Chiều 15-1, Ban chỉ đạo ngầm hóa lưới điện kết hợp với cáp viễn thông của TPHCM đã tổ chức hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình ngầm hóa lưới điện kết hợp cáp viễn thông trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2011-2020.
Đến tham dự hội nghị có ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM.
Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) đã phối hợp cùng các chủ đầu tư mương cáp viễn thông thực hiện hoàn thành 240 dự án ngầm hóa tại 195 tuyến đường.
Trong đó, giai đoạn 2011 - 2015, hoàn thành 97 dự án ngầm hóa tại 74 đoạn tuyến đường với khối lượng 350 km lưới điện trung thế, 576 km lưới điện hạ thế.
Giai đoạn 2016 - 2020, hoàn thành 143 dự án ngầm hóa tại 121 đoạn tuyến đường với tổng khối lượng 675 km lưới điện trung thế, 1.160 km lưới điện hạ thế. Đồng thời, tỷ lệ ngầm hóa lưới điện trung thế toàn thành phố liên tục tăng từ 25% vào năm 2011 lên 32% vào năm 2015 và đạt 45% tính đến tháng 9-2020. Tỷ lệ ngầm hóa lưới trung thế trong khu vực nội thành đạt tỷ lệ 60%.
Tuy nhiên, công tác ngầm hóa còn gặp phải nhiều khó khăn, tồn tại cần được tập trung tháo gỡ trong công tác giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, rất nhiều tuyến đường có vỉa hè chật hẹp, thậm chí không có vỉa hẻ nên không đủ mặt bằng để bố trí, lắp đặt thiết bị. Ngoài ra, một số hộ dân không muốn lắp đặt các trạm biến thế, thiết bị điện trước nhà.
Trong giai đoạn 2021 - 2025 sắp tới, EVNHCMC đề ra các nhiệm vụ trọng tâm như khối lượng thực hiện ngầm hóa đạt 500 km lưới điện trung thế, 800 km lưới điện hạ thế; tỷ lệ ngầm hóa lưới điện trung thế đạt từ 50% đến 60%. Trong đó, các quận nội thành đạt tỷ lệ ngầm hóa 80% - 90%, riêng các quận 1, 3, 5 đạt tỷ lệ ngầm hóa 100%; các quận còn lại đạt tỷ lệ ngầm hóa 60-80%; tỷ lệ ngầm hóa lưới điện hạ thế đạt từ 35% - 40%; trong đó khu vực trung tâm thành phố đạt tỷ lệ ngầm hóa 80%.
Nếu đúng kế hoạch, dự án cải tạo ngầm hoá lưới điện sẽ góp phần giúp EVNHCMC đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện của thành phố vào năm 2025 với tổng công suất khoảng 7.000 MW, sản lượng điện thương phẩm đạt khoảng 36,4 tỷ kWh với tăng trưởng bình quân 6,8 ÷ 7,1%/năm, tỷ lệ tổn thất điện năng nhỏ hơn hoặc bằng 3,25%...
* Chiều cùng ngày, EVNHCMC tổ chức Hội nghị “Ngành điện gắn bó với chính quyền địa phương, lắng nghe ý kiến nhân dân để hoàn thiện và phát triển” với UBND quận Tân Bình, nhằm mong muốn tiếp tục được lắng nghe ý kiến của địa phương đóng góp cho ngành điện để ngày càng hoàn thiện và phát triển, đảm bảo hoàn thành mức cao nhất nhiệm vụ cung cấp điện đầy đủ và chất lượng dịch vụ khách hàng ngày càng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Trong năm 2020, EVNHCMC đã liên kết với 23 ngân hàng và 9 đối tác thu hộ tiền điện. Theo đó, khách hàng có thể thanh toán tiền điện và các chi phí khác ngoài tiền điện tại các điểm thu như ngân hàng, bưu cục, cửa hàng tiện lợi, siêu thị..., điểm ATM và trực tuyến trên mạng.
Nhờ vậy, năm 2020 tỷ lệ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt trên địa bàn quận Tân Bình đạt 97,56% về khách hàng và 97,54% về doanh thu. Các phường đều thực hiện ký cam kết với 2.622 chủ nhà trọ về thu tiền điện đúng giá quy định, giải quyết cho 91.202 sinh viên và người lao động thuê nhà để ở được sử dụng đúng giá bán điện quy định do chính phủ ban hành.
Giảm giá tiền điện hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19, đợt 1 từ tháng 4 đến tháng 7 là hơn 47 tỷ đồng cho 100% khách hàng trên địa bàn; đợt 2 từ tháng 10 đến tháng 12 giảm hơn 23 tỷ đồng. Trong tháng 12-2020, Công ty đã phối hợp với Phòng Kinh tế quận Tân Bình thực hiện thống kê nhu cầu lắp đặt hệ thống điện mặt trời tại trụ sở các cơ quan, đơn vị trên địa bàn quận.
Tại hội nghị, Công ty Điện lực Tân Bình trao số tiền 50 triệu đồng hỗ trợ địa phương trong công tác an sinh xã hội và số tiền 70 triệu đồng hỗ trợ chăm lo cho gia đình chính sách gặp khó khăn, người nghèo dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 trên địa bàn.