Năm 2020, thiên tai diễn ra không theo quy luật, dị thường, khốc liệt... Đặc biệt, từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 11/2020, bão, lũ xảy ra liên tiếp tại khu vực miền Trung với cường độ rất mạnh, trên phạm vi rộng đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và sản xuất của hàng triệu người dân trên địa bàn.
Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, từ đầu năm đến nay, ở nước ta đã xảy ra 16 loại hình thiên tai, cụ thể: 13 cơn bão trên biển Đông; 264 trận dông, lốc, mưa lớn trên 49 tỉnh, thành phố, trong đó 9 đợt có diện rộng tại 21 tỉnh, thành phố Bắc Bộ và Trung Bộ; 120 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; đặc biệt là đợt mưa lũ lớn lịch sử từ ngày 6-22/10 tại khu vực Trung Bộ; 86 trận động đất, trong đó có 2 trận động đất với rủi ro thiên tai cấp 4 (tại Mường Tè, Lai Châu ngày 16/6 với độ lớn 4.9; tại Mộc Châu, Sơn La ngày 27/7 với độ lớn 5.3); hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại Đồng bằng sông Cửu Long…
356 người chết và mất tích, nhiều thiệt hại về tài sản
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, tính đến ngày 4/12/2020, thiên tai đã làm 356 người chết, mất tích (291 người chết, 64 người mất tích) và 876 người bị thương; 3.427 nhà sập, 333.084 nhà bị hư hại, tốc mái, di dời khẩn cấp; 511.172 lượt nhà bị ngập; 198.374ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 51.923 gia súc và 4,11 triệu gia cầm chết, bị lũ cuốn trôi; 787km đê kè, kênh mương bị sạt lở, hư hỏng; 272,5km bờ biển, sông bị sạt lở; 1.190km đường giao thông bị sạt lở hư hỏng; khối lượng đất, đá sạt lở khoảng 4,1 triệu m3. Ước tính thiệt hại hơn 35.181 tỷ đồng.
Trong gần 2 tháng, khu vực duyên hải miền Trung đã chịu ảnh hưởng dồn dập của 9 cơn bão (từ số 5 đến số 13) và 2 áp thấp nhiệt đới. Trong đó, cơn bão số 9 đã đạt đến cấp siêu bão và được đánh giá mạnh nhất trong 20 năm qua với gió cấp 14, giật cấp 17, thời gian lưu gió mạnh lên đến 6-7giờ; bão đổ bộ trùng với thời điểm triều cường đã tàn phá và gây thiệt hại nặng nề.
Do ảnh hưởng dồn dập của các cơn bão, kết hợp với hình thái thời tiết cực đoan, dị thường đã gây mưa lớn kéo dài tại khu vực miền Trung, đặc biệt tại 7 tỉnh, thành phố ven biển từ Nghệ An đến Quảng Ngãi với tổng lượng mưa phổ biến từ 1000-2500mm, nhiều nơi trên 3.000mm như Hướng Linh (Quảng Trị): 3.408mm, A Lưới (Thừa Thiên - Huế): 3.446mm.
Lượng mưa đặc biệt lớn xảy ra ở nhiều khu vực như tại thành phố Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) - 884mm/ngày, Kim Sơn (Hà Tĩnh) - 847mm; Ba Đồn (Quảng Bình) - 756mm; Hướng Linh (Quảng Trị) - 763mm/ngày; Thượng Nhật (Thừa Thiên - Huế) - 719mm/ngày.
Trên toàn bộ 16 tuyến sông chính khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên lũ đã vượt báo động 3, trong đó có 6 tuyến sông lũ đã vượt mức nước lũ lịch sử là sông Bồ (tỉnh Thừa Thiên - Huế); sông Hiếu, sông Thạch Hãn, sông Bến Hải (tỉnh Quảng Trị) và sông Kiến Giang, sông Nhật Lệ (tỉnh Quảng Bình). Lũ từ thượng nguồn đổ về cộng với mưa lớn trong khu vực và khả năng tiêu thoát lũ không kịp dẫn đến tình trạng ngập lụt trên diện rộng tại 7 tỉnh, thành phố từ Nghệ An đến Quảng Nam với nhiều đợt nối tiếp và thời gian kéo dài kỷ lục, nhiều nơi ngập kéo dài khoảng 15 ngày.
Cao điểm là vào ngày 12/10 và ngày 19/10 có trên 317 nghìn hộ (1,2 triệu nhân khẩu) phải chịu cảnh ngập lụt. Trong đó, Quảng Bình bị ngập gần như toàn tỉnh, đặc biệt lũ trên sông Kiến Giang đã vượt lũ lịch sử ở mức 0,95m và kéo dài 3 ngày, gây ngập lụt rất sâu tại hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy, có nơi ngập trên 5m.
Do mưa đặc biệt lớn kéo dài ngày kết hợp với địa hình đồi, núi dốc đã gây ra tình trạng sạt lở đất, lũ quét ở nhiều nơi. Các vụ sạt lở đất tại Nhà máy thuỷ điện Rào Trăng 3, Trạm Kiểm lâm số 67 ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế; huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị; xã Trà Leng, Trà Vân, huyện Nam Trà My và xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam đã cướp đi sinh mạng của hàng chục người dân, cán bộ, chiến sỹ và phá hủy nghiêm trọng nhiều cơ sở hạ tầng.
