Sau nhiều lần lỗi hẹn
NH phải niêm yết cổ phiếu trên thị trường chính thức là yêu cầu được đặt ra từ rất lâu và được nhắc nhở rất nhiều lần. Cụ thể, năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 108 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK, quy định doanh nghiệp (DN) huy động vốn từ công chúng sau 1 năm phải đưa cổ phiếu lên giao dịch trên thị trường có tổ chức.
DN không đáp ứng quy định sẽ bị phạt 100-150 triệu đồng và cổ đông có quyền đề xuất rút lại khoản vốn đã góp vào DN. Cuối năm 2013, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và NHNN thống nhất đề xuất lên Chính phủ chủ trương đưa các NH đại chúng giao dịch trên TTCK để tăng tính minh bạch hoạt động, kiểm soát được tỷ lệ sở hữu.
Đầu năm 2015, Thống đốc NHNN có văn bản yêu cầu NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố đôn đốc các NHTM trên địa bàn chưa niêm yết cổ phiếu hoàn thiện kế hoạch niêm yết cổ phiếu, theo dõi, giám sát việc triển khai kế hoạch niêm yết cổ phiếu của các NH trên địa bàn. Thông tư 80 của Bộ Tài chính ban hành cuối năm 2015, cũng yêu cầu đến hết năm 2016, các công ty đại chúng phải đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch tập trung. Tuy nhiên, trong các năm đó không có NH nào niêm yết.
VietBank - một trong những NH nằm trong nhóm chưa niên yết trên TTCK.
Kể từ năm 2017, làn sóng niêm yết mới bắt đầu xuất hiện, nhưng số lượng NH chưa lên sàn vẫn còn khá nhiều. Theo danh sách của NHNN, hiện hệ thống có 31 NHTMCP nhưng mới có 17 NHTM niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) và UPCoM. Các NH chưa lên sàn bao gồm Maritime Bank, SeaBank, VietABank, OCB, VietCapital Bank, VietBank, Saigon Bank, BaoViet Bank, DongABank…
NHTM chần chờ
Năm 2017, OCB có kế hoạch niêm yết trên HOSE nhưng chưa triển khai. Tại ĐHCĐ năm 2018, NH này đã thông qua việc triển khai niêm yết cổ phiếu trên HOSE, dự kiến thực hiện vào cuối quý III hoặc đầu quý IV, bỏ qua bước UPCoM như kế hoạch trước đó. Tuy nhiên, OCB cho biết sẽ dời kế hoạch sang năm nay.
Trong khi đó, MaritimeBank có kế hoạch niêm yết trên HOSE vào quý I-2019 và cổ đông đang trông chờ thông tin mới. VietBank đã nộp hồ sơ đăng ký giao dịch cổ phiếu lên thị trường UPCoM mã VBB, dự kiến sẽ thực hiện trong vòng 1 năm sau khi hoàn tất tăng vốn điều lệ.
Nhiều NH cũng chưa tỏ ra sẵn sàng với việc lên sàn. Cụ thể, sau nhiều lần lỡ hẹn, năm 2016 HĐQT VietABank đã trình cổ đông thông qua và ủy quyền cho HĐQT quyết định việc đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM, hoặc niêm yết trên HNX hay HOSE tùy theo tình hình thực tế của NH và thị trường.
Song đến thời điểm này, NH vẫn chưa có mặt trong nhóm các NHTM đã niêm yết và chưa có nhiều động thái cho thấy sẽ sớm niêm yết cổ phiếu. SaigonBank có kế hoạch lên sàn rất sớm từ năm 2006, nhưng những năm gần đây không nhắc lại vấn đề này. Hay thậm chí VietCapital Bank nhiều năm qua vẫn chưa từng đề cập đến kế hoạch niêm yết.
Trong thời điểm ngành NH đang tái cơ cấu, việc NHTM niêm yết được đánh giá cần thiết và tạo ra nhiều lợi ích. Thứ nhất, khi lên sàn, cổ phiếu NH sẽ được giao dịch minh bạch trên thị trường chính thức, thay vì mua bán qua các giao dịch riêng lẻ, không minh bạch giá. Cổ đông cũng có nơi để mua bán chuyển nhượng khi có nhu cầu.
Thứ hai, các NH niêm yết buộc phải đáp ứng tiêu chuẩn báo cáo tài chính kiểm toán độc lập. Từ đó các thông tin tài chính của NH sẽ tiến tới chuẩn công khai minh bạch toàn diện.
Thứ ba, NH lên sàn sẽ thể hiện được các thông tin về vốn chủ sở hữu, tỷ lệ sở hữu cũng như những người sở hữu cổ phần tại NH đó. Khi đó, việc kiểm soát và ngăn chặn tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống NH sẽ hiệu quả hơn.
Cuối cùng, NH niêm yết sẽ có điều kiện để gọi vốn từ đại chúng trong và ngoài nước trên TTCK, thay vì dựa vào cách thức huy động truyền thống là từ cổ đông hiện hữu và nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
Quy trách nhiệm người đứng đầu
Quy trách nhiệm người đứng đầu
Theo các chuyên gia tài chính, nhiều NH đang tính toán chọn thời điểm thích hợp, để khi niêm yết tránh cổ phiếu bị bán hoặc bị nhóm khác thâu tóm. Một số NH lại chờ đối tác mạnh tham gia nhưng chưa chọn được đối tác thích hợp, chưa thỏa hiệp được những nguyên tắc hợp tác nên còn chần chờ.
Tuy nhiên thời hạn 2020 bắt buộc các NHTMCP lên sàn là giải pháp thúc đẩy các NH tái cơ cấu hoạt động và quản trị để sớm lành mạnh hóa hệ thống. Với định hướng đó, NHNN phải quyết liệt đốc thúc để tránh tình trạng các NH trì hoãn như đã xảy ra trong nhiều năm qua.
Muốn thực hiện yêu cầu đề ra, NHNN cần quy định rõ trách nhiệm của các thành viên. Chẳng hạn quy định những NH chậm niêm yết trách nhiệm do các cơ quan và lãnh đạo phụ trách NH đó. Những NH nằm trong diện kiểm soát đặc biệt phải nhanh chóng có đề án và phương pháp triển khai để sớm lành mạnh, sau đó niêm yết lên sàn. Nếu chậm trễ, lỗi thuộc về người đứng đầu NH bị kiểm soát đặc biệt.
Ngoài ra, UBCKNN cũng phải có trách nhiệm đôn đốc những NH là công ty cổ phần có trên 100 cổ đông bắt buộc phải đưa lên UPCoM như những công ty cổ phần đại chúng bình thường. Còn nếu đến thời hạn, các NH vẫn chưa niêm yết đầy đủ có thể xử phạt tùy theo mức độ trách nhiệm. Bởi lẽ, đây là chủ trương của Chính phủ về phát triển ngành NH và TTCK trong thời gian tới.
Những NH với các thông tin tài chính như tỷ lệ sinh lời, nợ xấu chưa thuận lợi, các khoản đầu tư có tính rủi ro cao hay cổ phiếu dưới mệnh giá, sẽ cân nhắc việc niêm yết. Bởi nếu lên sàn, những điểm bất lợi bộc lộ ra, các NH này không được thị trường chào đón, cổ phiếu bị đánh giá thấp, gây bất lợi tới quan hệ cổ đông và ảnh hưởng tới giá trị cổ phiếu, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh từ huy động vốn đến cho vay. TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH |