Sau khi sụt giảm tới 30% trong năm ngoái, TTCK Việt Nam đang có định giá rẻ nhất tại Đông Nam Á và có thể tăng 120% trong vòng hai năm tới khi lạm phát và lãi suất huy động giảm.
Đó là nhận định của ông David Roes, Giám đốc điều hành Asean Investment Management trên CNBC trong ngày 17-2. Ông nói: “Trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998, các quốc gia như Indonesia, Thái Lan có lạm phát và lãi suất huy động rất cao, và sau đó dần khắc phục được. Chúng ta có thể thấy các thị trường này đã tăng mạnh và đó là những gì sẽ diễn ra đối với thị trường Việt Nam trong thời gian tới”.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1-2012 tuy tăng 17.3% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lạm phát tại Việt Nam đã giảm được 5 tháng liên tiếp.
Ông Roes thừa nhận lạm phát vẫn còn cao nhưng cho rằng đối với các nhà đầu tư chứng khoán thì xu hướng quan trọng hơn. Các nhà đầu tư nước ngoài đã quay trở lại TTCK Việt Nam và từ đầu năm đến nay, chỉ số VN-Index tăng gần 15%.
Kỳ vọng sinh lợi từ 400-800% trong 36 tháng
Ông David Roes đặc biệt ưa thích các nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bất động sản và xây dựng. Đây vốn là các nhóm cổ phiếu giảm giá mạnh trong năm ngoái với khối lượng giao dịch thấp, chi phí vốn cao và tâm lý tiêu cực. Ông cho rằng đầu tư vào các lĩnh vực này có thể kỳ vọng tỷ suất sinh lời trên mức bình thường, trong khoảng từ 400-800% trong vòng 36 tháng tới.
Tương tự, ông nhận thấy các nhóm ngành nhạy cảm với lãi suất, chẳng hạn như hàng hóa lâu bền và tài chính tiêu dùng cũng có thể đem lại mức sinh lời cao. Ông cho biết một số cổ phiếu tại Việt Nam sẽ đem lại cho nhà đầu tư giá trị tốt, tỷ suất cổ tức cao mà vẫn có tiềm năng tăng trưởng trong tương lai. Nhà đầu tư có thể tìm thấy các cổ phiếu như vậy ở rất nhiều ngành.
Ông nói: “Khi nào bạn nhận thấy sự kết hợp này, khi đó bạn có giá trị, có sự tăng trưởng và cả thu nhập thường xuyên. Đó là các khoản đầu tư tốt”.
Ông Roes e ngại về mức độ biến động cao của TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông, không có gì bất thường nếu thị trường biến động 100% trong khoảng thời gian tương đối ngắn. Điều quan trọng là nhà đầu tư nên đa dạng hóa danh mục đầu tư.
“Việc đa dạng hóa danh mục đầu tư có thể hạn chế bớt rủi ro vì bạn không thể nắm bắt hết những rủi ro của một công ty cụ thể. Và lúc này, việc lựa chọn ngành hoặc một công ty không quan trọng bằng việc phân bổ tài sản vào nhiều kênh đầu tư và tất nhiên là phải có một danh mục đa dạng”.