Bên cạnh tác động của thị trường vàng thế giới, thị trường vàng trong nước thời gian qua còn chịu ảnh hưởng từ thực trạng bất ổn vĩ mô và chính sách quản lý thị trường còn một số bất cập, TS.Nguyễn Khắc Quốc Bảo – Phó trưởng khoa Tài chính doanh nghiệp, Trường Đại học Kinh tế Tp.HCM, nêu quan điểm khi trao đổi về thị trường vàng.
- Diễn biến thị trường vàng trong nước thời gian qua có chịu ảnh hưởng từ bất ổn chính sách không, thưa ông?
- Năm 2012 là năm thị trường vàng có nhiều biến động lớn với những cơn “co giật” về giá ngoài tầm kiểm soát. Sự biến động này do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Trong đó, thị trường vàng thế giới có nhiều đợt tăng cao và giảm sâu nên thị trường vàng trong nước cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, thị trường vàng trong nước biến động mạnh hơn nhiều do nhiều lý do khác nhau.
Trước hết, nền kinh tế Việt Nam đang ở trong giai đoạn nhạy cảm về tài chính tiền tệ. Khi tài chính, tiền tệ, ngân hàng nhạy cảm thì vàng là “kênh trú ẩn” an toàn để người dân cất trữ tài sản.
Bên cạnh đó, từ bất ổn về tài chính ngân hàng, thị trường chứng khoán và bất động sản gặp khó nên kỳ vọng lạm phát cao khiến nhiều người cũng chọn vàng là kênh tích trữ tài sản, phòng ngừa rủi ro.
Mặt khác, Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng cũng có tác động mạnh lên thị trường trong nước. Như vậy, bên cạnh bất ổn về giá, thị trường vàng còn chịu bất ổn về chính sách và bất ổn trong tâm lý người dân đối với kênh đầu tư vào tài sản này.
- Đầu tư tiền tệ, chứng khoán, nhà đất đều khó. Thế nhưng, đầu tư vàng cũng gặp nhiều bất trắc, điều này có đúng không, thưa ông?
- Đúng như vậy, hầu hết các kênh đầu tư của nền kinh tế gần như bế tắc, nên dòng tiền tiết kiệm đổ vào kênh vàng là lớn. Tuy nhiên, đổ tiền vào vàng cũng không yên tâm vì những xáo trộn của thị trường trong thời gian qua. Đó là các vấn đề về độc quyền vàng miếng, cách quản lý kinh doanh vàng khiến người dân thêm lo lắng bức xúc.
- Nghị định 24 được cho là xuất phát từ ý chí muốn đưa thị trường vàng vào khuôn khổ, ông bình luận gì về điều này?
- Theo tôi, Nghị định 24 xuất phát từ động cơ chính sách tích cực. Chính phủ muốn quy thị trường vàng về một mối để đưa thị trường vào quy củ và thuận lợi cho cơ quan quản lý. Kỳ vọng của các nhà làm chính sách là sắp tới trên thị trường vàng Việt Nam chỉ có một loại vàng là vàng SJC. Tất cả những người nắm giữ vàng sẽ chỉ nắm giữ một loại vàng duy nhất.
Từ cách làm này, theo tôi, cơ quan chính sách muốn về lâu dài phát triển thị trường vàng lên một mức cao hơn, đó là phát hành chứng chỉ gửi vàng. Đó là cách tạo ra sân chơi cho người mua vàng với mục đích tích trữ sẽ mua chứng chỉ vàng như mua chứng khoán. Nếu làm được như vậy, có thể giải quyết được cơn sốt trên thị trường vàng hiện nay.
Bởi lẽ, cơn sốt vàng không phải do nhu cầu vàng vật chất lớn mà là do nhu cầu tích trữ vàng lớn. Hay nói cách khác, nếu Nhà nước làm được việc phân nhóm đối tượng mua vàng thành nhóm mua vàng vì mục đích sử dụng vàng vật chất và nhóm mua vàng vì mục đích tích trữ và có cách quản lý đặc thù cho từng nhóm thì cơ bản sẽ giải quyết được tình trạng nóng - lạnh bất thường của thị trường vàng.
- Như vậy, Nghị định 24 là thành công hay thất bại trong chặng đường qua?
- Có cả điểm sáng và điểm tối trong quá trình quản lý thị trường bằng Nghị định này. Trong giai đoạn chuyển đổi hiện nay cần tìm cách để người dân được đảm báo quyền lợi và không khuyến khích nắm giữ vàng. Nghị định này cơ bản tạo sự dịch chuyển vàng là khó khăn. Trong khi xét theo luật chơi của thị trường là không công bằng, vì cơ quan làm chính sách cần thực hiện được việc để thị trường định hướng thị trường chứ không phải mệnh lệnh hành chính định hướng thị trường.
- Với những biến động trên thị trường vàng trong thời gian qua, có ý kiến cho rằng cơ quan chức năng chưa đủ năng lực quản lý thị trường. Nhận định này có đúng không, thưa ông?
- Xem xét các động thái của cơ quan làm chính sách và phản ứng trên thị trường vàng trong thời gian qua cho thấy năng lực yếu kém của cơ quan quản lý. Người soạn ra luật chơi không lường trước được khả năng phát triển của thị trường dẫn đến tình trạng hở đến đâu “vá” đến đó. Kết quả là, người chơi là người chịu thiệt nhất.
- Ông có dự báo gì về diễn biến thị trường vàng trong nước trong năm 2013?
- Nền kinh tế tiếp tục có biểu hiện chưa tốt, vận động trì trệ, nhiều doanh nghiệp phá sản. Người có tiền tiết kiệm không biết đầu tư vào đâu vì lãi suất thấp, thị trường nhà đất chưa hồi phục, đầu tư USD cũng không phải là lựa chọn đáng chú ý nữa. Vì vậy, vàng tiếp tục nằm trong tầm ngắm của người dân.
Trong khi đó, Nghị định 24 và các quy định mới của cơ quan chức năng tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường và có thể gây ra những biến động phức tạp hơn trước đây. Do đó, việc nắm giữ vàng là quyết định khó khăn hơn trong bối cảnh các kênh đầu tư khác cũng ít tiềm năng và người dân thiệt hại về chi phí cơ hội.