Theo ông Toản, vấn đề bảo hộ thương hiệu, bảo hộ chỉ dẫn địa lý do Cục Sở hữu trí tuệ quản lý. Cục Sở hữu trí tuệ có chức năng cấp giấy chứng nhận bảo hộ thương hiệu, bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các hiệp hội ngành hàng, địa phương, các tổ chức, cá nhân khi họ có đơn xin được cấp.
Khi có vấn đề liên quan đến tranh chấp thương hiệu, Cục Sở hữu trí tuệ cũng là đơn vị xác minh thông tin qua hợp tác quốc tế để hỗ trợ doanh nghiệp. Hiện nay, Cục Sở hữu trí tuệ đang vào cuộc để hỗ trợ doanh nghiệp sớm được bảo hộ thương hiệu gạo ST25 tại thị trường Việt Nam. Ông Toản cũng thông tin thêm, giống lúa ST25 đã được Bộ NN-PTNT cấp bản quyền nên về bảo hộ sở hữu trí tuệ giống lúa, doanh nghiệp có thể yên tâm.
Tuy nhiên, để đăng ký bảo hộ sở hữu và nhãn hiệu tại nước ngoài, ông Hồ Quang Trí, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí (đơn vị đang sở hữu bản quyền lúa giống ST25) cho rằng không dễ vì sản phẩm gạo ST25 không phải là thương hiệu quốc gia (như gạo Hom Mali của Thái Lan đã được Thái Lan công nhận thương hiệu quốc gia nên các doanh nghiệp ở nước khác không thể sử dụng tên này nếu không phải gạo Hom Mali sản xuất ở Thái Lan).
Doanh nghiệp Việt Nam chỉ có thể kiện các doanh nghiệp Mỹ nếu Việt Nam đã đăng ký bảo hộ gạo ST25 là của Việt Nam.
Giải đáp vấn đề này, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, để được công nhận thương hiệu quốc gia thì doanh nghiệp phải đăng ký tham gia chương trình thương hiệu quốc gia (do Bộ Công thương chủ trì) và phải qua quá trình xét duyệt nghiêm ngặt mới có thể được công nhận hoặc không.
Còn theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), do nguồn lực có hạn, Chính phủ sẽ không làm thay doanh nghiệp trong việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài, doanh nghiệp phải chủ động đăng ký sớm.