
Tăng trưởng tín dụng cao
Tính đến cuối tháng 6, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 9,9%, vượt xa mức 6,1% của cùng kỳ năm 2024. Mức tăng mạnh này chủ yếu được dẫn dắt bởi tín dụng doanh nghiệp, nhờ mặt bằng lãi suất cho vay vẫn duy trì ở mức thấp. Ngược lại, mảng tín dụng bán lẻ tăng trưởng chậm hơn do nhu cầu tín dụng yếu, phản ánh quá trình phục hồi còn dè dặt của thị trường vay mua nhà và tiêu dùng.
Theo dự báo của các chuyên gia, hoạt động cho vay trong nửa cuối năm 2025 nhiều khả năng sẽ được thúc đẩy bởi 4 số yếu tố chính như: chính sách đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; Nghị quyết 68 nâng cao vai trò và vị thế của khu vực kinh tế tư nhân; hướng tới bỏ room tín dụng; khơi thông dòng vốn vào bất động sản.
Trong 4 nhóm yếu tố này, vấn đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm chính là mục tiêu bỏ room tín dụng. Theo quan điểm của CTCK MB (MBS), nếu bỏ room tín dụng sẽ giúp các NH có nền tảng tốt về CAR (tỷ lệ an toàn vốn), chi phí vốn và LDR (tỷ lệ cho vay trên tiền gởi) thấp sẽ nâng cao được sức cạnh tranh.
Phía ngược lại, người đi vay với lịch sử tín dụng tốt sẽ không bị hạn chế cho vay vì hết room tín dụng, và những NH yếu kém hơn buộc phải nâng cao nội tại nhằm thu hút khách hàng. Từ đó nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng tài sản toàn ngành, tình trạng đẩy tín dụng vào cuối quý hoặc cuối năm sẽ không còn và tín dụng chảy đến nơi cần đến.
Lo nợ xấu trở lại
Tuy nhiên, việc đẩy mạnh bơm vốn ra nền kinh tế được dự báo sẽ tác động đến chất lượng tài sản của các NH, vốn phục hồi không ổn định trong 2 năm qua. Hiện tỷ lệ NPL (nợ xấu) của các NH dao động quanh mức 2%, với đóng góp đáng kể từ tăng trưởng tín dụng bất thường trong giai đoạn cuối năm ngoái.
Mặc dù tỷ lệ nợ nhóm 2 đã được cải thiện đáng kể, LLR (tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu) cũng biến động khi các NH giảm tốc trích lập dự phòng. Do đó, nhiều chuyên gia lo ngại kết quả kinh doanh dự báo kém tích cực sẽ làm giảm đáng kể khả năng mở rộng dự phòng của các NH trong vài năm tới, đồng nghĩa với việc chất lượng tài sản khó có thể cải thiện rõ rệt vào cuối năm 2025.
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh cho vay bán lẻ cũng tạo thêm áp lực lên NPL của các NH niêm yết trong trung hạn. Theo MBS, phần lớn các NH trong phạm vi theo dõi đều ghi nhận chất lượng tài sản suy giảm trong quý I vừa qua, dù tăng trưởng tín dụng có cải thiện so với cùng kỳ.
Tỷ lệ NPL của tất cả các NH tăng từ 5 đến 55 điểm cơ bản tính từ đầu năm, nhưng thay đổi của tỷ lệ nợ nhóm 2 có sự phân hóa. Cụ thể, tỷ lệ này không đổi hoặc giảm ở các NH đã tăng tốc trích lập dự phòng trong các quý gần đây, trong khi vẫn tăng tại các NH còn lại.
Dựa trên dự báo chất lượng tài sản không được cải thiện đáng kể và chính sách trích lập thận trọng, MBS ước tính tỷ lệ LLR của các NH niêm yết sẽ tăng nhẹ vào cuối năm 2025.
Do lãi suất cho vay liên tục giảm kể từ nửa cuối năm 2023 nhằm kích thích nhu cầu tín dụng, lợi suất tài sản của các NH đã bước vào xu hướng giảm. Sự sụt giảm này đã thu hẹp NIM (biên lãi ròng) của toàn ngành, do tốc độ giảm lợi suất tài sản nhanh hơn mức giảm của COF (chi phí vốn).
