2016 - Sóng thần hay sóng ngắn

(ĐTTCO) - “Sóng thần” chỉ những đợt sóng có điểm số tăng mạnh, thanh khoản cao kéo dài vài tháng và được NĐT yêu thích vì có rất nhiều cơ hội để kiếm tiền. Nhưng TTCK năm 2015 chỉ có những đợt sóng ngắn, không có sóng thần. Năm 2016 liệu có khác?

(ĐTTCO) - “Sóng thần” chỉ những đợt sóng có điểm số tăng mạnh, thanh khoản cao kéo dài vài tháng và được NĐT yêu thích vì có rất nhiều cơ hội để kiếm tiền. Nhưng TTCK năm 2015 chỉ có những đợt sóng ngắn, không có sóng thần. Năm 2016 liệu có khác?

Nhìn lại các con sóng

Đợt tăng mạnh gần nhất của thị trường diễn ra từ đầu tháng 3 đến hết tháng 4 của năm 2014, sau đó dù thị trường điều chỉnh rất mạnh trong nửa đầu tháng 5 nhưng cuối cùng cũng phục hồi ngoạn mục không kém. Suất sinh lời của mỗi đợt tăng này vào khoảng 20-30%. Tính trong nửa thập niên trở lại đây cũng có thể tạm gọi là sóng thần.

Cơ hội sinh lời vẫn xuất hiện trên thị trường với tỷ suất không hề thua kém các năm trước, vấn đề là NĐT phải dụng công nhiều hơn để tìm kiếm lợi nhuận. Đây cũng là xu hướng phát triển của TTCK khi ngày một phân hóa, khắc nghiệt hơn và chỉ dành cho những NĐT chuyên nghiệp, có nhiều kinh nghiệm.

Còn từ giữa năm 2014 đến giờ, sóng của thị trường rất ngắn và phạm vi cũng rất hẹp. Sau khi lặng sóng hơn 4 tháng đầu năm 2015, TTCK Việt Nam mới bắt đầu sôi động trở lại vào nửa cuối tháng 5 với sự trỗi dậy của nhóm CP ngân hàng (VCB, BID, CTG…). Sau đó đến lượt nhóm CP bảo hiểm với BVH, BIC, BMI… cũng nổi sóng nhưng chỉ chưa đến 1 tháng. Bước sang tháng 8, TTCK đã có những phiên điều chỉnh rất mạnh từ 610 điểm xuống 510 điểm chỉ trong ít ngày và sau đó là một đợt hồi phục với suất sinh lời khoảng 20% vào cuối tháng. Đến quý IV lại nổi lên nhóm CP có khả năng được SCIC thoái vốn như VNM, BMP, FPT… có những đợt sóng tăng rất mạnh. Ngoài những đợt sóng rõ rệt vừa nêu, năm 2015 cũng chứng kiến xu hướng tăng giá khá bền bỉ của nhóm CP có cơ bản tốt như NCT, CAV, DQC…

Những đợt sóng từ ngắn (tầm 1 tháng trở lại) đến rất ngắn (chỉ vài phiên) đã khiến NĐT thực sự mệt mỏi. Một số NĐT chia sẻ năm 2015 họ có tỷ suất sinh lời tương đương 2014, nhưng công sức bỏ ra lại gấp nhiều lần. Từ chỗ cả thị trường tăng, sóng đã thu hẹp xuống một nhóm CP tăng, rồi trong nhóm cũng chỉ còn vài CP đầu tàu. Hệ quả là việc chọn lựa CP trở nên khó khăn hơn. Chưa kể, có thể khi thị trường tăng, một số nhóm CP không tăng, nhưng đến khi thị trường giảm thì nhóm này lại bị ảnh hưởng. Nhóm CP bất động sản là một minh chứng khi lặng sóng gần như cả năm, nhưng mỗi khi thị trường giảm cũng lại giảm đi đôi chút và chỉ có một số ít CP bất động sản duy trì được biểu đồ tăng. Những điều này buộc NĐT phải vất vả trong việc lựa chọn CP, đồng thời phải chấp nhận rủi ro cao hơn. Một chuyên viên đầu tư đã đúc kết: Có những lúc, NĐT giống như những người phải đánh nhau trong cảnh bịt mắt, không biết mình nên làm gì và cũng không biết đối thủ sẽ làm gì.

Đoán dòng tiền

Câu hỏi đặt ra cho năm 2016 là sóng của thị trường sẽ diễn biến như thế nào? Để tìm câu trả lời cần quan sát đường đi của dòng tiền. Nếu như cuối năm 2014, Thông tư 36 tác động đến dòng tiền margin trên thị trường theo hướng phải kiểm soát chặt chẽ hơn, thì năm 2015 việc NĐTNN bán ròng liên tục vào quý IV lại khiến thị trường bị ảnh hưởng. Điều dễ thấy là khi khối ngoại bán ròng liên tục bên mua cũng không vội xuống tiền, thay vào đó cứ túc tắc mua và hệ quả là CP khó lòng tăng nổi. Lý do khối ngoại bán ra có thể bắt nguồn từ việc FED tăng lãi suất trở lại, nhưng nếu xét trong tháng 12 lại là yếu tố mùa vụ, vì đây là tháng khối này chốt lời và giảm giao dịch cho kỳ nghỉ cuối năm. Nhưng việc khối ngoại bán ra chỉ là một bộ phận của NĐTNN, có thể ETF bán, nhưng vẫn có những đơn vị khác mua vào. Nếu bước sang năm 2016, khối ngoại giảm lượng bán ra và giá trị mua ròng được thu hẹp, nhiều khả năng nguồn cung CP giá rẻ sẽ kết thúc và có thể kỳ vọng những động thái mới của khối này. Khả năng này có thể được kỳ vọng vì vấn đề tăng lãi suất của FED đã được dự báo từ trước khi công bố chính thức, nên xem như tất cả đã phản ánh gần hết vào giá.

Ảnh minh họa: LONG THANH
Ảnh minh họa: LONG THANH

Với dòng tiền trong nước, câu hỏi đặt ra phải chăng khi không có sóng hoặc CP phân hóa quá khắc nghiệt đã khiến dòng tiền trở nên dè dặt, hay ngược lại do dòng tiền hạn chế dẫn đến việc CP chỉ có thể tăng theo từng nhóm? Có thể lưu ý 2 chi tiết: Thứ nhất, trong phần lớn tháng 11-2015, VN Index nằm trên ngưỡng 600 điểm, xuất hiện thông tin về tỷ lệ margin của các CTCK đã ở mức rất cao. Mặc dù thông tin này nhận được những suy nghĩ trái chiều, nhưng điều này cho thấy khi nhận thấy cơ hội, dòng tiền trên thị trường sẵn sàng “mai phục” chứ không hề thiếu. Thứ hai, cứ khi nào thị trường bùng nổ, dòng tiền của NĐT nội lại xuất hiện nhiều một cách không thể ngờ, nhưng cũng không có gì bất ngờ vì điều này đã lặp lại nhiều lần. Những ngày cuối năm VN Index dao động trong khoảng 570-580 điểm có thể là một tín hiệu tích cực khi điểm số cao hơn so với cuối năm trước. Tuy nhiên, diễn biến thị trường tiếp tục phân hóa chứ chưa lan tỏa, cụ thể là thanh khoản dao động trong khoảng 2.500 tỷ đồng/phiên.

Như vậy, trong những ngày đầu năm 2016, có thể kỳ vọng 1 năm mới tích cực sẽ giúp dòng tiền gia tăng, nhưng khả năng lan tỏa cho một đợt sóng lớn khó diễn ra, thị trường vẫn tiếp tục phân hóa. Dòng tiền nhiều khả năng sẽ tập trung ở nhóm CP có KQKD 2015 (dự kiến) tích cực. Hiệu ứng mạnh hơn có thể đến từ sau Tết Nguyên đán (tháng 2) rồi đến mùa ĐHCĐ (tháng 3, tháng 4). Nửa sau của năm 2016, nếu những thông tin vĩ mô tiếp tục xuất hiện với màu sắc tích cực sẽ lại là lực đỡ cho thị trường. Và thông thường, khi TTCK đã được số đông nhìn nhận thận trọng và có phần bi quan, nhiều khả năng sẽ lại tiềm ẩn những bất ngờ.

Các tin khác