Tôi nhớ rất rõ một buổi sáng cách đây hơn 15 năm, nhà báo Lê Tiền Tuyến gọi điện thoại: “Khi nào đến báo nhận nhuận bút, lên phòng anh bàn chút chuyện”. Đang lang thang gần đó và cũng đang kẹt tiền, tôi chạy luôn vào báo Sài Gòn Giải Phóng (lúc ấy vẫn là tòa soạn cũ kỹ chứ chưa hoành tráng như hiện tại).
Gõ cửa phòng của anh Lê Tiền Tuyến, tôi thấy anh Nguyễn Khắc Văn cũng ngồi ở đấy. Hai anh lúc nào cũng bận rộn, nên độp luôn vào công việc mà không cần tốn câu xã giao nào.
Anh Lê Tiền Tuyến bảo: “Sắp tới ra một ấn phẩm mới, ĐTTC, mỗi tuần hai số. Mày giữ một mục nhé”. Tôi ú ớ: “Em thơ phú lăng nhăng, biết gì kinh tế mà viết...”. Anh Nguyễn Khắc Văn lừ mắt: “Mày tưởng giới doanh nhân không cần những câu chuyện văn hóa và đời sống à?”. Tôi chưa kịp nói gì thêm, hai anh đã chốt hạ: “Về tự nghĩ ngợi chuyên mục. Tuần sau bắt đầu nộp bài. Tụi tao phải đi họp đây”.
Được cộng tác ĐTTC với sự tin tưởng đầy ưu ái như vậy, tôi vừa mừng vừa lo. Vậy mà, thật may, tôi vẫn viết đều đặn cho chuyên mục “Góc nhìn” trên ĐTTC suốt thời gian rất dài. Khi nhà báo Lê Tiền Tuyến nghỉ hưu, ĐTTC cũng tiến hành cải tiến, từ dạng thức tờ báo hai kỳ mỗi tuần chuyển sang dạng thức tạp chí hàng tuần.
Nhà báo Lê Tiền Tuyến, nguyên Phó Tổng Biên tập báo SGGP,
phát biểu tại lễ ra mắt Ấn phẩm ĐTTC vào tháng 4-2007.
phát biểu tại lễ ra mắt Ấn phẩm ĐTTC vào tháng 4-2007.
Ngày chào mừng ĐTTC phiên bản mới, nhà báo Nguyễn Khắc Văn đã làm Tổng Thư ký tòa soạn báo Sài Gòn Giải Phóng, vẫn dành sự quan tâm đặc biệt cho tôi. Anh kéo tôi đến trước mặt nhà báo Nguyễn Nhật, Phó Tổng Biên tập phụ trách ấn phẩm ĐTTC và đề nghị: “Mỗi số, dành một trang cho nó viết”. Nhà báo Nguyễn Nhật cười hề hề đúng phong cách Nam bộ: “Tui lạ gì ổng. Mỗi số ổng phải viết nhiều hơn, chứ sao chỉ viết một trang”.
Từ ngày cộng tác với ấn phẩm ĐTTC, tôi được mở mang thêm nhiều kiến thức về lĩnh vực trước kia vốn xa lạ với mình. Nhờ viết thường xuyên nên tôi cũng là bạn đọc trung thành của ấn phẩm và dần dần hiểu hơn về chính sách, về thị trường, chứng khoán, bất động sản, ý tưởng kinh doanh cũng như vui buồn của những doanh nhân.
Ngoài người thầy từng dạy tôi ở đại học là PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, tôi học hỏi được rất nhiều từ những chuyên gia gắn bó với ấn phẩm ĐTTC như GS.TS Trần Ngọc Thơ, PGS.TS Trần Đình Thiên, TS. Trần Du Lịch, TS.Trương Văn Phước, TS. Lê Đạt Chí, TS. Võ Đình Trí...
Trong bối cảnh sụt giảm liên tục của báo in, ĐTTC cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Thế nhưng, thú vị nhất là ấn phẩm vẫn giữ được chất lượng ổn định. Trên mặt bằng chung của báo in, ấn phẩm ĐTTC có được dáng vẻ riêng, diện mạo riêng. Là tờ báo chuyên về kinh tế, nhưng ĐTTC không mô phạm và không khô khan. Những vấn đề bất cập về luật lệ hoặc những góc độ rắc rối thương mại, luôn được nhìn nhận và đánh giá một cách mạch lạc, thấu đáo, mềm mại và thuyết phục. Độc giả, dù không thuộc giới kinh doanh, vẫn có thể tìm được những thông tin bổ ích và hấp dẫn trên ấn phẩm.