Theo quan sát của MBS, lợi suất tài sản của các NH niêm yết đã giảm mạnh 193 điểm cơ bản so với cùng kỳ năm trước trong năm 2024 và giảm thêm 59 điểm cơ bản trong quý I-2025, trong khi COF chỉ giảm lần lượt 189 điểm cơ bản và 29 điểm cơ bản.
Mặc dù lãi suất cho vay dự kiến duy trì ở mức thấp hơn 2024 trong các quý tới, tăng trưởng tín dụng bán lẻ nhờ sự phục hồi nhanh của mảng cho vay mua nhà và tiêu dùng, sẽ đóng góp quan trọng vào sự phục hồi của NIM trong phần còn lại của năm 2025 so với quý đầu năm.
Bên cạnh đó, sự cải thiện CASA từ đầu năm 2024, chủ yếu nhờ sự hồi phục mạnh mẽ của tín dụng doanh nghiệp, sẽ hỗ trợ duy trì chi phí vốn ở mức thấp hiện nay trong 6-9 tháng tới.
Do đó, MBS kỳ vọng NIM trong phần còn lại của năm 2025 sẽ không thấp hơn mức của quý I-2025, nhưng khó có khả năng đạt mức tương đương năm 2024 do lãi suất cho vay bình quân thấp hơn và chi phí vốn dự kiến giữ nguyên. Bất chấp xu hướng chung giảm, MBS cho rằng có sự khác biệt rõ rệt giữa các NH về NIM.
Những NH từng ghi nhận mức giảm NIM mạnh trong những năm gần đây, do đặc thù danh mục cho vay bị ảnh hưởng, chẳng hạn như VPB, MBB và TCB, được kỳ vọng sẽ có mức giảm NIM nhẹ hơn so với các NH khác.
Cổ phiếu phân hóa
Cho tới thời điểm hiện tại, diễn biến nhóm cổ phiếu NH vẫn duy trì tương đối tích cực trước những thông tin hỗ trợ, bao gồm kế hoạch tăng trưởng kinh tế cao thúc đẩy nhu cầu tín dụng với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16%, và việc điều chỉnh chính sách mang tính hỗ trợ như: Nghị định 69 liên quan đến nới room ngoại lên 49% cho các NH tham gia tái cơ cấu TCTD yếu kém như HDB, VPB, MBB, VCB; hay đề xuất chính sách gần đây bao gồm dự thảo sửa đổi Thông tư 15 về tái cấp vốn hay đề xuất luật hóa việc thu giữ tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng.
Đặc biệt, trước thông tin về thuế quan mang tính bất định, nhóm cổ phiếu NH đang thu hút dòng tiền hơn so với các nhóm ngành còn lại do không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thông tin này.
Dù vậy, có thể thấy đà tăng mạnh đang tập trung tại các NH có câu chuyện riêng như STB hay TCB giúp các cổ phiếu này liên tục thiết lập đỉnh cao mới. Trong khi đó, phần nhiều các cổ phiếu NH, đặc biệt là các NH nhỏ, chưa thể bứt phá trước kết quả kinh doanh, đặc biệt thu nhập lãi thuần chịu áp lực do sự thu hẹp NIM và áp lực chi phí dự phòng dâng cao khi Thông tư 02 về giãn nợ Covid và xu hướng nợ xấu tăng.
Theo CTCK Goutai Junan, bối cảnh vĩ mô với triển vọng chưa chắc chắn, sẽ gây thêm khó khăn cho các NH trong việc cân đối lựa chọn giải ngân tín dụng trong giai đoạn ngắn hạn sắp tới. Rào cản NIM và nợ xấu phát sinh cũng khiến bức tranh kinh doanh trở nên kém sắc hơn. Dù vậy, tăng trưởng tín dụng nhóm ngành NH sẽ dần tăng tốc từ quý III và cán mốc mục tiêu tương tự các năm trước.
Nhiều chuyên gia lo ngại kết quả kinh doanh dự báo kém tích cực sẽ làm giảm đáng kể khả năng mở rộng dự phòng của các NH trong vài năm tới, đồng nghĩa với việc chất lượng tài sản khó có thể cải thiện rõ rệt vào cuối năm 2025.