2 văn bản quan trọng tháo gỡ khó khăn cho bệnh viện thiếu hóa chất, cạn kiệt vật tư

(ĐTTCO) - Việc Chính phủ liên tiếp ban hành 2 văn bản quan trọng: Nghị định 07/2023/NĐ-CP và Nghị quyết 30/2023/NQ-CP đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong bối cảnh thiếu vật tư, trang thiết bị y tế, thuốc men tại các cơ sở y tế. Tuy nhiên, theo lãnh đạo các bệnh viện, đây chỉ là giải pháp tình thế, để giải quyết căn cơ vấn đề này, Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan cần xây dựng những quy định rõ ràng về việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế.
Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy nội soi cho người bệnh

Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy nội soi cho người bệnh

Vẫn còn chờ mổ, chuyển chụp

Ghi nhận của phóng viên tại một số bệnh viện tuyến trung ương tại Hà Nội cùng với việc tiếp tục duy trì các hoạt động chuyên môn, cấp cứu, khám chữa bệnh hàng ngày thì các đơn vị đã nhanh chóng bắt tay ngay vào triển khai đấu thầu, mua sắm hóa chất, trang thiết bị y tế, thuốc men.

Tại Bệnh viện Việt Đức, tròn 1 tuần sau khi có bệnh viện thông báo hạn chế mổ phiên để tập trung mổ cấp cứu do thiếu vật tư y tế và hóa chất, lượng người bệnh tới khám, điều trị vẫn rất đông. Một số bệnh nhân cho biết họ đã được bác sĩ thông báo chuẩn bị phẫu thuật vào cuối tuần này, một số trường hợp khác mới nhập viện được hẹn lịch phẫu thuật sang tuần sau.

Bà Nguyễn Thị Vân (63 tuổi, ở Lương Sơn, Hòa Bình) chia sẻ: “Chồng tôi bị sỏi mật, vào bệnh viện điều trị từ cuối tháng trước, tới nay mới được bác sĩ thông báo qua tuần sẽ được phẫu thuật. Tôi thấy rất mừng vì bệnh viện đã mua được thuốc men, vật tư, để người bệnh không phải thấp thỏm chờ thêm nữa”.

Tại TPHCM, tình trạng “chờ mổ”, “chuyển chụp” cũng chưa khả quan hơn. Bà Nguyễn Thị Hồng (ngụ Trà Vinh) cho biết, sáng sớm 8-3, bà được con đưa lên Bệnh viện Chợ Rẫy bốc số khám bệnh, ngồi chờ đến 10 giờ mới được khám, tuy nhiên để chẩn đoán chính xác bệnh, bác sĩ chỉ định bà phải đi chụp MRI và qua Bệnh viện Chuyên khoa ngoại thần kinh Quốc tế (quận Tân Phú) để chụp. “Bệnh viện máy hỏng nên tôi và hơn chục người qua đây, giờ phải mang phim chụp về cho bác sĩ tìm bệnh, vất vả lắm, chắc chiều mới xong”, bà Hồng buồn bã nói và cho biết, nhiều người bệnh nặng còn phải xếp hàng chờ đợi từ rất sớm, càng chờ đợi càng lo lắng, không biết đến bao giờ họ mới được chữa trị.

Còn tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, trong sáng 8-3, người dân xếp hàng ken đặc hành lang bệnh viện chờ thăm khám, chụp chiếu. Các bệnh viện (Thống Nhất, Quân y 175…) gần đây cũng thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân được các bệnh viện khác chuyển qua; nhiều bệnh nhân ở tỉnh phải lặn lội lên TPHCM tìm nơi điều trị vì bệnh viện tuyến dưới cũng thiếu dụng cụ để mổ, thiếu trang thiết bị y tế chẩn đoán, điều trị...

Máy móc sẽ sớm hoạt động trở lại

PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, hiện người bệnh tới khám chữa bệnh tại bệnh viện vẫn phải chờ đợi khá lâu để làm các chẩn đoán lâm sàng như: chụp CT, chụp cắt lớp do nhiều hệ thống máy móc liên doanh liên kết đang tạm dừng vì thiếu vật tư và hư hỏng. Sau khi Nghị quyết 30/2023/NQ-CP được ban hành, bệnh viện đã khẩn trương rà soát tổng thể, những thiết bị nào còn hoạt động được sẽ hoàn tất các thủ tục để sớm đưa vào phục vụ người bệnh, thiết bị nào hỏng sẽ sớm sửa chữa để phục hồi hoạt động.

“Điều này cởi trói lớn cho Bệnh viện Bạch Mai và nhiều cơ sở y tế khác để có thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh cho người dân. Hiện bệnh viện đã bắt đầu thực hiện đấu thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế theo đúng quy định mới nên trong tháng này sẽ cơ bản tháo gỡ được những khó khăn trong hoạt động”, PGS-TS Đào Xuân Cơ khẳng định.

Theo GS-TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, ngay khi Chính phủ có Nghị quyết 30/2023/NQ-CP và Nghị định 07/2023/NĐ-CP gỡ vướng mua sắm trang thiết bị, vật tư, bệnh viện đã nhanh chóng liên hệ với các nhà cung cấp và đối tác cho biết 1 tuần nữa sẽ cung cấp đầy đủ hóa chất, vật tư y tế theo yêu cầu của bệnh viện. Sang tuần, bệnh viện sẽ hoạt động bình thường, người bệnh hoàn toàn yên tâm đến khám chữa bệnh.

Còn theo BSCK2 Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TPHCM), Nghị quyết 30/2023/NQ-CP đã giúp bệnh viện kéo dài thời gian thực hiện thí điểm máy đặt, máy mượn khi cơ sở y tế trúng thầu hóa chất, vật tư để phục vụ người bệnh. Với quy định này, công tác đấu thầu mua sắm hóa chất, vật tư y tế sẽ thuận lợi hơn, giúp bệnh viện không còn cảnh thiếu thốn trang thiết bị, vật tư, hóa chất.

Theo Bác sĩ Châu Văn Đính, Giám đốc Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM, việc sửa chữa máy móc, trang thiết bị y tế vẫn phải theo Luật Đấu thầu và các thông tư, nghị định. Do đó, về lâu dài cần có sự phối hợp các bên vì phải lập báo cáo, đề xuất sửa chữa trang thiết bị y tế. Về xác định giá trang thiết bị y tế, cần có cơ quan chủ trì định mức giá để bảo vệ người làm công tác đấu thầu. Cùng với đó, Bộ Y tế cần sớm ban hành hướng dẫn cụ thể, công khai minh bạch về vấn đề này để các bệnh viện hoạt động trơn tru, thậm chí, phải có điều khoản bảo vệ người, đơn vị thực hiện thí điểm.

Các tin khác