Nhất là, trước những điểm nóng của thời sự, ĐTTC luôn có cái nhìn hài hòa và chừng mực, không cực đoan lên giọng và cũng không dễ dãi thỏa thiệp. Tôi cho rằng, đó là thái độ văn minh rất cần thiết trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.
Nhà báo Nguyễn Thành Lợi, Phó Tổng Biên tập thường trực báo SGGP,
phát biểu tại lễ ra mắt bộ mới Ấn phẩm ĐTTC vào tháng 4-2019.
phát biểu tại lễ ra mắt bộ mới Ấn phẩm ĐTTC vào tháng 4-2019.
Mỗi tuần, cầm ấn phẩm ĐTTC được in ấn sang trọng và giở từng trang báo thơm mùi mực mới mùi giấy mới, đã thành thói quen của tôi. Cho nên, trong thời gian ứng phó căng thẳng Covid-19, có lúc ĐTTC tạm ngừng phát hành, tôi bỗng thấy hụt hẫng.
Dù có thể mở trang điện tử của ĐTTC để cập nhật thông tin, nhưng vẫn thấy trống vắng khi sáng thứ hai đầu tuần không được háo hức với ấn phẩm báo giấy trên tay. Nhất là sau giai đoạn phong tỏa “ai ở đâu ở yên đấy”, tôi phóng xe ra đường dáo dác tìm sạp báo và tự nhiên xúc động như gặp người yêu cũ khi mua được một tờ ĐTTC nỗ lực thích ứng bình thường mới.
Ngoảnh lại, thực sự 15 năm ấn phẩm ĐTTC cũng là ngày tháng thanh xuân của tôi. Những ngày tháng có thể miệt mài đọc, nghĩ và viết không hề biết mệt mỏi. Cộng tác với ĐTTC, tôi được gần gũi thêm nhiều anh chị nữa, như Trần Thanh Hải, Mai Ngọc, Mai Trâm... Họ luôn cho tôi cảm giác thân thiện ấm áp như người nhà. Trong giai đoạn xây dựng mới tòa soạn báo Sài Gòn Giải Phóng, ấn phẩm ĐTTC thuê tạm ở vài nơi.
Thế nhưng, dù ở trên đường Bến Chương Dương hay trong hẻm Nguyễn Văn Trỗi, mỗi lần tôi ghé đến ĐTTC đều nhận được sự nồng hậu và sự chu đáo của các anh chị. Đối với tôi, ĐTTC không chỉ là chỗ làm nghề mưu sinh, mà còn là một địa chỉ của ký ức, của kỷ niệm, của nhớ thương.
Với thực trạng báo chí hôm nay, tạo được thương hiệu như ấn phẩm ĐTTC hoàn toàn không dễ. Vị trí của ấn phẩm ĐTTC có được sau 15 năm, đã đáng xem là kỳ tích. Tuy nhiên, để duy trì và phát triển ấn phẩm ĐTTC trong cơn thác lũ công nghệ số và xu hướng lướt nhanh tin tức trên màn ảnh smartphone, lại càng khó khăn bội phần.
Bài toán hữu hiệu nào cho ấn phẩm ĐTTC tương lai, là điều nhiều người ưu tư. Thế nhưng, tôi tin lãnh đạo báo Sài Gòn Giải Phóng và đội ngũ thực hiện ấn phẩm ĐTTC sẽ tiếp tục kiên định và sáng tạo, để bạn đọc và giới doanh nhân có được tờ báo xứng đáng với kỳ vọng của họ.
Riêng tôi, tôi có bộ sưu tập ấn phẩm ĐTTC của bản thân. Căn phòng làm việc của tôi dù chật chội, tôi cũng sắp xếp một góc để lưu ấn phẩm ĐTTC. Thứ nhất, vì tờ báo in đẹp nên đọc xong cũng không nỡ bán ve chai. Thứ hai, thỉnh thoảng đi công tác miền Trung hay miền Bắc tôi mang theo dăm bảy tờ để tranh thủ giới thiệu cho những người mà mình trân trọng và dự đoán có thể là khách hàng tiềm năng của ấn phẩm ĐTTC.