Bão đổ bộ dồn dập, kết hợp triều cường, mưa lũ lớn kéo dài nên đã gây sạt lở nghiêm trọng tuyến biển dọc miền Trung, trong đó từ Nghệ An đến Phú Yên đã có 88 điểm bị sạt lở với tổng chiều dài 141km. Ngoài ra, hàng trăm km đê, kè cửa sông cũng bị sạt lở, hư hỏng.
Con số thống kê cho thấy, đây là một trong những đợt thiên tai nghiêm trọng và khốc liệt chưa từng có trong nhiều năm qua; tình trạng “bão chồng bão,” “lũ chồng lũ” đã tác động, ảnh hưởng đến hầu hết các hoạt động kinh tế xã hội, thiết chế hạ tầng ở tất cả các tuyến từ vùng biển đến đồng bằng, trung du và khu vực miền núi.
Chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đánh giá, triển khai thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, ngay từ đầu năm 2020, các cấp, các ngành đã tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm kịp thời phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; đồng thời ưu tiên bố trí các nguồn lực để phòng, chống và khắc phục hậu quả, bảo đảm sớm ổn định sản xuất và đời sống cho người dân.
Trước tình hình bão, lũ diễn biến phức tạp, Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương ban hành các công điện, đồng thời tổ chức các đoàn công tác, triển khai tổng lực các lực lượng tại các địa bàn bị ảnh hưởng của bão, lũ.
Riêng đối với cơn bão số 9, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất sớm việc chuẩn bị phòng, chống ngay từ trước khi bão vào Biển Đông, Ban Chỉ đạo tiền phương đã được thành lập do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, đứng đầu.
Phó Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó tại chỗ, huy động mọi lực lượng, phương tiện, kể cả các phương tiện hiện đại của quân đội (máy bay, tàu kiểm ngư, xe lội nước…), triển khai đồng bộ nhiều giải pháp theo phương châm “4 tại chỗ” và kịp thời thực hiện tốt nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trên biển và đất liền.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã trực tiếp đến khu vực bị ảnh hưởng của mưa, lũ, bão để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả và thăm hỏi các gia đình bị thiệt hại.
Tại phiên họp tháng 10, 11/2020, Chính phủ đã đưa ra quyết sách yêu cầu các cấp, các ngành tập trung tìm kiếm, cứu nạn và bảo đảm nhu yếu phẩm, không để người dân bị thiếu đói, màn trời chiếu đất, bệnh tật, hỗ trợ nhà ở và sớm khôi phục sản xuất, bảo đảm sinh kế cho người dân bị thiệt hại.
Các địa phương đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp theo đúng hướng dẫn của Trung ương; chủ động phương án ứng phó và tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả; đã phối hợp với các lực lượng quân đội, công an trên địa bàn huy động hàng trăm nghìn lượt cán bộ chiến sỹ và hàng nghìn phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn và hỗ trợ người dân; hướng dẫn, sắp xếp neo đậu cho 348.720 nghìn lượt phương tiện và trên 1.672.373 nghìn lao động, 186 nghìn lồng bè nuôi trồng thủy sản; bảo vệ an toàn các khu dân cư, khu công nghiệp, nhà cao tầng, công trình đang thi công; tổ chức sơ tán trên 282.547 hộ với 994.859 nhân khẩu đế nơi an toàn.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể, doanh nghiệp và nhân dân đồng loạt triển khai các hoạt động cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ, cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân vùng thiên tai, trong đó Chính phủ kịp thời ban hành Nghị quyết số 165/NQ-CP ngày 5/11/2020 để tăng mức hỗ trợ tối đa cho hộ gia đình có nhà bị sật đổ, hư hỏng hoàn toàn 40 triệu đồng/hộ và 10 triệu đồng/hộ có nhà bị hư hỏng nặng từ dự phòng ngân sách Trung ương.
Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp 15.804 tấn gạo và 1.250 tỷ đồng cùng nhiều trang thiết bị cứu hộ cứu nạn, hàng dự trữ y tế, nhu yếu phẩm khác kịp thời cứu trợ người dân bị ảnh hưởng.
Các lực lượng quân đội, công an đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đặc biệt là lực lượng tại chỗ trên địa bàn đã tập trung lực lượng, phương tiện cứu sống hàng trăm người dân, chăm sóc người bị thương và đưa đến nơi an toàn; tích cực tìm kiếm những nạn nhân bị chết, mất tích; cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho hàng nghìn người dân, công nhân lao động ở khu vực bị chia cắt.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ và các ban, bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương đã đồng loạt kêu gọi, vận động, tổ chức các hoạt động quyên góp, ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão, lũ bằng tiền và hiện vật (lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, trang thiết bị cứu nạn); trong đó có nhiều tổ chức, cá nhân đã chủ động quyên góp và trực tiếp đến tận nơi đồng bào bị ngập lụt để hỗ trợ.
Nhân dân cả nước đều hướng về miền Trung ruột thịt với nhiều phong trào ủng hộ thiết thực, hiệu quả (như gói bánh chưng, hàng hóa, lương thực, các nhu yếu phẩm cần thiết khác) để hỗ trợ đồng bào bị lũ lụt nhanh chóng ổn định đời sống.
Đến cuối tháng 11/2020, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tiếp nhận ủng hộ tiền và hiện vật với giá trị trên 560 tỷ đồng.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kêu gọi nhiều tổ chức quốc tế (ADB, JICA, AHA, UNDP,..) và một số nước (Hoa Kỳ, Hàn Quốc,...) đã cứu trợ tiền mặt và hàng hóa thiết yếu với tổng trị giá trên 21,53 triệu USD (tương đương với 500 tỷ đồng) cho đồng bào bị ảnh hưởng của bão lũ miền Trung.