3 cơ hội cho ngành thủy sản

Dù phải đối mặt với không ít khó khăn về rào cản kỹ thuật xuất khẩu, nhưng thực tế các doanh nghiệp thủy sản niêm yết đang đứng trước cơ hội lớn khi 3 yếu tố quan trọng của ngành là giá dầu, lãi suất và tỷ giá đang diễn biến hết sức tích cực.

Dù phải đối mặt với không ít khó khăn về rào cản kỹ thuật xuất khẩu, nhưng thực tế các doanh nghiệp thủy sản niêm yết đang đứng trước cơ hội lớn khi 3 yếu tố quan trọng của ngành là giá dầu, lãi suất và tỷ giá đang diễn biến hết sức tích cực.  

Rào cản kỹ thuật

Theo Hiệp hội Chế biến thủy sản xuất khẩu (VASEP), mặc dù đã mở rộng được thị  phần xuất khẩu sang những thị trường tiềm năng như: ASEAN, Trung Quốc, Hồng Công, Australia trong 2014, nhưng rủi ro sụt giảm thị phần từ các thị trường chính như Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản sẽ là gánh nặng cho ngành trong 2015.

Nguyên nhân chính do các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm như Luật Farm Bill mới của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đối với cá tra tại thị trường này, hay quy định dư lượng Oxytetracycline kháng sinh trong tôm Việt Nam tại thị trường Nhật. Bên cạnh đó, chính sách bảo hộ tại thị trường Hoa Kỳ với các mức thuế chống bán phá giá POR8 (tôm) và POR9 (cá tra) đều cao hơn so với quy định trước đó, làm ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh thương hiệu thủy sản Việt Nam tại Hoa Kỳ và giảm tính cạnh tranh.

Trong 2014, đã có 29 lô hàng thủy sản có kháng sinh Oxytetracycline vượt mức giới hạn cho phép tại EU, Nhật Bản; 18 lô bị cảnh báo nhiễm chất cấm Nitrofurazone tại EU. Phía EU đã yêu cầu Việt Nam khắc phục khẩn  cấp trước ngày 9-1; nếu không sẽ có biện pháp kiểm soát bổ sung, thậm chí ngừng nhập thủy sản từ nước ta.  

3 lợi thế

Có lẽ rào cản kỹ thuật là khó khăn duy nhất đối với các doanh nghiệp thủy sản ở thời điểm hiện nay. Song bù lại, doanh nghiệp thủy sản đang được thụ hưởng những lợi thế rất lớn, nhất là trong bối cảnh giá dầu giảm, lãi suất giảm và tỷ giá tăng sẽ tác động tích cực cho ngành trong 2015.

Theo phân tích của CTCK Maybank KimEng (MBKE), giá dầu giảm kỳ vọng chi phí hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất cá tra như chi phí nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển đều giảm.

Cụ thể, nguồn nguyên liệu chính để sản xuất là cá tra nguyên liệu (chiếm khoảng 80% giá thành sản phẩm), trong đó thức ăn cho cá tra nguyên liệu chiếm tỷ trọng khoảng 70% trong cơ cấu giá thành và hơn 50% chi phí nguyên liệu để sản xuất thức ăn cho cá (khô dầu đậu nành, bột cá, dầu cá) phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Theo dữ liệu lịch sử, giá bánh dầu đậu nành biến động cùng chiều với giá dầu và có độ trễ. Từ tháng 10-2014 đến nay, giá dầu đã giảm 45%, còn giá bánh dầu đậu nành chỉ mới giảm 7,5%. Chính vì vậy, dự báo giá bánh dầu đậu nành sẽ tiếp tục giảm trong 2015. Khi đó, các doanh nghiệp có khả năng tự chủ nguồn nguyên liệu sản xuất sẽ được hưởng lợi từ sụt giảm trên và cải thiện biên lợi nhuận.

Lãi suất giảm sẽ giúp các doanh nghiệp giảm chi phí lãi vay. Thực tế, phần lớn doanh nghiệp thủy sản có nhu cầu vốn cao, đặc biệt là vốn lưu động để mua nguyên vật liệu đầu vào cho chế biến, nhất là các khoản vay ngắn hạn.  Với kỳ vọng lãi suất 2015 sẽ tiếp tục giảm, chi phí lãi vay sẽ không còn là gánh nặng của các doanh nghiệp thủy sản.

Bên cạnh đó, việc tỷ giá tăng tỷ thêm 1% từ mức 21.246 VNĐ/USD lên 21.458 VNĐ/USD sẽ có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản. Hầu hết các công ty thủy sản Việt Nam đều xuất khẩu sang các thị trường tiêu thụ lớn của thế giới là EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản và phần lớn hợp đồng xuất khẩu đều dưới đồng tiền USD.

