Gần 100 hộ dân là cán bộ nhân viên ngành đường sắt bị di dời giải tỏa để xây dựng công viên. Tất cả đều chấp hành chủ trương của Nhà nước và được tái định cư tại nơi ở mới. Nhưng hơn 20 năm qua những hộ dân mua nhà tái định cư vẫn chưa được cấp sổ hồng.
Theo tìm hiểu, được biết trước năm 1993 do yêu cầu giải tỏa khu vực ga Sài Gòn cũ nay là Công viên 23-9 (quận 1), UBND TPHCM quyết định giao khu đất “trại lính dù” của chế độ cũ thuộc phường 11, quận 3 cho ngành đường sắt xây dựng chung cư tái định cư cho gần 100 hộ dân là cán bộ nhân viên ngành đường sắt bị giải tỏa. Sau đó ngành đường sắt tiến hành xây dựng 2 block chung cư (cao 3 tầng và 5 tầng) theo phê duyệt của Kiến trúc sư trưởng TP lúc đó là ông Lê Văn Năm.
Đến năm 1993, 48 căn hộ block A được xây dựng xong và các hộ dân được chuyển về đây ở. Năm 1996, thêm 44 hộ chuyển về sinh sống tại block B. Khi nhận nhà các hộ dân này đều thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, thủ tục có liên quan như hợp đồng đóng góp tiền xây dựng, biên lai nộp tiền, quyết định cấp căn hộ do Phó Chủ tịch UBND quận 3 ký… Ngoài ra các hộ này cũng được Công an quận 3 cho phép nhập hộ khẩu về địa chỉ trên kể từ khi nhận nhà…
Tuy nhiên hơn 20 năm qua kể từ khi những hộ đầu tiên chuyển về đây sinh sống họ vẫn chưa được cơ quan chức năng cấp sổ hồng cho căn hộ của mình. Ông Đỗ Xuân Trạch, một người dân sống tại đây, cho biết khi người dân nơi đây mang các giấy tờ liên quan đến UBND quận 3 đề nghị được cấp giấy chủ quyền nhà, được hướng dẫn sang ngành đường sắt; qua cơ quan đường sắt lại được đẩy lên UBND TP.
Cứ như thế “quả bóng” trách nhiệm đá qua đá lại suốt hơn 20 năm qua. Người dân đã phải chịu thiệt thòi để di dời chỗ ở cũ nhường đất cho TP xây dựng công trình công cộng. Đến nơi ở mới cũng phải góp tiền xây dựng, thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về nhà ở, nhưng không biết phải chờ đến bao giờ mới được cấp chủ quyền nhà?