽ hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng 2 tuyến đường sắt đô thị. Tiếp tục đẩy nhanh thủ tục đầu tư đối với các tuyến đường sắt đô thị còn lại. Thời gian tới, Hà Nội cũng sẽ rà soát các tuyến xe buýt cho phù hợp.
Trước đó, cũng đề cập tới vấn đề này tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ diễn ra cuối tháng 12/2015, ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP Hà Nội kiến nghị Chính phủ giao các bộ ngành trung ương phối hợp với Hà Nội xây dựng lộ trình hạn chế phương tiện xe cá nhân để giảm ùn tắc giao thông.
“Nếu không có giải pháp thì Hà Nội tin rằng 4-5 năm nữa tình hình sẽ phức tạp“, ông Chung nói.
Liệu có khả thi?
Điều đáng nói là những năm qua, Bộ Giao thông vận tải và UBND TP Hà Nội đã nhiều lần đưa ra các giải pháp hạn chế xe cá nhân ở TP Hà Nội và TPHCM. HĐND TP Hà Nội cũng đã 2 lần thông qua nghị quyết chương trình mục tiêu giảm ùn tắc giao thông, trong đó có hạn chế phương tiện cá nhân.
Cụ thể, vào năm 2015, Hà Nội từng tạm dừng đăng ký xe máy mới ở một số quận. Tuy nhiên, sau đó, những đề xuất, giải pháp của chính quyền trong việc hạn chế xe cá nhân không được dư luận đồng tình nên đều bị dỡ bỏ hoặc chỉ được đề xuất trên giấy tờ.
Cũng vào năm 2015, HĐND Hà Nội đã thông qua đề án giảm ùn tắc 2.200 tỷ. Trong đề án này, ngoài việc xây dựng mới các công trình, cải thiện năng lực giao thông… UBND thành phố dành 700 triệu đồng lập Đề án hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân trên địa bàn Thành phố vào năm 2016.
Nhưng khi trao đổi với phóng viên Infonet, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc nhà xuất bản GTVT, cho rằng phương án hơn 2.000 tỷ đồng để hạn chế xe cá nhân này là không khả thi.
Theo TS Thủy, tất cả các bài toán hạn chế phương tiện cá nhân phải kèm theo có đường sắt đô thị, có xe buýt đầy đủ, hạ tầng phải phát triển để người dân chọn đi phương tiện nào chứ 90% người dân đi phương tiện cá nhân, bây giờ cấm người ta đi bằng gì?
“Tôi nhớ cách đây khá lâu tôi được Bộ trưởng Bộ GTVT Đào Đình Bình mời tham vấn về vấn đề chống ùn tắc giao thông. Lúc Bộ trưởng ra ngoài, tôi có nói với Viện trưởng Viện quy hoạch giao thông và Vụ trưởng Vụ Kế hoạch: Tôi hỏi các bạn, nếu cấm xe máy nhân dân đi bằng gì?
Xe máy lúc đó chiếm 95%. Mọi người ớ người ra. Khi Bộ trưởng vào mọi người báo cáo, Bộ trưởng bảo đúng rồi, cấm dân đi bằng gì, sau đó sửa đề án cấm xe máy bằng hạn chế xe máy. Nói như vậy để thấy việc cấm xe máy là không thực hiện được”.
Cũng góp ý vào lộ trình cấm phương tiện cá nhân, ông Vũ Cao Minh (Bí thư quận ủy Thanh Xuân) cho rằng, đây là một chỉ tiêu rất khó thực hiện. Bởi người dân không chỉ dùng xe máy mà còn dùng cả xe đạp điện. Vì vậy không chỉ giảm xe máy mà cần phải có thêm chỉ tiêu giảm 50% phương tiện thô sơ cá nhân như xe đạp điện, xe máy điện.
Định hướng đưa ra là như thế, nhưng trên thực tế thành phố chưa đưa ra giải pháp cụ thể nào, số lượng ôtô xe máy vẫn tăng mạnh. Số liệu Phòng cảnh sát giao thông, Công an Hà Nội công bố cuối năm 2015, tám tháng đầu năm 2015, Hà Nội có 183.000 phương tiện đăng ký mới (hơn 39.000 ôtô, 143.000 môtô), nâng tổng số xe tại thủ đô lên 5,5 triệu (gần 535.000 ôtô và hơn 4,9 triệu môtô), chưa kể nhiều xe mang biển ngoại tỉnh vẫn hoạt động.
Đến giữa tháng 6/2016, UBND TP thành phố Hà Nội đã có văn bản giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Công an thành phố, Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan tiếp tục kiểm tra, rà soát các giải pháp, bổ sung việc quản lý xe taxi, xích lô, xe ba bánh, ôtô điện, lộ trình để giảm phương tiện cá nhân… đảm bảo ngắn gọn, dễ hiểu, báo cáo thành phố để thông qua trong tháng 6/2016.
Vấn đề đặt ra là, xung quanh chương trình 06 này còn rất nhiều tranh luận trái chiều từ các nhà chuyên môn cũng như cơ quan chức năng. Vậy liệu định hướng có đi vào thực tiễn hay sẽ lại chìm xuống như những kế hoạch, đề án trước đây?