Ngoài ra, các công ty thủy sản thường vay bằng đồng USD để tài trợ vốn lưu động và lượng tiền vay đều thấp hơn so với doanh thu mang lại. Do vậy, sự điều chỉnh tăng tỷ giá USD/VNĐ lần này sẽ mang lại một phần lãi từ chênh lệch tỷ giá, qua đó giúp cải thiện lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Ưu thế thuộc về các “ông lớn”

Thuận lợi là vậy, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể hưởng lợi. Thực tế, chỉ những doanh nghiệp vượt qua được rào cản kỹ thuật mới có cơ hội tăng trưởng, trong khi các doanh nghiệp nhỏ sẽ ít nhiều “rơi rụng” vì không đáp ứng được các tiêu chuẩn này.

Trên TTCK có hàng chục doanh nghiệp thủy sản niêm yết, trong đó nổi bật nhất là CTCP Thủy sản Hùng Vương (HVG), CTCP Thủy sản Sao Ta (FMC) và CTCP Thủy sản Vĩnh Hoàn (VHC). Đây là những doanh nghiệp dẫn đầu về quy mô sản xuất (vùng nuôi đạt tiêu chuẩn, hệ thống sản xuất và quản lý theo chuỗi giá trị) và thị trường xuất khẩu ổn định.

Đơn cử là HVG, mặc dù thị phần cá tra tại Hoa Kỳ của HVG bị sụt giảm do thuế chống bán phá giá POR9 cao hơn POR8, nhưng với cơ cấu sản phẩm đa dạng hơn nên doanh nghiệp này vẫn bảo đảm được mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong 2015. HVG dự kiến sẽ tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng (VTF) lên trên 90%, CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (AGF) lên  85%, CTCP Hùng Vương Miền Tây lên 80% và FMC lên trên 51% trong năm nay. 

Theo đó, với 2 mảng kinh doanh chính là cá tra và thức ăn chăn nuôi tiếp tục được  đẩy mạnh cộng với hợp nhất kinh doanh tôm của FMC, nên HVG đặt mục tiêu doanh  thu 2015 là 20.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng (đều tăng 43% so với kế hoạch 2014).

Ngoài ra, HVG cũng lên kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua chào bán và phát hành thêm CP. Ngày 15-1 là ngày đăng ký cuối cùng phân bổ quyền mua CP bằng mệnh giá (tỷ lệ 3:1) và phát hành CP (tỷ lệ 10:1) từ nguồn vốn chủ sở hữu. Nếu việc chào bán thành công, vốn điều lệ của HVG sẽ tăng từ 1.320 tỷ đồng lên 1.891 tỷ đồng. 

Trong khi đó, FMC được hưởng lợi nhờ giá tôm do nguồn cung tôm từ các quốc gia xuất khẩu mạnh như Trung Quốc, Thái Lan sụt giảm mạnh. FMC đã có một năm kinh doanh thành công với mảng tôm xuất khẩu. Mặc dù các quốc gia trên hiện đã kiểm soát được dịch bệnh và đang dần phục hồi, nhưng khó đạt được mức độ như bình thường.

Theo dự báo thị trường, phải sau 2 năm các thị trường này mới hồi phục hoàn toàn. Do vậy, giá xuất khẩu có thể tiếp tục duy trì tốt trong năm 2015. Theo ước tính của MBKE, kết quả kinh doanh cả năm 2015 của FMC với doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt 2.991 tỷ đồng và 68 tỷ đồng, (tăng 4% và 7%).

Ngành thủy sản có nhiều cơ hội trong năm nay.

Ngành thủy sản có nhiều cơ hội trong năm nay.

Tương tự, năm 2014 là 1 năm đại thành công của VHC. Trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra khác bị đánh thuế chống bán phá giá POR9 cao hơn còn VHC ở mức 0%. Điều này giúp VHC đẩy mạnh được thị phần của mình tại Hoa Kỳ, nơi giá bán cá tra cao nhất so với các thị  trường khác.

Bên cạnh đó, việc thoái vốn khỏi CTCP Thức ăn thủy sản Vĩnh Hoàn 1 và mua lại Công ty TNHH MTV Vạn Đức Tiền Giang đã giúp VHC cải thiện biên lợi nhuận gộp nhờ giảm bớt hoạt động kinh doanh ngoài ngành và tập trung phát triển mảng cá tra xuất khẩu để tạo lợi thế quy mô. Ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2015 của VHC khoảng 7.316 tỷ đồng và 502 tỷ đồng (tăng 25% và 11%).

Các tin khác